Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự đang ngày càng được quan tâm và chú trọng khi các vụ án dân sự xảy ra trên thực tiễn ngày càng nhiều mà người dân thì luôn muốn đảm bảo quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Vì thế, họ chọn khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án. Vậy, phạm vi khởi kiện vụ án dân sự là như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới của ACC để được giải đáp thắc mắc và biết thêm thông tin chi tiết về phạm vi khởi kiện vụ án dân sự.
Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự
1. Khái quát về vụ án dân sự.
Để biết được phạm vi khởi kiện vụ án dân sự, trước hết cần nắm được vụ án dân sự là gì.
Vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đó là các tranh chấp nảy sinh từ các quan hệ hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại và các quan hệ dân sự trong đời sống xã hội khác. Việc những chủ thể của những quan hệ đó có tranh chấp và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Nhà nước giải quyết được gọi là các vụ án dân sự. Các tranh chấp dân sự được coi là vụ án dân sự khi có chủ thể trong quan hệ tranh chấp đó đưa vấn đề tranh chấp ra trước Tòa án để được giải quyết, việc đưa vấn đề tranh chấp đó ra trước cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được gọi là “khởi kiện”.
Việc khởi kiện vụ án dân sự là hành vi của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Khi xác định phạm vi khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể cần biết được mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không. Điều này được quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 còn quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại Điều 187. Cụ thể, những chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước bao gồm:
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
- Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
3. Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Theo quy định này thì trong vụ án dân sự nói chung, đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) có quyền quyết định phạm vi yêu cầu để Tòa án xem xét, giải quyết. Đồng thời Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự. Như vậy, phạm vi khởi kiện vụ án dân sự của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải xác định đúng và đầy đủ yêu cầu của đương sự trong vụ án.
Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự còn được quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Đồng thời Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn về phạm vi khởi kiện vụ án dân sự như sau:
Được coi là “nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau” để giải quyết trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc giải quyết quan hệ pháp luật này đòi hỏi phải giải quyết đồng thời quan hệ pháp luật khác;
Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả lại quyền sử dụng đất. Đồng thời, A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc C phải tháo dỡ công trình mà C đã xây dựng trên đất đó.
b) Việc giải quyết các quan hệ pháp luật có cùng đương sự và về cùng loại tranh chấp quy định trong một điều luật tương ứng tại một trong các điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.”
Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả nợ 100 triệu đồng. Đồng thời, A còn khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả lại chiếc xe ôtô mà B thuê của A do đã hết thời hạn cho thuê.
Những vấn đề liên quan đến phạm vi khởi kiện vụ án dân sự cũng như các thông tin cần thiết khác đã được trình bày cụ thể và chi tiết trong bài viết. Việc nắm được các nội dung về phạm vi khởi kiện vụ án dân sự sẽ giúp chủ thể dễ dàng xác định phạm vi khi thực hiện thủ tục khởi kiện theo đúng quy định pháp luật.
Nếu quý khách hàng vẫn còn thắc mắc liên quan đến phạm vi khởi kiện vụ án dân sự cũng như các vấn đề có liên quan, hãy liên hệ ngay với ACC.
Công ty luật ACC chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian sớm nhất có thể.
Gọi trực tiếp cho chúng tôi theo hotline 1900.3330 để được tư vấn chi tiết.
Nội dung bài viết:
Bình luận