Hiện nay, vấn đề tham gia vào các tổ chức quốc tế và ký kết các điều ước quốc tế là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới. Vậy, Việt Nam đã làm như thế nào để nội luật hóa các điều ước quốc tế trong pháp luật của nước ta. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
nội luật hóa điều ước quốc tế ở việt nam
1. Một số định nghĩa cơ bản
1.1 Khái niệm điều ước quốc tế
Vấn đề pháp điển luật điều ước quốc tế được thảo luận khá sớm, song chỉ trong khuôn khổ Liên hợp quốc tới năm 1969 mới soạn thảo và thông qua được Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế và mãi đến năm 1980 Công ước này mới có hiệu lực. Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế đã pháp điển hóa và phát triển hàng loạt các quy phạm vốn là tập quán quốc tế trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Điều 1 của Công ước quy định rõ: “Điều ước là từ dùng để chỉ một thoả thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.
Mặc dù đã được định nghĩa như vậy, nhưng cách hiểu và giải thích về nó cũng như áp dụng trên thực tế hầu như chưa có sự thống nhất trong các quốc gia thành viên, kể cả các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước. Cách hiểu của Việt Nam về khái niệm điều ước quốc tế cũng không hoàn toàn nhất quán. Theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết được hiểu là “thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết”. Việc thực hiện các điều ước quốc tế theo Pháp lệnh này phải thực hiện thông qua quá trình chuyển đổi nó thành quy định pháp luật trong nước. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 có định nghĩa: "Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”. Luật kế thừa và phát triển các quy định về thực hiện điều ước quốc tế trước đây và còn cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để thực thi nó, không cần sự chuyển đổi nào.
1.2 Khái niệm nội luật hóa
Nội luật hóa là chuyển hóa quy định trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc thực hiện đối với tổ chức, cá nhân ở một quốc gia. Việc nội luật hóa được tiến hành sau khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia chính thức xác nhận quy định trong điều ước quốc tế ràng buộc đối với quốc gia đó.
2. Đặc điểm của nội luật hóa
a) Đặc điểm về thời gian xuất hiện
Quá trình nội luật hóa có thể diễn ra sớm hoặc muôn hơn quá trình thực hiện điều ước quốc tế. Nó có thể được diễn ở các giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn tạo lập thỏa thuận ý chí của các quốc gia hay các chủ thể khác của luật quốc tế.
Hoạt động nội luật hóa ở giai đoạn này có thể là các hành vi cụ thể như: soạn thảo văn bản pháp luật trong nước có nội dung pháp lý thống nhất với nội dung pháp lý của dự thảo điều ước quốc tế đã được các bên tạo lập. Bên cạnh đó, giai đoạn này nếu không có việc soạn thảo văn bản trong nước thì cũng có thể có hoạt động cho phép xác định nội dung pháp lý cần nội luật hóa
- Giai đoạn công nhận hiệu lực bắt buộc của các quy phạm điều ước.
Hoạt động nội luật hóa ở giai đoạn này có thể gồm nhiều hành vi cụ thể riêng biết của các quốc gia. Các hành vi này phụ thuộc vào quy định cụ thể các điều kiện ghi trong điều ước và được biểu hiện bằng nhiều cách như: ban hành văn bản, phê duyệt, phê chuẩn, gia nhập, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có nội dung pháp lý thống nhất với nội dung pháp lý của điều ước quốc tế đã được ký kết...
Có thể nói vấn đề nội luật hóa đích thực bắt đầu từ giai đoạn này. Do vậy, việc chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế phải bắt đầu từ các thao tác cụ thể của cơ quan có thẩm quyền của nước ký điều ước quốc tế đó, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế. Trong nhiều trường hợp, văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập được coi là văn kiện nội luật hóa điều ước quốc tế. Nó là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện các điều ước quốc tế cụ thể đó.
- Giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế.
Hoạt động nội luật hóa có thể bắt đầu từ giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế theo thời điểm có hiệu lực được quy định trong điều ước hay do thỏa thuận của các bên. Thời điểm điều ước quốc tế có hiệu lực và thời điểm nội luật hóa có thể không trùng nhau. Thông thường, thời điểm nội luật hóa một điều ước quốc tế có thể diễn ra trước khi điều ước quốc tế đó có hiệu lực. Việc nội luật hóa như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện điều ước quốc tế. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp việc nội luật hóa lại diễn ra sau khi điều ước quốc tế có hiệu lực, đặc biệt là đối với việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên. Việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên thường diễn ra sau khi điều ước quốc tế nhiều bên đó đã có hiệu lực thi hành.
b) Đặc điểm của văn bản nội luật hóa
Văn bản nội luật hóa là văn bản quy phạm pháp luật trong nước, nhưng có một số nội dung pháp lý vốn là nội dung pháp lý của điều ước quốc tế có liên quan. Nếu xét về mặt bản chất thì nội dung pháp lý của văn bản nội luật hóa đó có cội nguồn từ nội dung pháp luật của các cam kết cần được thi hành của các nước liên quan.
c) Đặc điểm của hiệu lực cưỡng chế của văn bản nội luật hóa
Hiệu lực cưỡng chế của văn bản nội luật hóa điều ước quốc tế thể hiện ở chỗ văn bản đó là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nó có hiệu lực cưỡng chế như các văn bản quy phạm pháp luật bình thường khác. Tuy vậy, việc ban hành văn bản nội luật hóa dưới hình thức nào (Nghị quyết hoặc Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết hay Nghị định của Chính phủ...) lại tuỳ thuộc vào sự quyết định của các cơ quan trong nước, căn cứ vào mô hình nội luật hóa, vào điều kiện lịch sử cụ thể trong nước.
d) Đặc điểm quan hệ so sánh giữa điều ước quốc tế, pháp luật trong nước và quá trình nội luật hóa.
Đây là vấn đề thường bị nhầm lẫn, thường bị bỏ qua trong nghiên cứu quan hệ tương tác giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Trong lý luận pháp luật quốc tế, có các ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật này, có quan điểm quá nghiêng về trường phái nhất nguyên luận (hệ thống này là bộ phận của hệ thống kia), có quan điểm lại ở vào tình trạng dung hòa, nghiêng về trường phái nhị nguyên luận (hai hệ thống đó độc lập với nhau nhưng có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau). Chính những người có quan điểm theo nhị nguyên luận là những người quan tâm nhiều hơn về vấn đề chuyển hóa hay nội luật hóa điều ước quốc tế để thi hành.
3. Các mô hình nội luật hóa các điều ước quốc tế ở Việt Nam
a) Các tiêu chí để xác định mô hình:
Có nhiều tiêu chí khác nhau có thể được lựa chọn để xây dựng mô hình nội luật hóa các điều ước quốc tế. Trong phạm vi Đề tài này, có thể nêu lên các nhóm tiêu chí sau và phù hợp với chúng là các mô hình tương ứng:
- Nhóm tiêu chí cơ bản là các nghĩa vụ cơ bản của Việt Nam theo các cam kết trong lĩnh vực cần có nội luật hóa. Các tiêu chí này có thể phân ra thành các tiểu nhóm theo nội dung đã có trong pháp luật Việt Nam và chưa có trong pháp luật Việt Nam. Theo tiểu nhóm nội dung đã có trong pháp luật Việt Nam thì có những nội dung phù hợp và có những nội dung trái, chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam.
- Nhóm những tiêu chí bổ sung (để làm hoàn thiện mô hình) là các nghĩa vụ không cơ bản và các quy định về quyền của Việt Nam theo các cam kết quốc tế. Đây là nhóm tiêu chí không được quá đề cao trong quá trình nội luật hóa cho dù chúng có thể có ý nghĩa quan trọng về mặt trong nước.
b) Các mô hình cơ bản:
Việc định ra các mô hình cơ bản chỉ có ý nghĩa định hướng cho việc lựa chọn, áp dụng giải pháp nội luật hóa. Căn cứ vào các tiêu chí nói trên, có thể xây dựng ba mô hình cơ bản về nội luật hóa các điều ước quốc tế, đó là mô hình “cách mạng”, mô hình “cải lương” (hay còn gọi là “chuyển hóa từ từ”) và mô hình hỗn hợp trong nội luật hóa .
Mô hình “cách mạng” đặt ra việc bãi bỏ các quy định cũ của pháp luật trong nước trái với nội dung cam kết quốc tế, sửa đổi những quy định pháp luật trong nước chưa phù hợp; bổ sung những quy định mà pháp luật trong nước chưa có ngay trong một thời gian ngắn bằng cách ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật hiện hành để thực thi đầy đủ các nội dung của điều ước quốc tế.
Mô hình “cải lương” (hay còn gọi là “chuyển hóa từ từ”) đặt ra yêu cầu thay thế từng phần (chứ không bãi bỏ ngay) các quy định trong nước có nội dung trái với cam kết quốc tế; sửa đổi dần từng phần các quy định trong nước chưa phù hợp căn cứ vào điều kiện cụ thể; bổ sung dần các quy định mà pháp luật trong nước chưa có khi điều kiện trong nước cho phép.
Mô hình hỗn hợp thực chất là kết hợp cả hai mô hình nêu trên.
Sự khác nhau giữa mô hình “cách mạng” và mô hình “cải lương” (“chuyển hóa từ từ”) chủ yếu ở chỗ, mô hình cách mạng sẽ tạo lập nhanh chóng, đồng bộ nền tảng pháp luật trong nước để thực thi ngay, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, nhanh chóng đưa điều ước quốc tế vào cuộc sống nội bộ quốc gia. Trong khi đó, mô hình cải lương thì tạo lập từ từ, theo từng mảng vấn đề của pháp luật trong nước, dần dần đưa điều ước quốc tế vào thực thi trong nước. Áp dụng mô hình cách mạng có mặt không lợi là dễ dẫn đến những hậu quả nhất định trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là những cam kết quốc tế liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đông đảo người dân. Trong khi đó, áp dụng mô hình cải lương có thể không bị xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, nhưng có thể phải tốn nhiều thời gian, mất cơ hội trong kinh doanh quốc tế, làm giảm niềm tin của cộng đồng thương mại quốc tế vào nước ký kết điều ước quốc tế.
c) Các cách thức nội luật hóa
Có nhiều cách thức để nội luật hóa. Có thể nêu lên một số cách thức sau theo mô hình nội luật hóa đã nêu:
- Thứ nhất, cách thức “một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật”. Đây là cách thức được áp dụng theo mô hình “cách mạng” trong nội luật hóa điều ước quốc tế. Thực tiễn nhiều nước áp dụng cách thức này trong nội luật hóa các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn Việt Nam ta thời gian qua cũng áp dụng một phần cách thức này.
- Thứ hai, cách thức tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi điều ước quốc tế như Việt Nam ta vẫn làm. Cách thức này được áp dụng theo mô hình cải lương, chuyển hóa từ từ điều ước quốc tế. Trong một số trường hợp, việc nội luật hóa các điều ước quốc tế để thi hành còn có thể được thực hiện theo cách thức ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan hành pháp, đặc biệt là ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về một số vấn đề cần làm rõ theo các quy định trong điều ước quốc tế. Cách làm này cũng áp dụng đối với cả trường hợp khi cơ quan phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế quyết định cho áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế trên cơ sở Điều 6 Khoản 3 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, cụ thể là “Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần điều ước quốc tế đó...”
- Thứ ba, phối hợp cách một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với cách sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản quy phạm pháp luật để dần dần thực thi điều ước quốc tế. Cách thức này được áp dụng theo mô hình hỗn hợp trong nội luật hóa các điều ước quốc tế. Trong thực tiễn, việc áp dụng cách thức nội luật hóa này có thể cho phép vượt qua được những trở ngại nhất định trong quá trình chuyển hóa nội dung pháp lý của điều ước quốc tế thành nội dung pháp lý của pháp luật trong nước do chưa có các quy định bổ trợ thực thi nội dung pháp lý đó trong pháp luật trong nước.
Trên đây là một số thông tin về nội dung nội luật hóa điều ước quốc tế ở Việt Nam. Nếu các bạn có thắc mắc liên quan đến các vấn đề trên, hãy liên hệ với ACC để được hỗ trợ tư vấn trực tiếp.
Nội dung bài viết:
Bình luận