Hội đồng xét xử là hội đồng gồm các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Tòa án có thẩm quyền lập ra để nhân danh nhà nước trực tiếp xét xử tại phiên tòa các vụ án và ra bản án hoặc quyết định đối với các vụ án. Vậy nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng xét xử là gì? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của ACC với chủ đề Nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng xét xử [Chi tiết 2022].

1. Hội đồng xét xử là gì?
Hội đồng xét xử là Hội đồng gồm các Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân do Tòa án có thẩm quyền lập ra để nhân danh nhà nước trực tiếp xét xử tại phiên tòa các vụ án và ra bản án hoặc quyết định đối với các vụ án.
Pháp luật quy định về thành phần của Hội đồng xét xử theo từng cấp xét xử và loại vụ án.
Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trong quá trình xét xử, nếu có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân không tiếp tục tham gia xét xử được thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án, nếu có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân dự khuyết thay thế. Trong trường hợp không có người thay thế ngay thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
Hội đồng xét xử làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số.
Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.
2. Hội đồng xét xử gồm những ai?
2.1. Hội đồng xét xử sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thành phần Hội đồng xét xử như sau:
“Điều 254. Thành phần Hội đồng xét xử
- Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
- Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.”
Theo quy định trên thì đối với phiên tòa xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử sẽ có một Thẩm phán và hai Hội thẩm, trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng phức tạp thì sẽ có hai Thẩm phán và Ba hội thẩm.
2.2. Hội đồng xét xử phúc thẩm
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm, trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng phức tạp thì sẽ có hai Thẩm phán và Ba hội thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
3. Nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng xét xử sơ thẩm
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án lần đầu bằng một Hội đồng xét xử căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác quyết định một người bị truy tố về một tội phạm cụ thể có phạm tội hay không; nếu có, thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS và quyết định việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người bị kết án và giải quyết những vấn đề khác của vụ án. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
- Theo nghĩa rộng, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là quá trình nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa vụ án hình sự đối với bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử về một tội cụ thể được quy định trong BLHS. Theo nghĩa này, thì nhiệm vụ của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa không chỉ là nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ để tiến hành sơ bộ việc định tội danh, dự kiến hình phạt có thể áp dụng đối với bị can bị truy tố mà còn phải giải quyết các vấn đề như: thẩm quyền xét xử vụ án (vụ án có thuộc thẩm quyền của Tòa án mình hay không, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố); quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; nếu có đủ căn cứ để đưa vụ án ra xét xử thì phải tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc mở phiên tòa và tổ chức phiên tòa xét xử vụ án; nếu không đủ căn cứ đưa vụ án ra xét xử và xét thấy có căn cứ thì quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung; nếu có căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì ra quyết định định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
- Theo nghĩa hẹp, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo bị truy tố về một tội phạm cụ thể. Theo nghĩa này, thì Hội đồng xét xử tiến hành: Thẩm tra các chứng cứ, tài liệu bằng cách xét hỏi, tổ chức việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; Nghị án để đánh giá chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra, ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác để quyết định người bị truy tố có phạm tội hay không; nếu có, thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS, quyết định việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người bị kết án, giải quyết những vấn đề khác của vụ án; và tuyên án.
Như vậy, dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, thì một trong những nhiệm vụ cơ bản quan trọng nhất của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nghĩa là, phải xét xử (phán xét và quyết định) chính xác người bị truy tố có phạm tội hay không; nếu có, thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS và quyết định việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người đó.
4. Quyền hạn của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm?
Theo khoản 1 Điều 361 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm như sau:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật;
- Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
- Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
5. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm như sau:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
- Sửa bản án sơ thẩm;
- Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
Như vậy, theo quy định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Nội dung bài viết:
Bình luận