Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần nghe qua khẩu hiệu “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Trong suốt những năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu và học hỏi không ngừng các tư tưởng tiến bộ và nhất quán trong việc xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quan niệm này đã được kế thừa và phát huy cho đến ngày nay. Vậy nhà nước vì dân có nghĩa là gì? Hãy cùng ACC tìm hiểu và phân tích trong bài viết dưới đây.
1. Nhà nước là gì?
Hiện nay không có định nghĩa cụ thể thế nào là nhà nước, do đó có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm của Nhà nước. Hiểu một cách đơn giản, Nhà nước là tổ chức quyền lực đặc biệt của xã hội, bao gồm một nhóm người được tách ra từ xã hội để chuyên thực thi quyền lực, nhằm tổ chức và quản lý xã hội, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền trong xã hội.
2. Nhà nước vì dân có nghĩa là gì?
Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, và từ việc học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến cũng như dựa vào tình hình, hoàn cảnh của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương chỉ đạo xây dựng mô hình Nhà nước với tiêu chí tiên quyết là Nhà nước thực sự vì dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Nhà nước vì dân là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, làm động lực để phát triển đất nước, tất cả đều vì lợi ích của dân, lấy dân làm gốc. Trên tinh thần đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng “mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh”.
Một nhà nước vì dân, theo quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh, là từ Chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải "làm quan cách mạng" để "đè đầu cưỡi cổ nhân dân". Đối với chức vụ Chủ tịch nước của mình, Bác cũng quan niệm là do dân ủy thác cho và như vậy phải phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ trung thành cho nhân dân.
Nhà nước vì dân được thể hiện thông qua việc thực hiện các hoạt động như đảm bảo nhân dân có cái ăn, có cái mặc, có chỗ ở; đảm bảo việc học hành của công dân; chăm lo cho đời sống vật chất của nhân dân như chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội, tất cả đều hướng đến lợi ích của nhân dân. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, việc quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân với các chính sách nổi bật như thực hiện tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, nâng cao tinh thần đoàn kết; xây dựng lối sinh hoạt mới, nếp sống mới, lối sống văn hóa của nhân dân nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Nhà nước vì dân còn thể hiện ở chỗ nhà nước dám chịu và biết chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Đó là trách nhiệm bảo đảm cuộc sống, đảm bảo quyền làm người, sự phát triển toàn diện của Nhân dân cũng như sự phát triển chung của đất nước.
3. Câu hỏi thường gặp
3.1. Nhà nước của nhân dân là gì?
Nhà nước của dân có thể hiểu là nhà nước do nhân làm chủ, đây là một tư tưởng rất tiến bộ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả mọi người dân Việt Nam, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, nòi giống, dân tộc, tôn giáo… đều là người chủ của Nhà nước, có trách nhiệm xây dựng Nhà nước.
3.2. Nhà nước do nhân dân là gì?
Nhà nước do dân có thể hiểu là nhà nước do nhân dân sáng lập ra, vì nhân dân mà tồn tại. Nhà nước do nhân dân được thể hiện ở chỗ các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập để thực hiện quyền làm chủ nhà nước của mình (thông qua hình thức bầu cử). Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều do nhân dân trực tiếp hay gián tiếp xây dựng và thực hiện (thông qua hình thức trưng cầu ý dân).
3.3. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm những gì?
- Quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp có thể kể đến như quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; quyền được tham gia đóng góp ý kiến khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền tự do ngôn luận, quyền được bảo đảm về an sinh xã hội,...
- Đi đôi với quyền chính là nghĩa vụ, các nghĩa vụ cơ bản của công dân bao gồm nghĩa vụ trung thành với đất nước, tham gia bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tuân thủ hiến pháp và pháp luật; tham gia vào việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,...
Trên đây là các thông tin về nhà nước vì dân có nghĩa là gì? và các thông tin có liên quan đến nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mong rằng bài viết có thể cung cấp cho quý bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này. Vui lòng liên hệ với công ty Luật ACC nếu cần tư vấn để được chúng tôi hỗ trợ một cách nhanh nhất.
Nội dung bài viết:
Bình luận