Bảo vệ và tôn trọng quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Hiến pháp ghi nhận các quyền con người đồng thời quy định các bảo đảm cũng như trách nhiệm của Nhà nước để các quyền đó được thực hiện. Do đó, nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là một nguyên tắc Hiến định quan trọng của tố tụng hình sự Việt Nam. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ cung cấp thông tin về Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, của cá nhân. Mời các bạn tham khảo.
1. Quyền con người là gì?
Quyền con người được hiểu là toàn bộ những quyền của một cá nhân được sinh ra trong xã hội.
Đây là một quyền mang tính chất nhân bản bởi nó là quyền được hình thành ngay sau khi cá nhân đó được sinh ra trong xã hội, nó được sinh ra từ bản chất con người chứ không phải do pháp luật ban hành hoặc do nhà nước trao cho quyền đó. Trong “Quyền con người”, nhà nước và pháp luật chỉ ghi nhận và bảo vệ quyền đó của con người.
Đây là một quyền tự nhiên của mỗi người, được tạo hóa ban cho con người giống như quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, những quyền cơ bản và tối thiểu của con người mà bất kỳ ai cũng cần được bảo vệ.
Quyền con người không chỉ được công nhận trên góc độ quyền tự nhiên của một cá nhân mà còn được ghi nhận trên quan điểm pháp lý như sau.
Theo đó, theo quy định của pháp luật “quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người”.
2. Cơ chế hiến định bảo vệ và bảo đảm quyền con người
Cùng với việc quy định quyền con người, Hiến pháp cũng quy định những bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Hiến pháp quy định về trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người; Điều 3 đã khẳng định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đi cùng với các quy định về quyền con người, bao giờ cũng có quy định về trách nhiệm của Nhà nước hoặc bảo hộ của pháp luật nhằm thực hiện các quyền đó trên thực tế.
Hiến pháp quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Việc Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân được tổ chức theo cấp xét xử, không quy định Tòa án đặc biệt; quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội; quy định nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân như xét xử công khai, độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử, hai cấp xét xử, tranh tụng trong xét xử… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng.
Đồng thời, Hiến pháp quy định chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ sở Hiến định quan trọng cho việc cụ thể hóa trong luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm để Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 về quyền con người đã có bước phát triển vượt bậc trong tư duy cũng như thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
3. Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
“Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không côn cần thiết” (Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Đây là một nguyên tắc Hiến định quan trọng của tố tụng hình sự Việt Nam. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định rõ ràng rằng: trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là thuộc về cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Từ nội dung của điều luật có thể hiểu rằng, đối tượng của việc tôn trọng và bảo vệ ở đây, trong tố tụng hình sự, là quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả những người tham gia tố tụng: bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại; nguyên đơn dân sự; người tố giác, báo tin về tội phạm; người kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; bị đơn dân sự; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc của bị hại, đương sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ Hên quan đến vụ án; người làm chứng; người chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu; người giám định; người định giá tài sản; người phiên dịch; người dịch thuật.
4. Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là thuộc về các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và nội dung trách nhiệm đó bao gồm:
- Thông báo, giải thích cho những chủ thể nêu trên về các quyền và nghĩa vụ của họ cũng như thực hiện những việc cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện các quyền đó. Chẳng hạn, cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thông báo và giải thích cho người bị tạm giữ là người này có các quyền: được biết lý do mình bị tạm giữ, trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ. Đây là các quyền của người bị tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Tạo đầy đủ các điều kiện để công dân sử dụng đầy đủ và tiện lợi các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, trước hết là quyền bào chữa, quyền trình bày lời khai, chứng cứ mà không bị sức ép hay sự đe dọa nào; quyền khiếu nại, tố cáo các việc làm sai trái, xâm phạm quyền của họ hay của người khác trong quá trình tố tụng, quyền được Tòa án xét xử kịp thời.
- Bảo đảm sự bất khả xâm phạm về thân thể, bí mật điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử... cũng như sự bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm, tài sản, chỗ ở, đời sống riêng tư.
- Bảo vệ và bảo đảm sự an toàn về tính mạng và tài sản của những người tham gia tố tụng, chẳng hạn như bảo vệ người làm chứng, bị hại, người bị tố giác, bị can, bị cáo và những người thân thích của họ.
- Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại.
Trên đây là tất cả thông tin về Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, của cá nhân mà Công ty Luật ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!
Nội dung bài viết:
Bình luận