Nguyên tắc trung thực, thiện chí là nền tảng của mọi giao dịch dân sự, bởi lẽ một giao dịch dân sự dù đơn giản hay phức tạp, mức độ dù lớn hay nhỏ thì khi thực hiện các quyền và thi hành các nghĩa vụ, sự trung thực, thiện chí luôn được đặt lên vị trí hàng đầu.

1. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Theo Điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về "Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự" như sau:
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
2. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc trung thực, thiện chí
Cơ sở pháp lý: Khoản 3 điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015.
“Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực…”.
3. Phân tích nguyên tắc trung thực, thiện chí
Nguyên tắc trung thực, thiện chí là nền tảng của mọi giao dịch dân sự, bởi lẽ một giao dịch dân sự dù đơn giản hay phức tạp, mức độ dù lớn hay nhỏ thì khi thực hiện các quyền và thi hành các nghĩa vụ, sự trung thực, thiện chí luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trung thực, thiện chí là thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực, nên cũng có tài liệu ghi nhận nguyên tắc này dưới tên là “nguyên tắc thẳng thắn và ngay tình”. Cùng một nội hàm như nhau nhưng hai hệ thống pháp luật thông luật và dân luật lại định nghĩa dưới hai tên gọi khác nhau là good faith và pacta sunt servanda. Khoản 1 Điều 2 Bộ dân luật Thụy Sỹ quy định rằng các bên phải trung thực, thiện chí khi thực hiện nghĩa vụ, và sự trung thực, thiện chí mang tính giả định và do pháp luật quy định, các bên không được xem là trung thực, thiện chí khi không thực hiện hành vi một cách mẫn cán, cẩn trọng và không đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Khoản 2 Điều 1 Bộ dân luật Nhật Bản, Điều 19 Bộ dân luật Philippines, Điều 4 Bộ Quy tắc chung về dân luật của Trung Quốc và Điều 5 Bộ luật dân sự và Thương mại Thái Lan cũng rất đề cao nguyên tắc trung thực và định chế nó vào trong Bộ dân sự.
- Nguyên tắc này được quy định nhằm bảo đảm trong việc giao kết hợp đồng không ai bị cưỡng ép hoặc bị những cản trở trái với ý chí của mình; đồng thời thể hiện bản chất của quan hệ pháp luật dân sự. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên chủ thể khi tham gia các quan hệ trao đổi phải bình đẳng với nhau; không ai được viện lý do khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, thành phần xã hội, dân tộc, giới tính hay tôn giáo… để tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ dân sự. Hơn nữa, ý chí tự nguyện của các bên chủ thể tham gia hợp đồng chỉ được bảo đảm khi các bên bình đẳng với nhau trên mọi phương diện. Chính vì vậy, pháp luật không thừa nhận những hợp đồng được giao kết thiếu sự bình đẳng và ý chí tự nguyện của một trong các bên chủ thể. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đánh giá một hợp đồng có được giao kết bảo đảm ý chí tự nguyện của các bên hay chưa, trong một số trường hợp lại là một công việc hoàn toàn không đơn giản và khá phức tạp bởi nhiều nguyên do chủ quan và khách quan khác nhau.
Như chúng ta đã biết, ý chí tự nguyện là sự thống nhất giữa ý chí chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài của chủ thể. Chính vì vậy, sự thống nhất ý chí của chủ thể giao kết hợp đồng với sự bày tỏ ý chí đó trong nội dung hợp đồng mà chủ thể này đã giao kết chính là cơ sở quan trọng để xác định một hợp đồng đã đảm bảo nguyên tắc tự nguyện hay chưa. Hay nói cách khác, việc giao kết hợp đồng chỉ được coi là tự nguyện khi hình thức của hợp đồng phản ánh một cách khách quan, trung thực mong muốn, nguyện vọng của các bên chủ thể tham gia hợp đồng.
Do đó, theo quy định của pháp luật thì tất cả những hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, lừa dối hay bị đe doạ đều không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết và do đó bị vô hiệu.
4. Nội dung nguyên tắc trung thực, thiện chí
Nguyên tắc này được Bộ luật Dân sự quy định trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền công dân đã được nêu rõ trong Hiến pháp 2013. Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác. Để thực hiện các quy định nêu trên của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự cụ thể hóa bằng việc đưa ra nguyên tắc thiện chí, trung thực khi cá nhân, pháp nhân tham gia giao dịch dân sự. Điều đó hoàn toàn phù hợp về lý luận cũng như về thực tiễn. Cá nhân, pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự bao giờ cũng mong đạt được mục đích là mang lại lợi ích cho bản thân, tổ chức của mình. Mục đích ấy luôn gắn liền với lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác khi cùng tham gia giao dịch dân sự. Do đó, cá nhân, pháp nhân phải tôn trọng lợi ích của các cá nhân và pháp nhân khác khi tham gia thực hiện các cam kết, thỏa thuận. Muốn thực hiện sự tôn trọng ấy, không có cách nào khác là cá nhân, pháp nhân phải thể hiện thái độ thiện chí, trung thực của mình trong các giao dịch dân sự.
Nội dung của nguyên tắc thiện chí, trung thực là cá nhân, pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải hợp tác, giúp đỡ nhau để xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Mỗi bên không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác, của Nhà nước và xã hội. Cùng với việc quan tâm, tôn trọng các lợi ích hợp pháp của người khác, các bên tham gia giao dịch dân sự còn phải tìm mọi biện pháp cần thiết để thực hiện các cam kết, thỏa thuận và hạn chế các thiệt hại gây ra cho nhau.
Tuy nhiên, để đánh giá tính thiện chí, trung thực của cá nhân, pháp nhân phải căn cứ vào thái độ và việc làm của họ trên thực tế, vào mục đích mà họ mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch dân sự. Thái độ bàng quang, thiếu trách nhiệm hoặc lừa dối không mong muốn thực hiện các cam kết, thỏa thuận của một bên là không phù hợp với cách ứng xử mà Bộ luật Dân sự quy định. Những biểu hiện của việc thực hiện cam kết, thỏa thuận không thiện chí, trung thực của các bên phải được chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể, xác thực.
Để thực hiện nguyên tắc thiện chí, trung thực của Bộ luật Dân sự, yêu cầu cá nhân, pháp nhân phải căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, khả năng thực hiện các cam kết, thỏa thuận; phải có trách nhiệm với các cam kết, thỏa thuận của mình để đạt được mục đích chung khi tham gia các giao dịch dân sự. Khi xuất hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cam kết, thỏa thuận các bên phải cùng nhau bàn bạc tìm cách khắc phục trên tinh thần hợp tác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan Nhà nước khác khi giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, pháp nhân trong giao dịch dân sự cần phải khách quan, minh bạch đánh giá tính trung thực, thiện chí của các bên. Đồng thời hướng dẫn, định hướng cho các bên có thái độ thiện chí, trung thực, hợp tác khi có xung đột về mặt lợi ích hợp pháp giữa các bên.
Nội dung bài viết:
Bình luận