Hiến pháp là một hệ thống cao nhất của pháp luật quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân.
1. Sự ra đời của Hiến pháp Việt Nam 1946
75 năm trước, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dù đã 3/4 thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng vượt thời đại của bản Hiến pháp này vẫn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền công dân...
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của chính quyền nhân dân là tổng tuyển cử tự do và soạn thảo hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
Ngày 2/3/1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) chịu trách nghiên cứu dự thảo hiến pháp, gồm 11 thành viên. Ngày 29/10/1946, Tiểu ban được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo và trình ra Quốc hội ngày 2/11/1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.
Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu, gồm 7 chương, 70 điều.
Lời nói đầu khẳng định 3 nguyên tắc cơ bản: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo”; “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ”; “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
2. Các nguyên tắc bầu cử qua Hiến pháp 1946
2.1 Về nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu:
Với mục đích nhằm thu hút tuyệt đại đa số dân cư ở trong nước đạt đến độ tuổi trưởng thành nhất định theo quy định của pháp luật tham gia vào bầu cử, nguyên tắc bầu cử phổ thông được quy định tại Điều 2 Sắc lệnh số 14 và Sắc lệnh số 51: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Nguyên tắc này, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã tạo ra cơ sở pháp lý quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, bằng ý chí và nguyện vọng của mình, có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài đại diện cho quyền lợi của mình tại cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia. Bên cạnh đó, điểm độc đáo của việc áp dụng triệt để nguyên tắc này trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta là pháp luật bảo đảm quyền bầu cử cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều 5 Sắc lệnh số 73 ngày 7/12/1945 quy định: “những người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà được Ủy ban nhân dân tỉnh thấy có đủ điều kiện và ưng nhận, thì được hưởng ngay quyền bầu cử và ứng cử, không phải chờ sắc lệnh cho nhập quốc tịch Việt Nam”.
2.2 Về nguyên tắc bầu cử bình đẳng:
Sắc lệnh về Tổng tuyển cử quy định nguyên tắc bầu cử bình đẳng, nhất là bình đẳng nam nữ về quyền bầu cử, ứng cử ngay trong những ngày đầu tiên của nền Cộng hòa dân chủ nhân dân ở nước ta có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc, nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời. Đây là điều hoàn toàn khác với một số các quốc gia đã có những tuyên bố nổi tiếng về quyền bình đẳng nhưng phải hàng trăm năm sau đó, người phụ nữ mới có được quyền bầu cử, chẳng hạn ở Mỹ, phụ nữ chỉ có được quyền này vào năm 1920; ở Anh là năm 1928; ở Ý, Pháp là năm 1945; phụ nữ Thuỵ Sĩ phải mãi đến năm 1971 mới được hưởng quyền bầu cử[3]…
Để bảo đảm nguyên tắc bầu cử bình đẳng, Điều 17 Sắc lệnh sô 51 quy định rõ: “Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử” và “nếu người ứng cử nào ứng cử nhiều nơi hoặc khai gian những giấy chứng thực về điều kiện ứng cử sẽ bị phạt ...”(Điều 7 - Điều 12 Sắc lệnh số 51).
Những quy định này thể hiện triệt để nguyên tắc bầu cử bình đẳng, đặc biệt là quyền bình đẳng của những người ứng cử, không có ứng cử viên nào cảm thấy mình chỉ là người "lót đường" cho các ứng cử viên khác "sáng giá" hơn.
2.3 Về nguyên tắc bầu cử trực tiếp:
Được quy định trong sắc lệnh về Thể lệ Tổng tuyển cử rất cụ thể, rõ ràng, Điều 31 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ tổng tuyển cử quy định: “Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư”. Chính những quy định cụ thể, rõ ràng này là một trong những lý do giải thích vì sao cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 nguyên tắc này đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Ở những nơi tổ chức bầu cử khó khăn do thực dân Pháp và bọn Việt gian chống phá bầu cử, ngăn cản không cho cử tri đi bầu thì tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử không cao, thậm chí có địa phương tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 65 - 75 % số người có quyền bầu cử.
2.4 Về nguyên tắc bỏ phiếu kín:
Để giúp những cử tri không biết chữ thực hiện được quyền bầu cử, Sắc lệnh số 51 quy định: “…trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm tra. Khi viết xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật” (Điều 36 – Điều 38, Sắc lệnh 51) v.v. Có thể khẳng định rằng những quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
3. Kết luận
Tóm lại, nguyên tắc bầu cử, ứng cử được thể hiện trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta năm 1946 rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ, có hiệu lực trực tiếp. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho pháp luật bầu cử sớm đi vào cuộc sống, để chúng ta có thể tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 sau hơn 4 tháng nước nhà giành được Độc lập, như lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp như nước Việt Nam ta hồi bấy giờ”[4] .
Nội dung bài viết:
Bình luận