Ngành luật an sinh xã hội là gì ? - Luật ACC

An sinh xã hội là một trong những lĩnh vực có đối tượng thụ hưởng rất lớn liên quan đến quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân. Do vậy, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Phương thức hoạt động của an sinh xã hội là thông qua các biện pháp công cộng tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội. Tuy nhiên nhiều người lại chưa thực sự quan tâm về vấn đề này. Hãy cùng ACC tìm hiểu các thông tin về ngành luật an sinh xã hội thông qua bài viết dưới đây để hiểu rõ thêm về vấn đề này nhé.

Ngành Luật An Sinh Xã Hội

ngành luật an sinh xã hội

1. An sinh xã hội là gì ?

An sinh xã hội (ASXH) là hệ thống chính sách, các chương trình của Nhà nước và của các tổ chức xã hội nhằm trợ giúp, giúp đỡ toàn xã hội, các cá nhân gặp phải rủi ro hoặc biến cố xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao đời sống của họ.

An sinh xã hội là một trong những lĩnh vực có đối tượng thụ hưởng rất lớn liên quan đến quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân. Do vậy, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Phương thức hoạt động của an sinh xã hội là thông qua các biện pháp công cộng tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội.

2. Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội là gì?

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội là nghĩa vụ của Nhà nước trong việc công bố, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về an sinh xã hội và việc thực hiện cho đối tượng thụ hưởng một cách chủ động, đầy đủ và rõ ràng để dân biết được, hiểu được; qua đó, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội.

3. Ý nghĩa của công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội có vai trò rất lớn đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền của công dân, giúp người dân nắm bắt được các chính sách ưu đãi, các quy định của pháp luật về an sinh xã hội, hiểu rõ các dịch vụ mà Nhà nước đang cung cấp cho người dân; giúp Nhà nước thấy được các nhu cầu thực sự của người dân để có những thay đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng được các nhu cầu đó. Qua đó, tăng cường niềm tin của người dân vào chính quyền.

Ngoài ra, quá trình thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội còn giúp Nhà nước quản lý và phân bổ các nguồn lực có hiệu quả. Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cùng với sự minh bạch trong hoạt động quản lý, Nhà nước có thể sử dụng tối ưu và tăng cường hiệu quả, tránh được thất thoát, lãng phí, những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời, đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật đúng mục đích, đúng đối tượng; ngăn chặn những sai phạm và phòng, chống tham nhũng trong việc thực hiện các quy định về an sinh xã hội. Từ đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội, đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc cải hành chính hiện nay.

4. Các trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội là gì?

Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam hiện được cấu trúc bởi năm trụ cột, đó là:

+ Việc làm, thu nhập và giảm nghèo;

+ Bảo hiểm xã hội;

+ Trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

+ Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin) và

+ Hệ thống cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp.

5. Biểu hiện của công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội

Việc phân tích hệ thống pháp luật quy định về hoạt động công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội sẽ được thực hiện trên năm trụ cột của hệ thống an sinh xã hội:

5.1. Việc làm, thu nhập và giảm nghèo

Đây là trụ cột có tính chất phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cuộc sống cho người dân thông qua các chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền việc làm với tiền lương và thu nhập trên cơ sở thỏa thuận cho người lao động và gia đình, đảm bảo được sự hài hòa về mặt lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động bước vào thị trường lao động; hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ gia đình có thu nhập dưới chuẩn nghèo để phát triển sản xuất tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp quản lý nhà nước về việc làm, tiền lương, giảm nghèo có trách nhiệm thường xuyên thực hiện công khai, minh bạch một cách rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về các nội dung thông tin về việc làm (Cục Việc làm), về tiền lương và thu nhập (Cục Quan hệ lao động và Tiền lương), về phát triển kỹ năng nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và hỗ trợ giảm nghèo bền vững tiếp cận phát triển đa chiều (Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các chủ thể khác có liên quan) và phân cấp theo quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, giúp những đối tượng thụ hưởng hiểu rõ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật về việc làm, thu nhập và giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã sử dụng đa dạng các hình thức như gửi văn bản; thiết lập Trang thông tin điện tử về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo trên cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan, đơn vị thành viên trong Bộ (ví dụ: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm;…); niêm yết công khai tại cơ quan, nơi công cộng; công bố tại cuộc họp, hội nghị; thông báo đến đối tượng… và xác định thời điểm công khai phù hợp, đại chúng, người dân dễ tiếp cận. Đối với thu nhập của người lao động, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện (Khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019). Việc thu, chi tài chính của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hằng năm công khai cho thành viên của tổ chức (Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Lao Động năm 2019)…Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai tại trụ sở, các nơi sinh hoạt cộng đồng và thông báo trên các phương tiện truyền thông của cấp xã về các nội dung thông báo (Điều 4 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quyđịnh về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm).

5.2. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đây là trụ cột được quan tâm nhất, nên yêu cầu các cơ quan phải thực hiện công khai, minh bạch kịp thời những nội dung có liên quan về chính sách, pháp luật về BHXH theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Nội dung công khai, minh bạch gồm: chính sách, chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; BHXH một lần, chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ&BNN) khi bị TNLĐ&BNN… Hiện nay, các cơ quan quản lý trực tiếp trong lĩnh vực này là Vụ Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục An toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, cụ thể là Vụ Bảo hiểm y tế. Các chủ thể có thẩm quyền tập trung làm rõ, công khai một cách kịp thời, rõ ràng, cụ thể các nội dung, thông tin về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo các yêu cầu của tổ chức, cá nhân; trong đó có các quy định về điều kiện hưởng, thời gian hưởng, mức hưởng và các quy trình, thủ tục để được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm xã hội một lần (Khoản 7 Điều 18, Điều 23 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014); các thông tin liên quan đến mức đóng, mức hưởng, điều kiện hưởng và các quy trình, thủ tục để được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (Khoản 2 Điều 62, Điều 84 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015), các vấn đề về chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ những người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm (Điều 29, Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP); các quy định về đối tượng hưởng, mức đóng, mức hưởng và các chế độ khác của Bảo hiểm y tế (theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

5.3. Trợ giúp xã hội

Đây là lĩnh vực có đông đối tượng thụ hưởng như: người già, người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người bị nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bom mìn,… Các chủ thể theo luật định thực hiện công khai, minh bạch về các quy định trong chính sách, pháp luật, các chế độ và quy trình, thủ tục xác định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội bằng tiền mặt hàng tháng tại cộng đồng, chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất khi gặp sự cố bất ngờ (Điều 3 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; Điểm b khoản 4 Điều III Quyết định số 488/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”). Ngoài ra, đối với từng đối tượng cụ thể, các cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch các nội dung ASXH khác như:

Đối với người cao tuổi: Nhà nước cung cấp thông tin, tài liệu, người hướng dẫn để người cao tuổi học tập, nghiên cứu (Điểm a Khoản 2 Điều 14 Luật Người cao tuổi năm 2009); thực hiện các biện pháp thông tin đại chúng để công khai những thông tin về nội dung chăm sóc sức khỏe (Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 35/2011/TT-BYT); các trung tâm y tế phối hợp với người cao tuổi cung cấp các thông tin liên quan đến người cao tuổi (Điều 4 Thông tư số 96/2018/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi).

Đối với người khuyết tật: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến quyền, nghĩa vụ, các chủ trương, chính sách và quy trình, thủ tục để được hưởng những trợ cấp do bị khuyết tật (Điều 13, Điều 18, Điều 50 Luật Người khuyết tật năm 2010; Điều 21 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP; Điều 6 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH).

Đối với những người bị HIV/AIDS: Các chủ thể theo luật định được công khai những quyền, nghĩa vụ và các chế độ của người bị nhiễm HIV/AIDS (Điều 9, Điều 10 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS 2006).

Các chủ thể có thẩm quyền đã áp dụng các hình thức công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật một cách đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng trợ giúp xã hội. Các quy trình, thủ tục, hồ sơ để được xác định đối tượng hưởng trợ cấp được dán niêm yết tại các bảng tin đảm bảo cho người dân đều tiếp cận được. Cục Bảo trợ xã hội còn lựa chọn một cách có chọn lọc những văn bản chính sách, pháp luật có ý nghĩa thực tiễn đang được áp dụng trong công tác trợ giúp xã hội ở địa phương để xuất bản thành ấn phẩm (sách) giúp các đối tượng trợ giúp xã hội nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp của mình được hưởng. Đơn vị quản lý trợ giúp xã hội còn áp dụng phổ biến hình thức tư vấn, thông tin, biện hộ, kết nối đối tượng với chính sách thông qua hoạt động dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp về ASXH. Ngoài sử dụng cổng thông tin điện tử, Cục Trẻ em còn thiết lập Tổng đài 111 để hỗ trợ trẻ em. Tổng đài này còn được sử dụng hỗ trợ thông tin cho người gặp khó khăn do dịch COVID19 để nhanh chóng giải đáp thông tin cho người dân về gói 62.000 tỷ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất hữu ích cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

5.4. Bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản

Đây là trụ cột rất quan trọng liên quan đến phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng, nhất là các đối tượng như: người nghèo, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực thực hiện công khai, minh bạch các chính sách về nhà ở xã hội, các điều kiện, tiêu chuẩn và đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, giúp cho các đối tượng được hỗ trợ nhà ở như những người có thu nhập nhấp, hộ nghèo, người có công với cách mạng biết được những thông tin đó, góp phâng nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần (Điều 20, khoản 3 Điều 30 Nghị định số100/2015/ NĐ-CP). Mặt khác, các chủ thể theo luật định có thẩm quyền công khai, minh bạch xác định đối tượng hưởng chính sách, hỗ trợ cung cấp nước sạch (Khoản 1 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 4 Quyết định số 2085/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020). Trong lĩnh vực giáo dục: các cơ sở giáo dục thực hiện công khai mức học phí hỗ trợ giảm học phí, miễn học phí cho các đối tượng khi đủ điền kiện (Khoản 4 Điều 3, Khoản 4 Điều 4, Điều 11 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; Khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH).

Về y tế, các chủ thể có thẩm quyền thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tại các đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương; ngoài ra còn công khai, minh bạch về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, phương pháp điều trị, tình trạng sức khỏe cũng như các dịch vụ khám, chữ bệnh (Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).

5.5. Cung cấp dịch vụ công về ASXH thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp

Hoạt động công khai, minh bạch về công tác xã hội được thực hiện bởi các cơ quan, đơn vị quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội một cách thường xuyên, liên tục và nghiêm túc (bảo trợ xã hội, trẻ em, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo,…). Các cơ quan, đơn vị quản lý tập trung giải thích, làm rõ, cung cấp những thông tin liên quan về chính sách, pháp luật về công tác xã hội, nhất là việc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở công tác xã hội, giấy phép hành nghề công tác xã hội của nhân viên công tác xã hội, giá dịch vụ công tác xã hội, hay như việc miễn, giảm thuế đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội,… theo yêu cầu, đề nghị của các tổ chức, cá nhân (Điều 30, Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP; Khoản 5 Điều 3, Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH).

Hình thức công khai, minh bạch chủ yếu là thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động caông tác xã hội,… Thời điểm công khai, minh bạch cũng bảo đảm phù hợp, không gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với các đối tượng, nhất là trong thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức và cá nhân.

Tóm lại, việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện có trách nhiệm đã được quy định khá rõ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, người dân được tiếp cận và hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp tốt hơn từ các chính sách, pháp luật về ASXH có tính nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện và cơ hội cho người dân nâng cao khả năng phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro bởi những tác động tiêu cực, biến cố trong cuộc sống, vươn lên hoà nhập với cộng đồng chung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Trên đây là một số thông tin về ngành luật an sinh xã hội. Hy vọng với những thông tin ACC đã cung cấp sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về vấn đề trên. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy đừng ngần ngại mà liên hệ với Công ty Luật ACC, để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng. ACC cam kết sẽ giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ mà mình cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi luôn đồng hành pháp lý cùng bạn.

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo