Mượn tài sản là gì? Đặc trưng của mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng, theo đó, bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

1.CĂN CỨ PHÁP LÝ

Cho mượn tài sản là hành vi diễn ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày giữa các chủ thể, nhằm mục đích giúp  đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng bên mượn cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc cố ý chiếm đoạt tài sản của bên cho mượn. Do đó, pháp luật quy định về hợp đồng cho mượn tài sản để điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau, và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên. Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản như sau:

“Điều 494. Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”

2.NỘI DUNG

2.1.Khái niệm

Là một trong các giao dịch nhằm mục đích chuyển giao quyền sử dụng tài sản, hợp đồng cho mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Đây có thể nói là tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, với mục đích tương trợ lẫn nhau. Quan hệ cho mượn tài sản thường xảy ra giữa những người thân quen trong gia đình, bạn bè, hàng xóm. Hay nói cách khác, bên mượn dùng uy tín, danh dự của mình để mượn tài sản của chủ thể khác. Bởi, theo khái niệm trên thì bên cho mượn không nhận lại được bất kỳ lợi ích gì từ bên mượn, hơn nữa bên mượn cũng không cần phải dùng tài sản để bảo đảm cho việc sẽ trả lại tài sản. Cũng chính vì vậy mà pháp luật đã điều chỉnh quan hệ mượn tài sản với mục đích bảo vệ lợi ích của bên cho mượn, và ràng buộc trách nhiệm của bên mượn tài sản.

2.2.Đặc điểm

Hợp đồng cho mượn tài sản có các đặc điểm pháp lý sau:

-Một là, là hợp đồng không có đền bù. Trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn chuyển giao tài sản của mình cho bên kia mượn sử dụng trong một thời hạn nhất định mà không nhận được lợi ích gì từ bên mượn. Như vậy, trong hợp đồng mượn tài sản chi duy nhất bên mượn là thu được lợi ích từ việc sử dụng tài sản mượn, còn bên cho mượn thì không. Việc sử dụng tài sản của bên mượn không phải trả tiền.

-Hai là, là hợp đồng đơn vụ. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ duy nhất một bên có nghĩa vụ. Trong hợp đồng mượn tài sản, bên cho mượn tài sản vì lợi ích của bên mượn mà tự giác tham gia hợp đồng, theo đó, khi đến thời hạn trả lại tài sản hoặc mục đích mượn tài sản đã đạt được thì họ có quyền yêu cầu bên mượn trả lại tài sản. Trong khi bên mượn thì có nghĩa vụ phải trả lại tài sản khi đến hạn, đã đạt được mục đích khi sử dụng tài sản hoặc bên cho mượn yêu cầu trả lại. 

-Ba là, là hợp đồng thực tế. Quan hệ cho mượn tài sản hình thành từ thời điểm chuyển giao tài sản trên thực tế. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù các bên đã thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng nhưng chưa chuyển giao tài sản, thì không thể buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Bên cạnh đó, trong hợp đồng mượn tài sản bên cho mượn chuyển giao tài sản cho bên mượn mà không nhận được sự đền bù nào. Do đó, bên cho mượn tự giác tham gia hợp đồng vì lợi ích của bên mượn tài sản mà không đòi hỏi bất kỳ lợi ích kinh tế nào. Sau khi bên cho mượn đã đồng ý cho mượn tài sản, nhưng vì một lý do nào đó mà họ không thể chuyển giao tài sản thì cũng không thể buộc họ phải thực hiện theo lời hứa của mình. Chính vì vậy, hợp đồng cho mượn tài sản là hợp đồng thực tế chỉ phát sinh hiệu lực khi tài sản được chuyển giao cho bên mượn trên thực tế.

2.3.Chủ thể

Hợp đồng mượn tài sản được xác lập giữa hai chủ thể với nhau, là bên có tài sản (bên cho mượn) và bên có nhu cầu sử dụng tài sản (bên mượn). Bên cho mượn là người có quyền sở hữu tài sản hoặc là người có quyền được chuyển dịch. Bên cho mượn tham gia hợp đồng dựa trên ý chí tự nguyện, muốn giúp đỡ cho bên mượn. Bên mượn là bên có nhu cầu sử dụng tài sản thuộc sở hữu của bên có tài sản. Bên mượn có thể thỏa thuận với bên có tài sản về việc mượn tài sản, có nghĩa vụ bảo quản giữ gìn tài sản trong khi sử dụng và trả lại đúng tài sản đã mượn khi hết hạn, khi mục đích đã đạt được hoặc khi bên cho mượn yêu cầu. 

2.4.Đối tượng và hình thức

Trong hợp đồng cho mượn, đối tượng có thể là một hoặc nhiều tài sản. Bởi hợp đồng cho mượn là hợp đồng thực tế, lợi ích mà bên mượn có được từ việc trực tiếp nắm giữ và sử dụng tài sản, do đó, đối tượng cho mượn phải là vật có thực, chiếm hữu thực tế. Bên mượn chỉ sử dụng tài sản trong một thời hạn nhất định sau đó phải trả lại tài cho bên có tài sản, nên vật cho mượn phải là vật đặc định không tiêu hao. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.. Sau thời hạn mượn, bên mượn phải trả lại đúng tài sản đó cho bên có tài sản, nếu là vật tiêu hao thì việc trả lại tài sản sẽ khó thực hiện. Hơn nữa, bên cho mượn vốn dĩ đã không được hưởng lợi ích gì từ giao dịch này, nếu vật mượn là vật tiêu hao thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. 

Hình thức của hợp đồng cho mượn tài sản có thể được thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng. Thông thường thì các bên hay lựa chọn hình thức thỏa thuận miệng. 

Trên đây là bài viết đã cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản về Mượn tài sản là gì? Đặc trưng của mượn tài sản. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin hãy liên hệ với công ty Luật ACC để được đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình nhất. Công ty Luật ACC đồng hành pháp lý cùng bạn! 

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo