Mua xe không sang tên có được không? Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về mua xe nhưng không sang tên theo quy định của pháp luật.
1. Mua bán xe không sang tên là gì?
Mua bán xe không sang tên là hành vi có sự chuyển nhượng tài sản bắt buộc phải đăng ký nhưng sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, người mua không thực hiện thủ tục sang tên xe.
2. Trách nhiệm sang tên của chủ xe
Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về trách nhiệm của chủ xe như sau:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; có hồ sơ xe theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định.
Trường hợp chủ xe được cơ quan đăng ký xe trước đây giao quản lý một phần hồ sơ xe thì khi làm thủ tục cấp, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; sang tên, di chuyển xe; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe phải nộp lại phần hồ sơ đó.
- Xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân mua hoặc được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
- Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục xóa số máy, số khung để đăng ký xe.
Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, chủ xe có trách nhiệm thực hiện thủ tục sang tên xe trong thời hạn nhất định. Hay nói cách khác, mua xe không sang tên, bao gồm cả trường hợp mua xe cũ không sang tên, mua xe công ty không sang tên là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Thủ tục sang tên xe được thực hiện như thế nào?
Thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe được quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Giấy khai đăng ký xe
- Giấy chứng nhận đăng ký xe.
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe
- Chứng từ lệ phí trước bạ
Trường hợp 2: Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe
- Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe
Trong đó, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:
- Quyết định bán, cho, tặng hoặc hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật.
- Văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật.
- Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
- Văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý thanh lý xe theo quy định (đối với xe Công an); của Bộ Tổng tham mưu (đối với xe Quân đội).
- Văn bản đồng ý cho bán xe của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp kèm theo hợp đồng mua bán và bản kê khai bàn giao tài sản đối với xe là tài sản của doanh nghiệp nhà nước được giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê.
- Quyết định phân bổ, điều động xe của Bộ Công an (xe được trang cấp) hoặc chứng từ mua bán (xe do các cơ quan, đơn vị tự mua sắm) đối với xe máy chuyên dùng phục vụ mục đích an ninh của Công an nhân dân.
- Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.
4. Hình thức xử phạt đối với trường hợp mua xe không sang tên
Mua bán xe nhưng không sang tên là hành vi vi phạm hành chính. Hiện nay, hình thức xử phạt đối với hành vi nay được quy định tại Điểm a Khoản 4 và Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô;
5. Trường hợp xử phạt hành vi không sang tên xe
Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe”. Như vậy, hành vi không làm thủ tục sang tên xe bị xử phạt trong 2 trường hợp sau:
- Điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông
- Công tác đăng ký xe
Bài viết trên đây cung cấp thông tin pháp lý về việc mua bán xe không sang tên. Nhìn chung, sang tên xe là trách nhiệm của chủ xe. Do đó, sau khi mua bán xe, chủ xe nên nhanh chóng thực hiện thủ tục này trong thời hạn luật định để đảm bảo quyền lợi của mình.
Nội dung bài viết:
Bình luận