1. Giám đốc là ai?
Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Như vậy giám đốc được coi là người quản lý doanh nghiệp. Giám đốc còn được biết đến là CEO (chức vụ lãnh đạo trong công ty, điều hành và quản lý mọi hoạt động chung của công ty).
Trong một doanh nghiệp, CEO sẽ có trách nhiệm chung là tạo lập kế hoạch, thực hiện và xây dựng định hướng chiến lược cho doanh nghiệp nhằm đạt được những mục tiêu về hoạt động kinh doanh, tài chính để doanh nghiệp phát triển vững mạnh và bền vững. CEO giải quyết tất cả những vấn đề liên quan trong công ty: chiến lược kinh doanh, nhân sự, quan hệ đối tác…
Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020, giám đốc sẽ có những quyền và nghĩa vụ cụ thể sau:
- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên (HĐTV);
- Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong công ty;
- Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
- Tuyển dụng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV.
2. Một người có thể làm giám đốc nhiều công ty không?
Trong các loại hình doanh nghiệp hầu hết đều có chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc. Pháp luật doanh nghiệp có quy định tiêu chuẩn làm giám đốc trong các loại hình công ty là như nhau, cụ thể:
- Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 (tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp như: cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức...).
- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.
Như vậy, một người hoàn toàn có thể làm giám đốc tại nhiều công ty chỉ cần người đó đáp ứng được tất cả các điều kiện như trên.
Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt duy nhất một người không được làm giám đốc tại nhiều công ty, đó là Giám đốc của doanh nghiệp nhà nước không được kiêm giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp khác (khoản 5 Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020).
Nội dung bài viết:
Bình luận