Mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh không?
Xã hội ngày nay đã và đang phát triển vượt bậc, cùng với sự phát triển đó là nhu cầu của con người cũng ngày càng tăng. Việc gia tăng nhu cầu đòi hỏi nhiều hơn ở ngành dịch vụ và quán cafe cũng là một trong những ngành dịch vụ đó. Cho nên, việc có thêm nhiều cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh quán cafe là điều dễ hiểu. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh ? Sau đây là giải đáp của chúng tôi tới quý bạn đọc.
1. Pháp luật quy định như thế nào về việc đăng ký kinh doanh?
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật đã không còn quy định khái niệm về “đăng ký kinh doanh”. Khái niệm đăng ký kinh doanh được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, tuy nhiên Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực đã bãi bỏ toàn bộ Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Mặt khác có thể tham khảo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về việc “đăng ký kinh doanh” thông qua khái niệm “đăng ký doanh nghiệp”. Điều đó có nghĩa, đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khái niệm “đăng ký kinh doanh” không chỉ dừng lại ở hình thức là các loại hình doanh nghiệp, mà nó còn mở rộng ra hơn đối với hình thức đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh không?
Theo hệ thống pháp luật hiện hành thì việc kinh doanh quán cafe không thuộc một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải đăng ký kinh doanh được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020. Điều đó không có nghĩa có thể tự do mở quán cafe để thực hiện việc kinh doanh.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Điều 1 và Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên được hiểu là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là "thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể, bao gồm:
+ Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
+ Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
+ Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
+ Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
+ Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
+ Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng có quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trò trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Từ những quy định nêu trên cho thấy việc mở quán cafe kinh doanh không thuộc một trong các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Do đó, việc mở quán cafe buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký kinh doanh.
Mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh không?
3. Quy trình đăng ký kinh doanh quán cafe
Việc đăng ký kinh doanh quán cafe là để xin “giấy phép kinh doanh”. Giấy phép kinh doanh được xem như một tờ giấy “thông hành” để việc kinh doanh trở nên hợp pháp và được sự bảo hộ của pháp luật.
Về thủ tục đăng ký kinh doanh, tùy theo mục đích của người kinh doanh mong muốn mà có thể đăng ký thành lập quán cafe dưới các hình thức khác nhau như: doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Để thực hiện việc đăng ký kinh doanh quán cafe với hình thức cá thể (bao gồm cá nhân hoặc hộ gia đình) bạn cần phải nộp hồ sơ tại Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán. Còn với hình thức doanh nghiệp bạn cần phải nộp tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán.
Sau đây là các bước đăng ký kinh doanh quán cafe dưới hình thức cá thể (bởi vì đây là hình thức đơn giản, dễ thực hiện và phải chịu ít thứ thuế hơn những hình thức còn lại):
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh, bao gồm:
+ Đơn đăng ký theo mẫu của Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán. Trong giấy phép đăng ký chủ hộ kinh doanh cá thể hoặc mở quán cafe cần lưu ý đến những thông tin: thông tin chủ quán cafe, ngành nghề kinh doanh (phải đăng ký đúng ngành nghề kinh doanh và phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện nếu đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020), tên của quán cafe (không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn) và địa chỉ quán cafe (là nơi hoạt động của quán cafe).
+ CMND công chứng của chủ hộ và các thành viên (nếu có).
+ Hợp đồng thuê nhà (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký kinh doanh quán cafe dưới hình thức cá thể là Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi đặt địa chỉ quán và nộp lệ phí.
Bước 3: Chờ kết quả xét duyệt hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ cơ quan có thẩm quyền sẽ xét duyệt hồ sơ và đưa ra các quyết định như: yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký, chấp nhận việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo…
Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung các thông tin cần thiết nếu được yêu cầu trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp.
Ngoài ra, việc đăng ký kinh doanh quán cafe còn cần có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan, bởi lẽ quán cafe là một ngành dịch vụ ăn uống và cần đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe con người.
Trên đây là toàn bộ nội dung của chúng tôi về việc đăng ký kinh doanh quán cafe cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan trong quá trình thực hiện việc đăng ký kinh doanh này. Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh quán cafe thì vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt hơn. Chúng tôi có các dịch vụ hỗ trợ thực hiện việc đăng ký kinh doanh quán cafe nói riêng và các lĩnh vực đăng ký kinh doanh nói chung.
Nội dung bài viết:
Bình luận