Khái niệm mô hình tố tụng hình sự không còn là cụm từ xa lạ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Hãy cùng ACC phân tích về khái niệm mô hình tố tụng hình sự là gì?

1. Mô hình tố tụng hình sự là gì?
Tố tụng hình sự là trình tự (quá trình) tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tụng hình sự bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng( cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án); người tiến hành tố tụng (thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viện; viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, kiểm sát viên; chánh án, phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm và thư kí tòa án); người tham gia tố tụng (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người làm chứng; người giám định và người phiên dịch), của cá nhân, cơ quan và tổ chức khác góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Mô hình tố tụng hình sự theo cách hiểu chung nhất là sự khái quát cao những đặc trưng cơ bản, phổ biến, phản ánh cách thức tổ chức hoạt động tố tụng hình sự, cách thức tìm đến sự thật khách quan của vụ án. Cách thức tổ chức này quyết định địa vị tố tụng của các chủ thể trong quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự (chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử).
2. Mô hình tố tụng hình sự tranh tụng
Theo các nghiên cứu khoa học pháp lý, sự kiện đem lại sự ra đời của yếu tố tranh tụng đầu tiên trong mô hình tố tụng hình sự là sự ra đời của Đạo luật về phiên tòa xét xử tội phản nghịch (Treason Trials Act) của Vương quốc Anh năm 1696. Đạo luật này lần đầu tiên trao một số quyền tố tụng, trong đó quan trọng nhất là quyền được có luật sư bào chữa cho bị cáo là các chính trị gia cao cấp.
Giai đoạn bùng nổ cũng như khẳng định vị trí của tranh tụng trong giải quyết vụ án hình sự là thập kỷ 60 của thế kỷ 20 là giai đoạn chứng kiến sự phát triển mới trong mô hình tranh tụng, cụ thể là tại Hoa Kỳ, lần này với sự bùng nổ các quyền tố tụng của luật sư trong giai đoạn tiền xét xử. Với hàng loạt án lệ, Tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ đã trao cho luật sư những quyền tố tụng quan trọng ở cả cấp bang và liên bang như: quyền được tiếp cận luật sư trong giai đoạn tiền xét xử; quyền tiếp cận luật sư của bị can, bị cáo nghèo; quyền tiếp cận luật sư của bị can, bị cáo nghèo trong giai đoạn tiền truy tố; …
Mục đích của mô hình tố tụng tranh tụng:
- Các học giả pháp lý từ các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) cho rằng, đối với mô hình tố tụng tranh tụng, ngoài mục đích tìm ra sự thật khách quan còn một mục đích khác nữa đó là bảo đảm sự công bằng (fairness) trong thủ tục tố tụng. “Công bằng” ở đây vừa có thể coi là mục đích của tranh tụng nhưng cũng đồng thời là cách thức mà mô hình tố tụng này sử dụng để đạt được mục đích cuối cùng là tìm ra sự thật khách quan.
- Mô hình tranh tụng chủ trương tìm ra sự thật khách quan bằng cách tạo ra quy trình thủ tục thật công bằng để các chủ thể đi tìm sự thật theo cách của mình, từ đó, một người xét xử độc lập, tức là tòa án mà trực tiếp là bồi thẩm đoàn, xác định ra sự thật chân chính của vụ án. Chính vì vậy, mô hình tranh tụng thường được coi là dựa trên thuyết “đối kháng” (fight theory).
3. Mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn
Mô hình tố tụng thẩm vấn chính là một sự huy động lực lượng, huy động các cơ quan tố tụng chuyên nghiệp của Nhà nước (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát/Viện công tố, Tòa án) vào quá trình đi tìm sự thật của vụ án, các cơ quan này cùng được giao trách nhiệm chứng minh tội phạm.
Đối với mô hình tố tụng thẩm vấn mục đích mục đích tìm kiếm sự thật là nhiệm vụ tối quan trọng. Trình tự giải quyết vụ án hình sự được xem như là một cuộc điều tra, trong đó, người tiến hành điều tra là đại diện của quyền lực Nhà nước và phương pháp điều tra là thẩm vấn. Tòa án giải quyết vụ án dựa trên hồ sơ vụ án kết hợp với việc tiếp tục thẩm vấn tại phiên tòa. Tòa án điều hành mọi tiến trình vụ án. Khi một vụ việc được đưa đến cho Tòa án, Tòa án sẽ nắm giữ trách nhiệm tìm kiếm sự thật cho riêng mình.
Mô hình tố tụng thẩm vấn được coi là dựa trên thuyết “sự thật” (truth theory). Nếu mô hình tranh tụng dựa vào sự va chạm của hai phiên bản sự thật (của luật sư và của công tố viên) để tìm sự thật đích thực thì mô hình thẩm vấn dựa vào trí tuệ của những người chuyên nghiệp, gồm điều tra viên, công tố viên và thẩm phán để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Vai trò của cơ quan nhà nước trong việc tham gia tố tụng theo mô hình này là chủ yếu. Hiện diện trong suốt quá trình tố tụng là một hồ sơ vụ án hình sự thống nhất được lập từ giai đoạn điều tra và là nơi chứa đựng chứng cứ xác định tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án là những chủ thể đóng vai trò chính trong toàn bộ quá trình tố tụng và chi phối toàn bộ mô hình tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng là chủ thể xác định sự thật khách quan của vụ án, có toàn quyền trong việc xây dựng hồ sơ vụ án và coi đó là chứng cứ để xem xét định tội.
Ở mô hình này Thẩm phán đóng vai trò chủ động. Là người đưa ra phán quyết do đó Kết quả của quá trình điều tra trước khi mở phiên tòa có ý nghĩa to lớn đối với phán quyết của thẩm phán. Nhiệm vụ của thẩm phán tại phiên tòa là kiểm tra, thẩm định lại các chứng cứ đã được thu thập trước đó.
4. Mô hình tố tụng hình sự pha trộn
Thực tế tố tụng có thể thấy Việt Nam đang áp dụng mô hình tố tụng hình sự pha trộn thiên về thẩm vấn. Mô hình tố tụng hình sự pha trộn là sự đan xen, trộn lẫn giữa mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng thẩm vấn.
Nhiệm vụ xác định sự thật khách quan, trách nhiệm chứng minh tội phạm được giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng đảm nhiệm. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bào chữa của họ còn khá thụ động và trong nhiều trường hợp lệ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều tra, thẩm vấn là phương pháp chủ yếu được áp dụng ở tất cả các giai đoạn tố tụng, thậm chí tại phiên tòa.
Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi mô hình tố tụng hình sự là gì? Mà ACC đã tìm hiểu, sưu tầm và biên tập. Quý đọc giả có thể đóng góp ý kiến dựa trên lập trường thảo luận vấn đề. ACC sẵn sàng lắng nghe và giải đáp các vấn đề pháp lý của bạn.
Nội dung bài viết:
Bình luận