Ngày 1/7/2022, Bộ Công an ban hành mẫu hộ chiếu phổ thông mới. Với mẫu hộ chiếu này sẽ có đôi chút khác biệt so với hộ chiếu cũ cả về nội dung và hình thức. Bài viết sau đây sẽ làm rõ những khác biệt đó. Mời bạn đọc cùng theo dõi mẫu hộ chiếu mới và cũ.
1. Hộ chiếu là gì?
Hộ chiếu hay còn được gọi với một cái tên khác thông dụng hơn chính là Passport. Nó là một giấy thông hành, thường do chính phủ của một quốc gia cấp cho công dân của quốc gia đó, xác nhận danh tính và quốc tịch của người giữ hộ chiếu. Hộ chiếu tiêu chuẩn có thể chứa thông tin như tên, nơi ở và ngày sinh, ảnh, chữ ký và các thông tin nhận dạng có liên quan khác của người sở hữu hộ chiếu.
Theo Khoản 3 Điều 2 Luật xuất cảnh và nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định:
“Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.“
2. Chức năng của hộ chiếu
Hộ chiếu là một giấy thông hành, do đó chức năng chính của nó là để xuất cảnh và nhập cảnh tại một quốc gia. Hộ chiếu thường được sử dụng khi chủ sở hữu muốn đi lại qua khu vực quốc tế. Nếu muốn xuất ngoại và nhập cảnh vào nước khác, việc làm hộ chiếu là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, nó còn là căn cứ để xác định các thông tin nhân thân của một người. Trong một số trường hợp, hộ chiếu dùng để xác nhận thông tin nhận dạng như nhận phòng khách sạn hoặc khi đổi tiền sang nội tệ.
3. Các loại hộ chiếu ở Việt Nam
Hộ chiếu Việt Nam được quy định tại Luật xuất cảnh và nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019. Hiện nay, ở Việt Nam có 3 loại hộ chiếu chính:
+ Hộ chiếu phổ thông dành cho đa số, tên gọi tiếng anh là Popular Passport. Nó được cấp cho công dân có quốc tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đây là dạng hộ chiếu phổ biến nhất hiện nay, được sử dụng như hình thức giấy tờ tùy thân trong các chuyến đi nước ngoài. Hộ chiếu này có màu xanh lục.
+ Hộ chiếu ngoại giao
Hộ chiếu ngoại giao là loại giấy tờ tùy thân dùng vào mục đích để xuất nhập cảnh chỉ được cấp đối với công chức ngoại giao và người thân của họ. Người sở hữu hộ chiếu ngoại giao có quyền đi tất cả các nước và đặc biệt được miễn visa theo quy định của nước đến.
+ Hộ chiếu công vụ:
Hộ chiếu công vụ hay còn được gọi là “Official Passport”, là hộ chiếu được cấp cho các quan chức Chính phủ đi nước ngoài vì công vụ của Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ quy định không được sử dụng hộ chiếu này để đi nước ngoài với mục đích cá nhân. Khi sử dụng hộ chiếu này sẽ được ưu tiên qua các cổng đặc biệt và miễn visa nhập cảnh. Hộ chiếu công vụ có màu xanh ngọc bích đặc trưng và đậm hơn hộ chiếu phổ thông.
4. Hộ chiếu mới được ban hành cùng với nhiều điểm khác biệt
Điểm khác biệt so với hộ chiếu cũ
Hộ chiếu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1.7 có nhiều khác biệt về màu sắc, chất liệu và thông tin thể hiện bên trong.
Mẫu hộ chiếu phổ thông mới được thực hiện theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
Cụ thể, hộ chiếu mới có 50 trang, ở trang bìa có màu xanh tím than, còn với hộ chiếu mẫu cũ là màu xanh lá cây.
Về thông tin công dân, hộ chiếu mẫu mới bao gồm các thông tin: Hình ảnh chân dung; loại; mã số; ở dưới là họ và tên; ngày sinh; quốc tịch; số căn cước công dân… So với hộ chiếu mẫu mới, hộ chiếu mẫu cũ còn có thêm thông tin về “nơi sinh”.
Bên trong các trang của hộ chiếu mẫu mới là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò – đảo Lý Sơn… Còn hộ chiếu mẫu cũ không in các hình ảnh nêu trên mà có các hình ảnh về quốc huy và các hoa văn đặc trưng khác.
Theo Bộ Công an, công dân đã được cấp hộ chiếu mẫu cũ trước ngày 1.7.2022 sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.
5. Câu hỏi thường gặp
Tại sao hộ chiếu mới tạm thời chưa được Đức công nhận?
Theo thông báo của Đại sứ quán Đức ngày 27.7.2022, Cơ quan Nội vụ Đức tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Do việc thiếu thông tin nơi sinh trong hộ chiếu mới của Việt Nam (ban hành từ 1/7/2022, màu xanh dương), hộ chiếu mới này tạm thời chưa được Cộng hòa Liên bang Đức công nhận. Hiện không thể đến Đức hoặc quá cảnh qua sân bay Đức (ví dụ sân bay Frankfurt am Main) với hộ chiếu mới”.
Nhà chức trách Đức lý giải hộ chiếu không ghi nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt nhiều trường hợp trùng họ.
Tuy nhiên, theo Đại sứ quán, “một ngoại lệ áp dụng cho những người có quyền cư trú hoặc thị thực D của một quốc gia Schengen. Họ vẫn được phép quá cảnh đến nước cấp với hộ chiếu mới”.
Còn đối với khách du lịch/công tác sử dụng hộ chiếu mới đi kèm thị thực C từ bất kỳ quốc gia Schengen nào (như Pháp, Hà Lan, Ba Lan) sẽ không thể nhập cảnh vào Đức.
Các nước thuộc Hiệp ước Schengen có quyền tự do đi lại, bao gồm hầu hết châu Âu. Hiện nhóm Schengen có Bỉ, Đan Mạch, Đức, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxemburg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Áo, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và Hungary.
Pháp có công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam?
Còn Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết trong thời điểm hiện tại Pháp vẫn tiếp tục công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam và cấp thị thực bình thường.
“Tuy nhiên, theo thông báo của nhà chức trách Đức và trong khuôn khổ khối Schengen, thị thực do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM cấp trên hộ chiếu mới của Việt Nam không cho phép đi sang Đức. Do đó, người xin thị thực mang hộ chiếu Việt Nam mới phải điều chỉnh thời gian lưu trú để loại trừ thời gian lưu trú hoặc quá cảnh tại Đức. Người có hộ chiếu đã được cấp trước đó không bị ảnh hưởng”
Đại sứ quán nhấn mạnh vì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, những người nộp đơn xin thị thực được khuyến cáo nên cập nhật thông tin.
Thông tin nơi sinh (POB – place of birth) được cho là một thông tin quan trọng trong hộ chiếu mà một số nước có thể từ chối hộ chiếu hoặc không cho nhập cảnh nếu không có thông tin này, do nơi sinh không thay đổi trong suốt thời gian sinh sống và có thể giúp xác định duy nhất một cá nhân. Tuy nhiên, cũng có một số nước không để thông tin nơi sinh trên hộ chiếu vì các vấn đề kĩ thuật và quan ngại về quyền riêng tư.
XEM THÊM:>>>Tại sao hộ chiếu mới của Việt Nam không có nơi sinh?
Trên đây là mẫu hộ chiếu mới và cũ. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết.
Nội dung bài viết:
Bình luận