Mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường là gì?

Mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường là gì? Mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật ACC để biết thông tin cụ thể về các thắc mắc trên.

image-167
Mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường

1. Kinh tế thị trường là gì?

Kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại, được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng một cách đúng đắn, khách quan, khoa học, sáng tạo, trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò của con người chính là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Theo C. Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển và nền kinh tế TBCN chính là nền kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến và hoàn chỉnh. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế XHCN. Để chuyển lên nấc thang này, nền kinh tế thị trường phải phát triển hết mức, phải trở thành phổ biến trong đời sống kinh tế – xã hội. Đây là một kết luận lý luận quan trọng. Nó khái quát quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, trong đó, kinh tế thị trường được xác định là một nấc thang tất yếu, mang tính phổ biến. Tính phổ biến của kinh tế thị trường thể hiện ở cấu trúc khung chung cho mọi nền kinh tế thị trường.

Sự phát triển của xã hội loài người được đánh dấu bằng nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về sự phát triển kinh tế ở những thời kỳ, những giai đoạn khác nhau. Từ chỗ ban đầu thực hành một “nền kinh tế cướp đoạt” (theo cách nói của Ph. Ăng-ghen), con người đã phải trải qua hàng vạn năm để biết dùng lửa nấu chín thức ăn và sưởi ấm, biết thuần hóa súc vật, biết chăn nuôi, biết làm nghề nông, biết chế tạo ra những vật phẩm đơn giản đáp ứng nhu cầu đơn giản và rất hạn chế trong một phạm vi cộng đồng nhỏ hẹp. Dần dần, khi một cộng đồng có thừa một loại sản phẩm nào đó đã được làm ra nhưng lại cần đến những loại sản phẩm khác mà cộng đồng khác dư thừa thì sự trao đổi bắt đầu diễn ra. Sản xuất phát triển thì sự trao đổi ấy diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên phạm vi ngày càng mở rộng hơn.

Như vậy, từ hình thái kinh tế tự nhiên, nhân loại chuyển dần lên một hình thái kinh tế cao hơn là sản xuất hàng hóa – đó là kinh tế hàng hóa. Nền kinh tế hàng hóa ra đời là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, đánh dấu sự phát triển của nền kinh tế, cho tới nay nó đã phát triển và đạt tới trình độ rất cao đó là nền kinh tế thị trường hiện đại.

Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

Nền kinh tế thị trường là một loại hình kinh tế – xã hội mà ở đó các quan hệ kinh tế, sự trao đổi, sự mua bán các sản phẩm và nhất là sự phân chia lợi ích, tìm kiếm lợi nhuận,… đều do các quy luật của thị trường điều tiết và chi phối. Không thu được lợi nhuận thì người sản xuất, kinh doanh không còn động lực để tiếp tục, nhất là để thúc đẩy công việc sản xuất và kinh doanh của họ, do đó sự trì trệ của xã hội là khó tránh khỏi. Cho nên có thể nói kinh tế thị trường là thành quả quan trọng của sự phát triển lâu dài trong nền văn minh của toàn thể nhân loại từ khi nó xuất hiện chứ không phải là của riêng hoặc là độc quyền của một hình thái kinh tế – xã hội nào.

2. Kinh tế thị trường tiếng Anh là gì?

Kinh tế thị trường tiếng Anh là Market Economy

3. Mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường?

3.1. Mặt tích cực của nền kinh tế thị trường

Hệ thống đồng bộ các thị trường và thể chế tương ứng

Mọi nền kinh tế thị trường đều có các yếu tố cấu thành cơ bản là các thị trường, bao gồm các thị trường yếu tố [các thị trường đầu vào như thị trường đất đai, thị trường sức lao động, thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán), thị trường hàng hoá, thị trường khoa học – công nghệ] và thị trường hang hóa và dịch vụ tiêu dùng. Để nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, phải bảo đảm hai yêu cầu.

– Sự hiện diện đầy đủ của tất cả các thị trường nói trên.

– Các thị trường phải vận hành đồng bộ.

Để đáp ứng hai yêu cầu này, việc hình thành và phát triển các thị trường phải tuân theo một trật tự bước đi xác định. Việc không tuân thủ trật tự đó (ví dụ xây dựng thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhưng hệ thống các quyền tài sản không xác định rõ, thị trường đất đai không được thừa nhận chính thức) thường dẫn đến sự rối loạn, vận hành kém hiệu quả của từng thị trường chức năng và của cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự vận hành đồng bộ của các thể chế thị trường đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của thị trường (chủ thể sở hữu độc lập, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ chế phân bổ nguồn lực do các lực lượng thị trường quyết định là chính, thông qua cạnh tranh tự do, v.v.) trên cơ sở dược sự bảo đảm của luật pháp. Nếu không được bảo vệ bằng các đạo luật cơ sở như luật cạnh tranh, luật về các quyền sở hữu, luật chống độc quyền, luật chống bán phá giá thì nền kinh tế không thể hoạt động bình thường.

Hệ thống giá cả được xác lập thông qua tương quan cung-cầu quyết định sự vận hành của nền kinh tế thị trường

Giá cả trên các loại thị trường được xác định dựa trên tương quan cung và cầu của từng thị trường đó. Tín hiện giá cả là căn cứ khách quan đối với các chủ thể kinh tế đưa ra các quyết định sản xuất-kinh doanh của mình trong môi trường cạnh tranh thị trường.

Nền kinh tế thị trường chỉ vận hành được một khi hệ thống giá cả được quyết định khách quan bởi thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận là động lực chủ yếu thúc đẩy nỗ lực hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Để phục vụ mục tiêu đó, giá cả phải được thiết định trên các cơ sở khách quan và được điều tiết bằng cơ chế tự điều tiết (cạnh tranh tự do).

Tạo sự cạnh tranh tự do – là nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường

Không có cạnh tranh tự do, không thể nói đến kinh tế thị trường. Về bản chất, cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh. Do vậy, nó còn được gọi là “bàn tay vô hình”. Cơ chế này giúp nền kinh tế tạo lập sự cân bằng mỗi khi bị trục trặc.

Cạnh tranh là cơ chế chủ yếu phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường. Thông qua cạnh tranh, các nguồn lực được rút ra khỏi những ngành, lĩnh vực và địa điểm đang hoạt động kém hiệu quả, di chuyển đến những nơi có lợi thế phát triển và thu được hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận cao hơn. Thực tế xác nhận rằng cho đến nay, sau khi nền kinh tế đã vượt qua trình độ kinh tế nông dân tự cấp – tự túc, cạnh tranh là cơ chế phân bổ các nguồn lực hiệu quả nhất.

Vai trò điều tiết kinh tế của nhà nước

Thị trường có những khuyết tật và cơ chế thị trường có thể bị thất bại trong việc giải quyết một số vấn đề phát triển, ví dụ như khủng hoảng, đói nghèo, công bằng xã hội, môi trường, v.v. Để khắc phục chúng và tránh khỏi thất bại thị trường, nhà nước phải tham gia quản lý, điều tiết sự vận hành nền kinh tế. Nhà nước tham gia vào các quá trình kinh tế thị trường vừa với tư cách là bộ máy quản lý xã hội, vừa là một yếu tố nội tại của cơ chế vận hành kinh tế. Với các tư cách đó, nhà nước thực hiện ba chức năng:

– Quản lý, định hướng và hỗ trợ phát triển;

– Phân phối lại thu nhập quốc dân.

– Bảo vệ môi trường.

Để thực hiện ba chức năng đó, nhà nước phải giải quyết các nhiệm vụ:

– Cung cấp khung khổ pháp lý rõ ràng, nghiêm minh, có hiệu lực và phù hợp với đòi hỏi của cơ chế thị trường;

– Kiến tạo và bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, có tính khuyến khích kinh doanh;

– Cung cấp kết cấu hạ tầng (gồm hạ tầng “cứng” – giao thông vận tải, cung cấp điện nước, v.v. và hạ tầng “mềm” – dịch vụ thông tin, bưu chính – viễn thông; tài chính, v.v.) cũng như các dịch vụ và hàng hoá công cộng (chăm sóc sức khoẻ, giáo dục – đào tạo, bảo vệ môi trường, v.v.).

– Hỗ trợ nhóm người nghèo các điều kiện tối thiểu để tham gia thị trường bình đẳng.

Tuy nhiên, trong mỗi nền kinh tế thị trường, tuỳ theo các điều kiện phát triển cụ thể, vai trò, vị trí và chức năng của từng yếu tố không hoàn toàn giống nhau. Điều này tạo nên đặc thù của các mô hình kinh tế thị trường và nền kinh tế thị trường ở những quốc gia cụ thể.

3.2. Mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường, kể cả nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hiện đại, không phải không có những hạn chế, những nhược điểm rất cơ bản, thậm chí cả những khuyết tật không dễ gì sửa chữa. Như C. Mác đã chỉ ra, quy luật tuyệt đối của các nhà tư bản là tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Nếu không thu được lợi nhuận tối đa thì chẳng có một nhà tư bản nào lại chịu bỏ vốn ra để sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo C. Mác, dưới chủ nghĩa tư bản, “lợi nhuận chỉ là hình thái thứ sinh, phái sinh và được biến đổi của giá trị thặng dư, là hình thái tư sản trong đó đã xóa hết những nguồn gốc của nó”, còn giá trị thặng dư và tỷ suất giá trị thặng dư “là biểu hiện chính xác của mức độ tư bản bóc lột sức lao động, hay mức độ nhà tư bản bóc lột người công nhân”. Nói cách khác, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chính lao động thặng dư của người công nhân là nguồn gốc đem lại lợi nhuận và làm giàu cho nhà tư bản.

Như một quy luật, khi mà lợi nhuận kếch xù và sự giàu có tập trung về phía các nhà tư bản thì tất nhiên là sự khốn cùng và sự nghèo đói sẽ đổ dồn về phía những người lao động làm thuê, về phía những người vô sản. Nói cách khác, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa kể cả ở giai đoạn hiện nay, của cải vẫn đang ngày càng tập trung về một phía, còn nghèo khó thì vẫn đổ dồn về phía người lao động.

Ở đây, người lao động tuy là lực lượng chủ yếu làm ra của cải cho xã hội nhưng lại được hưởng rất ít thành quả do chính họ làm ra. Vì vậy, sẽ không quá nếu nói rằng, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người lao động không phải là mục tiêu hay đối tượng của sự phục vụ của nền kinh tế.

Như vậy, trong mỗi nền kinh tế thị trường, tuỳ theo các điều kiện phát triển cụ thể, vai trò, vị trí và chức năng của từng yếu tố không hoàn toàn giống nhau. Điều này tạo nên đặc thù của các mô hình kinh tế thị trường và nền kinh tế thị trường ở những quốc gia cụ thể.

4. Những câu hỏi thường gặp.

Khái niệm kinh tế thị trường?

Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế trong đó các yếu tố đầu vào và đầu ra đều phải thông qua thị trường, nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế xã hội mà sản phẩm sản xuất ra là để bán, trao đổi trên thị trường. Trong kiểu tổ chức này toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối, trao đổi tiêu dùng mua bán và hệ thống thị trường do thị trường quyết định.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Kinh tế thị trường làm xuất hiện các tệ nạn xã hội không?

Vì kinh tế thị trường là nền kinh tế hướng đến lợi nhuận là chủ yếu mà không chú trọng quan tâm đến các vấn đề xã hội, điều này làm gia tăng nhanh những hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát của pháp luật, các tệ nạn diễn ra tràn lan và ngày một phổ biến, tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lí, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị sống và làm mất niềm tin của một bộ phận công chúng. Trong những năm gần đây tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng phạm tội có tổ chức, tụ tập nhóm để trộm cắp, cướp giật, đâm thuê, chém mướn, sử dụng ma túy, cờ bạc, … Khảo sát năm 2010 của vụ văn hóa, ban tư tưởng của trung ương cho thấy có 13 biểu hiện chưa tốt của học sinh, sinh viên. Thống kê năm 2012 có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy, năm 2014-2015 tăng lên 800, bên cạnh còn có 8000 vụ vi phạm hình sự. Tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, sống lang thang, gây rối trật tự gia tăng đến nay lên tới 20 000 đối tượng.

Trên đây là toàn bộ nội dung trả lời cho câu hỏi mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường mà chúng tôi cung cấp đến cho quý khách hàng. Nếu có bất kỳ vấn đề vướng mắc cần giải đáp cụ thể, hãy liên hệ với Công ty luật ACC để được hỗ trợ:

Hotline: 1900.3330
Zalo: 0846967979
Gmail: [email protected]
Website: accgroup.vn

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo