Số định danh cá nhân có vai trò ngày càng quan trọng và gắn liền với công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Vậy mã định danh công dân là gì, có phải số thẻ Căn cước công dân không?
1. Mã số định danh công dân là gì?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định về cấu trúc mã định danh công dân như sau:
“Điều 13. Cấu trúc số định danh cá nhân
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên."
2. Hướng dẫn cách tra cứu mã số định danh cá nhân online năm 2022?
Đối với người đã có Căn cước công dân 12 số (CCCD gắn chíp)
Đối với những người đã có Căn cước công dân thì mã định danh công dân chính là dãy số gồm 12 số trên Căn cước công dân.
Đối với người chưa có Căn cước công dân 12 số (CCCD gắn chíp)
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/, sau đó chọn Đăng nhập ở góc trên bên phải màn hình.
Bước 2: Chọn loại tài khoản muốn đăng nhập.
Bước 3: Tiến hành đăng nhập bằng tài tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia. Nếu chưa có tài khoản thì tiến hành Đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Bước 4: Chọn tab Dịch vụ công.
Bước 5: Chọn tab thông báo lưu trú.
Bước 6: Xem số định danh cá nhân của mình tại dấu mũi tên.
3. Các bước đăng ký tài khoản định danh điện tử năm 2022?
Công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử theo các bước và cung cấp các thông tin sau:
Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo
Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ...thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip theo đúng quy trình cấp CCCD.
4. Câu hỏi thường gặp
Thủ tục cấp số định danh cá nhân với công dân đăng ký khai sinh như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định thủ tục như sau:
- Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó phải thu thập các thông tin sau đây để cấp số định danh cá nhân:
+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính;
+ Nơi đăng ký khai sinh;
+ Quê quán;
+ Dân tộc;
+ Quốc tịch;
+ Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tài liệu theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 của Luật Căn cước công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.
- Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa vận hành hoặc Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh của công dân, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch chuyển ngay các thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua mạng internet đã được cấp tài khoản truy cập.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh và số định danh cho người được đăng ký khai sinh.
Số định danh cá nhân có từ năm nào?
Sau khi Luật Hộ tịch 2014, Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam thông qua:
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh: Số định danh cá nhân được ghi vào Giấy khai sinh và đây cũng chính là số thẻ Căn cước công dân của người đó sau này (khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014).
- Cấp thẻ Căn cước công dân: Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân (khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân).
Có thể dùng số định danh cá nhân làm gì?
Mỗi một mã định danh đều chứa đựng các thông tin cơ bản của một công dân. Những thông tin này được thống nhất quản lý và cập nhật, chia sẻ trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bởi Bộ Công an.
Mã định danh được dùng vào một số trường hợp như:
- Thay cho mã số thuế cá nhân
Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 quy định khi mã định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ người dân thì mã này được sử dụng thay cho mã số thuế.
- Thay cho giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà ở
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định nếu công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành số định danh cá nhân được sử dụn để thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ CCCD, Hộ chiếu, các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.
- Sử dụng làm thẻ ngân hàng
Tùy theo mỗi ngân hàng sẽ có các yêu cầu, điều kiện mở thẻ khác nhau. Với khách hàng từ đủ 18 tuổi khi có các giấy tờ nhân thân chứa mã định danh cá nhân sẽ được làm thẻ ngân hàng
- Sử dụng đi máy bay
Các giấy tờ bắt buộc phải có khi đi máy bay có thể là giấy tờ có chứa mã định danh cá nhân như CCCD, CMND 12 số hoặc Giấy khai sinh (với trẻ dưới 14 tuổi).
Số định danh cá nhân có phải số thẻ Căn cước công dân?
Theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Số thẻ Căn cước công dân mã vạch, gắn chip đều gồm 12 số và chính là số định danh cá nhân.
Trong đó:
- 03 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh, hoặc mã các quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;
- 03 số kế tiếp là mã thế kỷ sinh, mã giới tính và mã năm sinh;
- 06 số còn lại là các số ngẫu nhiên.
XEM THÊM:>>>Bảo hiểm xã hội là gì? (Cập nhật 2022)
Trên đây là một số thông tin về mã định danh công dân là gì. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết.
Nội dung bài viết:
Bình luận