Luật phí và lệ phí là gì? Tìm hiểu về luật phí và lệ phí

Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, Luật phí và lệ phí năm 2015 ra đời đã trở thành một đạo luật quan trọng với ý nghĩa là bước ngoặt mới trong quản lý phí, lệ phí, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn. Vậy Luật phí và lệ phí là gì? Mời bạn đọc Hãy cùng Luật ACC đi tìm hiểu về luật phí và lệ phí nhé!

Luật phí và lệ phí là gì? Tìm hiểu về luật phí và lệ phí

Luật phí và lệ phí là gì? Tìm hiểu về luật phí và lệ phí

Luật phí lệ phí gồm những chương nào? 

Luật phí và lệ phí gồm 6 chương, 25 điều; cụ thể là:

Chương I. Những quy định chung, gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7);

Chương II. Nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí, gồm 03 Điều (từ Điều 8 đến Điều 10);

Chương III. Kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí, gồm 03 điều (từ Điều 11 đến Điều 13);

Chương IV. Quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí, gồm 03 điều (từ Điều 14 đến Điều 16);

Chương V. Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí, gồm 06 điều (từ Điều 17 đến Điều 22);

Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (từ Điều 23 đến Điều 25).

Ban hành kèm theo Luật gồm 02 phụ lục, Phụ lục số 01 quy định về Danh mục phí, lệ phí, Phụ lục số 02 quy định về Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật phí và lệ phí

Pháp lệnh phí và lệ phí quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công do cả Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Luật phí và lệ phí quy định Danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật giá. Theo đó, Luật phí và lệ phí quy định:

- Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 Luật phí và lệ phí quy định: “Luật này quy định về Danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí”.

- Về đối tượng áp dụng, Điều 2 Luật phía và lệ phí quy định: “Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí”.

Những nội dung cơ bản của Luật phí và lệ phí

Về các hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm

Để bảo đảm thống nhất quản lý về phí và lệ phí, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Điều 16 Luật phí và lệ phí quy định về hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm như sau:

“1. Các hành vi nghiêm cấm bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí;

b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

2. Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

 Về danh mục và thầm quyền quy định phí, lệ phí

Phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; để đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền và trách nhiệm của công dân, Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí. Theo đó, về Danh mục phí (Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí) có 245 loại phí thuộc 13 lĩnh vực, 123 loại lệ phí thuộc 5 lĩnh vực; đồng thời, quy định Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá (Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí), gồm 17 loại phí. Quy định cụ thể thẩm quyền của 04 cơ quan quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí; được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí đó là: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí

- Thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí vào Danh mục giữa 02 kỳ họp Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Điều 17).

- Thẩm quyền của Chính phủ: thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí; quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí được giao trong Danh mục; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và mức thu, miễn, giảm án phí, lệ phí tòa án (Điều 18).

- Thẩm quyền của Bộ Tài chính: quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được (Điều 19).

- Trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ: chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật phí và lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; báo cáo tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; kiến nghị với Bộ Tài chính về những hoạt động cần thu phí, lệ phí, để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí; kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý (Điều 20).

- Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; xem xét, cho ý kiến để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền (Điều 21).

- Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí và lệ phí theo quy định của pháp luật; báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (Điều 22).

Về nguyên tắc xác định mức thu phí

Hiện các khoản phí trong Danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng xã hội hóa cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp, do đó, tại Điều 8 Luật phí và lệ phí quy định nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: “Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân”.

 Về miễn, giảm phí, lệ phí

Mỗi loại phí, lệ phí đối tượng chịu phí, đối tượng sử dụng và phương thức tính phí rất khác nhau; chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau, vì vậy, Điều 10 Luật phí và lệ phí quy định:

“1. Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án.

3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền”.

Về thu, nộp, quản lỷ và sử dụng phí, lệ phí

Để đảm bảo quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí; đồng bộ với quy định tại Luật ngân sách nhà nước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Điều 12 Luật phí và lệ phí quy định:

“1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

2. Số tiền phí được khấu trừ và được để lại quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng như sau:

a) Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí;

b) Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Hiệu lực của Luật phí và lệ phí 2015

Kể từ ngày Luật phí và lệ phí có hiệu lực (01/01/2017), Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực . Cùng với 2 Pháp lệnh này, khoản 2 điều 23 của Luật phí và lệ phí đã quy định về việc bãi bỏ một loạt các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nội dung phí và lệ phí.

Nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Luật phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Và ngày 07 tháng 12 năm 2020, ,Văn phòng quốc hội đã ban hành Văn bản hợp nhất 37/VBHN-VPQH 2020 Luật phí và lệ phí với những sửa đổi bổ sung Luật phí và lệ phí 2015 bằng

1. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;

2. Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019;

3. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Xem thêm văn bản hợp nhất Tại đây 

Trên đây là nội dung giới thiệu của Luật ACC cho quý bạn đọc về Luật phí và lệ phí là gì? Tìm hiểu về luật phí và lệ phí. Hy vọng đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin, kiến thức hữu ích của quy định pháp luật. Trong quá trình tham khảo bài viết nếu còn nội dung nào chưa rõ bạn vui lòng phản hồi bài viết hoặc liên hệ trực tiếp tới tổng đài tư vấn của Luật ACC theo thông tin dưới đây để được giải đáp kịp thời nhé!

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo