Năm 2005 Quốc hội thông qua Luật Đường sắt, cơ sở pháp lý cao nhất đối với sự phát triển bền vững của đường sắt Việt Nam. Lần đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt Việt Nam có Luật để điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển đường sắt, đảm bảo vai trò của lĩnh vực đường sắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường sắt ở nước ta. Vậy Luật đường sắt 2005 có nội dung như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Luật ACC
Luật đường sắt 2005 số 35/2005/QH11 - Luật ACC
1. Phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh của :Luật đường sắt 2005
Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xem thêm bài viết: Luật đường sắt ban hành khi nào? - Luật ACC
2. Kết cấu của Luật Đường sắt
Luật Đường sắt gồm tám chương, 114 điều, là văn bản có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực đường sắt kể từ khi có ngành đường sắt từ hơn 120 năm trước đây. Luật quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.
Chương I là những quy định chung: gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt, chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thanh tra đường sắt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II quy định kết cấu hạ tầng đường sắt: gồm 25 điều (từ Điều 13 đến Điều 37), chia thành hai mục. Mục 1, quy định về Quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, có 12 điều (từ Điều 13 đến Điều 24), bao gồm những vấn đề cơ bản về quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, phân loại đường sắt, khổ đường và tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt, ga đường sắt, các quy định về giao cắt với đường sắt, đường sắt và đường bộ chạy song song gần nhau.
Mục 2 quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt có 13 điều (từ Điều 25 đến Điều 37) quy định nội dung và phạm vi bảo vệ cụ thể đối với từng công trình đường sắt; việc xây dựng công trình và tiến hành hoạt động ở vùng lân cận phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; hành lang an toàn giao thông đường sắt; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và việc phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tai nạn đối với kết cấu hạ tầng đường sắt.
Chương III quy định về phương tiện giao thông đường sắt có tám điều (từ Điều 38 đến Điều 45) bao gồm điều kiện lưu hành, việc đăng ký, đăng kiểm, nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt, thông tin, chỉ dẫn, trang thiết bị trên phương tiện giao thông đường sắt, việc tạm đình chỉ tham gia giao thông đường sắt đối với phương tiện.
Chương IV quy định về nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có chín điều (từ Điều 46 đến Điều 54), bao gồm điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, quản lý các cơ sở đào tạo chức danh tài xế.
Chương V quy định về đường sắt đô thị có tám điều (từ Điều 55 đến Điều 62), gồm các loại hình đường sắt đô thị, chính sách phát triển đường sắt đô thị; điều kiện để lập quy hoạch đường sắt đô thị; điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt đô thị; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; những nguyên tắc chung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông vận tải đường sắt đô thị cũng như an toàn cho công trình đô thị.
Chương VI quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt có 20 điều (từ Điều 63 đến Điều 82) được chia thành hai mục. Mục 1 là quy tắc, tín hiệu giao thông đường sắt; mục 2 là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Chương VII quy định về kinh doanh đường sắt có 29 điều (từ Điều 83 đến Điều 111), gồm các nội dung cơ bản về kinh doanh kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, bảo đảm không phân biệt đối xử trong kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của các đối tượng trong kinh doanh đường sắt; vận tải quốc tế, vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, vận tải hàng nguy hiểm, động vật sống, thi hài, hài cốt, hàng siêu trường, siêu trọng; xử lý hàng hoá, hành lý, bao gửi không có người nhận hoặc người nhận từ chối; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh đường sắt.
Chương VIII quy định về điều khoản thi hành có ba điều (từ Điều 112 đến Điều 114), gồm yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt sau khi Luật Đường sắt có hiệu lực; quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt.
3. Một số vấn đề quan trọng trong luật đường sắt
Luật Đường sắt ra đời tạo khung pháp lý cho việc thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong kinh doanh đường sắt, thu hút mọi thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển đường sắt, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá, nâng cao thị phần vận tải, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều đó thể hiện ở các mặt cơ bản sau đây:
1. Thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư trong lĩnh vực hoạt động đường sắt. Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động đường sắt là phải phân định rõ giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong kinh doanh đường sắt, thu hút các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển đường sắt. Ngoài ra, Điều 18 và Điều 56 cũng đã quy định cụ thể các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
2. Quy hoạch phát triển đường sắt. Luật quy định về quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt, quy định cụ thể về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt như một nội dung cơ bản của quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt để định hướng đầu tư, xây dựng, phát triển đồng bộ, hợp lý, thống nhất mạng lưới giao thông vận tải đường sắt trong phạm vi cả nước, tạo điều kiện khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành đường sắt.
3. Kết cấu hạ tầng đường sắt. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt mang lại lợi ích chung cho quốc gia và chủ yếu do Nhà nước đảm nhận. Luật đã quy định chính sách của Nhà nước là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo hướng hiện đại, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, khai thác, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
4. Phát triển đường sắt đô thị. Luật đã tạo cơ sở pháp lý để hình thành và phát triển đường sắt đô thị-loại hình giao thông công cộng không thể thiếu trong việc giải quyết ách tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các đô thị lớn.
5. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Theo đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; tuyên truyền, giáo dục và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Có thể nói, sự ra đời của Luật Đường sắt đánh dấu một bước phát triển mới của ngành đường sắt Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh đường sắt, là cơ sở để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm giao thông vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân ngày một tăng và đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Xem toàn văn Luật đường sắt 2005 tại đây
4. Hiệu lực của Luật đường sắt 2005 số 35/2005/QH11
Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực thi hành (Điều 86).
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Luật ACC về Luật đường sắt 2005 số 35/2005/QH11 đã giúp quý bạn đọc đã hiểu thêm được về Luật này. Trong quá trình tham khảo bài viết, nếu còn nội dung nào vướng mắc bạn vui lòng phản hồi bài viết hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài của chúng tôi theo thông tin phía dưới để được các chuyên gia bên Luật ACC kịp thời hỗ trợ.
Nội dung bài viết:
Bình luận