Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú, với những quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú; qua đó, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân được thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020. Sau đây, mời các quý đọc giả hãy cùng ACC tìm hiểu Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Cư Trú 2020 mới nhất thông qua bài viết dưới đây.
1. Luật cư trú 2020
Luật cư trú năm 2020 được ban hành thay thế Luật Cư trú năm 2006.
Luật Cư trú của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đạo luật về quyền cư trú của công dân Việt Nam, quy định việc sử dụng sổ hộ khẩu để quản lý nhân khẩu tại Việt Nam, căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội Việt Nam khóa X|Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10. Có 6 chương và 42 điều. Luật được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10, thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký duyệt và công bố ngày 12 tháng 12 năm 2006. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.
Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
2. Cư trú là gì?
Luật cư trú năm 2020 giải thích về cư trú như sau:
“Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn Vị hành chính cấp xã).”
Trong đó:
– Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống.
– Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
– Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
3. Phạm vi điều chỉnh của Luật cư trú 2020
Luật này quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Cư Trú 2020 mới nhất
Sau đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Cư trú mới nhất:
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú
- Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú
- Thông tư 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú
5. Một số điểm cần lưu ý theo Luật Cư trú năm 2020
Vào năm 2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực
Kể từ ngày 1-7-2021, ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.
Đặc biệt, nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Như vậy, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng nữa.
Khi nào sổ hộ khẩu bị thu hồi?
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020: Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trong đó, các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 gồm:
- Thay đổi chủ hộ.
- Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.
Như vậy, trong 3 trường hợp nêu trên, sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi.
Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư
Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định: Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú. Đồng thời, khi đăng ký thường trú, khoản 3 Điều 22 Luật này nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người dân về việc cập nhật.
Như vậy, từ ngày 1-7-2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.
Bỏ nhiều nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu
Theo Luật Cư trú, từ ngày 1-7-2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật này. Cụ thể:
- Tách sổ hộ khẩu: Thay vào đó sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin này.
- Điều chỉnh thay đổi thông tin về cư trú: Rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú… khi đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…
Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú
Do bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú sẽ nhanh hơn so với hiện nay. Cụ thể, khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; thông báo cho người đăng ký biết. Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục này đang quy định là 15 ngày (căn cứ khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).
Không còn điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi, công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
Riêng tại Hà Nội, theo Điều 19 Luật Thủ đô, nếu muốn đăng ký thường trú tại Hà Nội thì còn phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên. Tuy nhiên, một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật Cư trú năm 2020 là xóa điều kiện riêng nêu trên khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...).
Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì không còn bị phân biệt về điều kiện mà được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc như quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020:
- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
- Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…
Có thể thấy, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong việc quản lý cư trú của mọi công dân.
Diện tích nhà thuê ít nhất 8m2/người mới được đăng ký thường trú
Đây là phương án được số đông đại biểu Quốc hội đồng ý về việc đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu không thấp hơn 8m2 sàn/người. Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ.
Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú, phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú. Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật...
Sửa đổi đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình
Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nêu tại Luật BHYT như sau: Hộ gia đình tham gia BHYT (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trong khi đó, quy định cũ đang định nghĩa hộ gia đình tham gia BHYT gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Như vậy, từ ngày 1-7-2021, ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đã thay đổi từ “toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú” sang “cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp”.
Đi khỏi nơi thường trú 12 tháng phải khai báo tạm vắng
Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú. So với quy định tại Luật Cư trú hiện nay, từ 1-7-2021, bổ sung thêm trường hợp công dân phải khai báo tạm vắng: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo, đi khỏi nơi cư trú 1 ngày trở lên, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi huyện từ 3 tháng liên tục trở lên… và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.
Các đối tượng nêu trên có thể khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Riêng người chưa thành niên khai báo tạm vắng thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ. Những đối tượng này phải khai báo tạm vắng với nội dung gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.
Các trường hợp không được đăng ký thường trú mới
Nội dung này được quy định tại Điều 23 Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể gồm:
- Nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống....
- Toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.
- Đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết.
- Bị tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.
Bán nhà có thể bị xóa đăng ký thường trú
Điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú nêu rõ: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, chọ mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này.
Theo đó, nếu một người đã bán nhà cho người khác, sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới sẽ bị xóa đăng ký thường trú, trừ trường hợp:
- Được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, mượn, ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ đó.
- Được chủ nhà mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
Ngoài ra, các trường hợp sau đây cũng sẽ bị xóa đăng ký thường trú:
- Chết; có quyết định của tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú.
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng…
Thêm nhiều trường hợp bị hạn chế cư trú
Mặc dù công dân có quyền tự do cư trú nhưng trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú sau đây, công dân sẽ bị hạn chế quyền này:
- Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam.
- Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án.
- Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách.
- Người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách (mới).
- Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới).
- Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành.
- Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới).
- Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng (mới).
- Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh; địa bàn có tình trạng khẩn cấp; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ (mới).
- Các trường hợp khác theo quy định của luật (mới).
Nơi cư trú của người không có thường trú, tạm trú
Là nội dung mới được đề cập đến tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2020. Theo đó, việc xác định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được quy định như sau:
- Là nơi ở hiện tại của người đó.
- Trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.
- Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Thay đổi hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1, Luật Lý lịch tư pháp nêu rõ hồ sơ phải bao gồm bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp phiếu này.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 37 Luật Cư trú 2020 đã bãi bỏ quy định này. Do đó, từ ngày 1-7-2021, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ cần chuẩn bị:
- Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú
Quy định cũ tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú nêu rõ, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định: Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Như vậy, quy định mới cho phép người dân đến và sinh sống tại một địa điểm ngoài địa điểm đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên mới phải đăng ký tạm trú.
Trên đây là bài viết về Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Cư Trú 2020 mới nhất mời bạn đọc thêm tham khảo và nếu có thêm những thắc mắc về bài viết này hay những vấn đề pháp lý khác về dịch vụ luật sư, tư vấn nhà đất, thành lập doanh nghiệp… hãy liên hệ với ACC theo thông tin bên dưới để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả từ đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm từ chúng tôi. ACC đồng hành pháp lý cùng bạn.
Nội dung bài viết:
Bình luận