Hiện nay, khi máy móc và các trang thiết bị hiện đại đang ngày càng được sử dụng nhiều lĩnh vực, từ sinh hoạt đời sống thường ngày cho đến các lĩnh vực nghề nghiệp, dây chuyền sản xuất hàng hóa; do là những thiết bị, máy móc này là những vật thể có thể hao mòn giá trị theo thời gian và qua nhiều nhiều lần sử dụng nên đòi hỏi phải được kiểm định thường xuyên để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Vậy, kiểm định là gì? Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về kiểm định? Cùng ACC tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 30/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018.
– Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
– Thông tư số 33/2015/TT-BCT về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện
2. Kiểm định là gì?
Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa văn bản hợp nhất số 30/VBHN- VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 có quy định: Kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Bên cạnh đó kiểm định cũng được hiểu là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường. Kiểm định mang tính bắt buộc, giúp kiểm tra xem máy móc thiết bị của doanh nghiệp và tổ chức có đảm bảo đúng quy định của nhà nước hay không.
Kiểm định an toàn hay kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kỹ thuật theo một quá trình kiểm định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp tình trạng kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với đối tượng kiểm định.
Dưới tác động của các nhân tố bên ngoài thì thiết bị sẽ không còn được tốt so với ban đầu, và việc giảm chất lượng này trong một số ngành có thể đem đến những ảnh hưởng lớn đến chất lượng của quy trình và sản phẩm, gây những hậu quả nặng nề vì thế ở một số thiết bị Nhà nước đều có những quy định về kiểm định để đảm bảo chất lượng của sản phẩm
Và việc kiểm định phương tiện đo do kiểm định viên đo lường thực hiện thống nhất theo các quy trình kiểm định. Thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu sẽ được dán tem kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước và có giá trị pháp lý trong cả nước.
Trong tiếng anh Kiểm định có tên gọi là Accreditation.
3. Đặc điểm của kiểm định
Để nhằm phân biết hoạt động kiểm định với các hoạt động khác thì sau đầy từ khái niệm của kiểm định ta có thể rút ra một số được điểm sau:
Thứ nhất, Kiểm định là một hoạt động kỹ thuật: Theo đó kiểm định là một hoạt động mà việc thực hiện kiểm định phải tiến hành ứng dụng các kiến thức khoa học và công nghệ vào việc kiểm định để có thể đánh giá một cách chính xác chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó hoạt động kiểm định cũng có thể sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ cho quá trình kiểm định sản phẩm cụ thể.
Thứ hai, Kiểm định là một hoạt động đánh giá: Hoạt động kiểm định có mục đích chính đó là xem xét và đánh giá các sản phẩm dựa trên những cơ sở mà sản phẩm đang có so với những tiêu chuẩn đã được quy định từ trước để đảm bảo sự an toàn của các sản phẩm đó khi được sử dụng trên thực tế. Những sản phẩm nào đã được đánh giá đạt chuẩn sẽ được cơ quan nhà nước dán tem kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn.
Thứ ba, Sản phẩm là đối tượng của kiểm định chủ yếu là sản phẩm kỹ thuật, công trình xây dựng,… Đối tượng mà hoạt động kiểm định hướng đến không phải những sản phẩm về thực phẩm hay những sản phẩm khác mà đối tượng của hoạt động kiểm định ở đây là những trang thiết bị, máy móc phục vụ cho các hoạt động kỹ thuật hay trong các công trường xây dựng như: Phương tiện di chuyển, máy cẩu,….
Thứ tư, Kiểm định là một hoạt động nhằm hướng đến sự an toàn: Như đã được đề cập đối tượng mà hoạt động kiểm định hướng đến là những sản phẩm về vật chất; do đó theo thời gian những sản phẩm này sẽ bị hao mòn và mất đi những giá trị, tính năng vốn có ban đầu của nó, hay do trong quá trình sử dụng lâu dài những sản phẩm này cũng sẽ bị hao mòn đi và dẫn đến tình trạng hư hỏng; Việc sử dụng những sản phẩm không đảm bảo sự an toàn chính là một trong những nguyên nhân gây ra những thiệt hại không đáng có như: Tai nạn lao động, công trình bị kém chất lượng,… Chính vì thế hoạt động kiểm định sẽ là thước đo đánh giá giá trị của các sản phẩm đã đạt chuẩn theo các quy định cụ thể về chất lượng kiểm định của sản phẩm nhằm phù hợp, đảm bảo sự an toàn trong quá trình sử dụng sản phẩm ngoài thực tế.
4. Kiểm định do cơ quan nào tiến hành?
Việc kiểm định phương tiện đo do kiểm định viên đo lường thực hiện xuyên suốt theo các quy trình kiểm định. Thiết bị đo sau khi kiểm định, nếu đạt yêu cầu, sẽ được dán tem kiểm định, hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm định về đo lường của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cơ sở được chỉ định kiểm định Nhà nước. Giấy chứng nhận có giá trị pháp lý trong cả nước
5. Những thiết bị, máy móc nào cần kiểm định
Kiểm định kỹ thuật an toàn máy móc, thiết bị
Theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Kiểm định an toàn kỹ thuật máy móc thiết bị là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị nằm trong danh mục có yêu cầu kiểm định an toàn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương.
Danh mục các máy móc, thiết bị có yêu cầu kiểm định:
- Nồi hơi và thiết bị áp lực: Nồi hơi, Nồi đun nước nóng; Nồi gia nhiệt; Bình áp lực, Bồn, Bể có áp lực; Chai chứa khí; Máy nén khí;
- Thang máy, Thang cuốn;
- Thiết bị nâng: Xe nâng, Cần trục, Cổng trục, Vận thăng, Cẩu tháp, Palang, Tời nâng, Sàn nâng…;
- Hệ thống lạnh;
- Hệ thống đường ống dẫn hơi nước và nước nóng;
- Đường ống dẫn khí; Hệ thống chiết xuất điều chế khí; Hệ thống khí y tế; Hệ thống gas.
Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện
Theo Thông tư số 33/2015/TT-BCT Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.
Kiểm định an toàn hệ thống, thiết bị và dụng cụ điện là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị nằm trong danh mục có yêu cầu kiểm định của Bộ Công Thương.
Danh mục thiết bị, dụng cụ điện có yêu cầu kiểm định:
- Máy biến áp;
- Máy cắt điện;
- Chống sét van;
- Cầu dao cách ly, cầu dao tiếp địa;
- Cáp điện;
- Sào cách điện
Kiểm định hệ thống chống sét
Theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Kiểm định hệ thống chống sét là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hệ thống chống sét.
Theo quy định, các hệ thống chống sét phải kiểm định ít nhất một năm một lần.
Kiểm định. Hiệu chuẩn thiết bị đo lường
Theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2; và Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị đo lường là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng và mua bán các thiết bị đo lường nằm trong danh mục có yêu cầu kiểm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
6. Phân biệt hiệu chuẩn và kiểm định
Kiểm định là việc xác định, xem xét sự phù hợp của phương tiện đo so với yêu cầu pháp lý có đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể hay không, kết quả do cơ quan kiểm định nhà nước xác định là đạt hoặc không đạt. Kiểm định mang tính chất bắt buộc đối với các phương tiện đo có trong “Danh mục các thiết bị bắt buộc kiểm định” theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc kiểm định phương tiện đo do kiểm định viên đo lường thực hiện thống nhất theo các quy trình kiểm định. Thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu được dán tem kiểm định hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước và có giá trị pháp lý trong cả nước.
Hiệu chuẩn phương tiện đo là thiết lập mối tương quan giữa đo lường và phương tiện đo. Hiệu chuẩn không mang tính chất bắt buộc. Dựa vào kết quả hiệu chuẩn, khách hàng tự quyết định xem thiết bị có sử dụng nữa hay không.
Bản chất kỹ thuật của hiệu chuẩn và kiểm định giống nhau: đó là việc so sánh phương tiện đo với chuẩn để đánh giá sai số và các đặc trưng kỹ thuật, đo lường khác của nó. Khác nhau là kiểm định theo yêu cầu của pháp lý, bắt buộc áp dụng trong khi hiệu chuẩn là tự nguyện.
7. Câu hỏi thường gặp
- Cơ quan nào được phép kiểm định tháng máy?
Trước đây, các trung tâm kiểm định thuộc biên chế nhà nước như trung tâm kiểm định thuộc Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây Dựng, sở lao động,...là cơ quan được phép thực hiện kiểm định và cấp phép hoạt động thang máy.
Đến nay, cơ chế đã thông thoáng hơn, các công ty tư nhân đã được phép kiểm định thang máy.
- Kiểm định chất lượng giáo dục trường là gì?
Kiểm định chất lượng giáo dục trường là hoạt động đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ giáo dục và Đào tạo quy định đối với trường ở từng trình độ đào tạo
- Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục?
Kiểm định chất lượng giáo dục trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trường; xác nhận mức độ trường đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của trường; làm cơ sở cho người học lựa chọn trường và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Trên đây là nội dung tư vấn của ACC liên quan đến vấn đề Kiểm định là gì? Quy định về kiểm định. Nếu có bất kỳ thắc mặc gì liên quan đến nội dung bài viết hoặc cần được hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua:
Hotline: 19003330
Zalo: 084 696 7979
Email: [email protected]
Website: accgroup.vn
Nội dung bài viết:
Bình luận