Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại được quy định như thế nào? Mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật ACC để biết thông tin cụ thể về các thắc mắc trên.
1. Khái niệm khởi tố vụ án hình sự là gì ?
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, xác định có hay không dấu hiệu của tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, là cơ sở để chấm dứt hoạt động tố tụng hình sự hay thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự.
2. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại :
Nhà nước ta với bản chất là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Trong xã hội con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân được coi là yêu cầu trung tâm của nội dung về nhà nước pháp quyền. Quyền con người được khẳng định trong nhiều văn bản pháp lý của nhà nước ta. Quan trọng nhất phải nói đến Hiến pháp – đạo luật cơ bản của nhà nước.
Điều 20 Hiến pháp Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quyền con người được pháp luật bảo vệ thông qua các hoạt động của hệ thống cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp.
Pháp luật tố tụng hình sự với vai trò là một bộ phận của pháp luật cũng có những biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền con người. Một quy định quan trọng phải nói đên ở đây đó là “ quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại”. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất và tinh thần hoặc tài sản do hành vi phạm tội gây ra, quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nặng nề nhất. Vì vậy, bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại nói riêng là một vấn đề đang được quan tâm.
Ngoài ra xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự là nguyên tắc “ Bảo đảm pháp chế xã hôi chủ nghĩa trong tố tụng hình sự” ( Điều 3, nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân” (điều 4), nguyên tắc “bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân” ( Điều 7)… quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại cũng là sự cụ thể hóa các nguyên tắc trên.
Quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại còn xuất phát từ mối quan hệ của các giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và các giai đoạn khác của quá trình tố tụng. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại là trường hợp đặc biệt mà khởi tố vụ án chỉ được thực hiện với các điều kiện có yêu cầu khởi tố của người bị hại. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại là giai đoạn mở đầu làm cơ sở cho các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự.
3. Các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại:
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, cụ thể:
Trường hợp 1: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134).
Trường hợp 2: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135).
Trường hợp 3: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136).
Trường hợp 4: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138).
Trường hợp 5: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139).
Trường hợp 6: Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141).
Trường hợp 7: Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143).
Trường hợp 8: Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155).
Trường hợp 9: Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156)
Trường hợp 10: Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Khoản 1 Điều 226).
4. Hậu quả pháp lý khi bị hại rút đơn yêu cầu
Khoản 2, 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định hậu quả pháp lý khi người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, cụ thể như sau:
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ;
- Trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
- Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Trên đây là toàn bộ nội dung trả lời cho câu hỏi Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại mà chúng tôi cung cấp đến cho quý khách hàng. Nếu có bất kỳ vấn đề vướng mắc cần giải đáp cụ thể, hãy liên hệ với Công ty luật ACC để được hỗ trợ:
Hotline: 1900.3330
Zalo: 0846967979
Gmail: [email protected]
Website: accgroup.vn
Nội dung bài viết:
Bình luận