Khiếu nại người chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển

Xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển ngày càng phổ biến. Để có thể thực hiện việc xuất nhập khẩu dễ dàng, thông thường các bên mua bán đều thuê một bên trung gian chuyên chở. Tuy nhiên, trong quá trình chuyên trở hàng hóa sẽ không tránh khỏi có những sai sót gây tổn thất về hàng hóa của người chuyên chở. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ cung cấp thông tin về Khiếu nại người chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển. Mời các bạn tham khảo.

Khiếu Nại Người Chuyên Chở Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu Bằng đường Biển
Khiếu Nại Người Chuyên Chở Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu Bằng đường Biển

1. Khiếu nại trong thương mại là gì?

Theo Điều 1 của CISG (Công ước Viên 1980) quy định về trụ sở kinh doanh của các bên tham gia hợp đồng như là tiêu chí để xác định một hợp đồng là hợp đồng thương mại quốc tế. Nếu các bên tham gia ký kết hợp đồng có trụ sở kinh doanh tại các nước khác nhau, khi mà các nước này là thành viên của CISG, hoặc khi quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một nước thành viên CISG.

Hợp đồng mua thương mại quốc tế; còn được gọi là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu, là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế (có yếu tố nước ngoài, có nhân tố nước ngoài). Tính quốc tế của một hợp đồng thương mại quốc tế được hiểu không giống nhau tùy theo quan điểm của từng quốc gia trên thế giới.

Khiếu nại trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là Yêu cầu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên bị thiệt hại đối với bên gây thiệt hại trong thương mại quốc tế.

Theo quy định của pháp luật hầu hết các nước, khiếu nại được xem là bước đầu tiên bắt buộc trong một số lĩnh vực tranh chấp như tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương, tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hóa

Để khiếu nại thành công, bên đi khiếu nại phải tuân thủ một thể thức chặt chẽ sau:

– Người đi khiếu nại phải viết đơn khiếu nại bao gồm 2 vấn đề chính: Lý do đi khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. 

– Gửi đơn khiếu nại kèm với các tài liệu chứng minh: Biên bản giám định, chứng từ hàng hóa, chứng từ bảo hiểm, chứng từ vận tải,…Tài liệu chứng minh, tính toán mức độ tổn thất.

2. Hình thức và thời hạn phát đơn khiếu nại

Khiếu nại phải làm bằng văn bản gồm những số liệu và nội dung về: Tên hàng, số lượng và xuất xứ, địa điểm để hàng, cơ sở khiếu nại, chứng từ vận tải, yêu cầu cụ thể của người mua về việc giải quyết khiếu nại.

Tất cả những chứng từ này đều phải dẫn chiếu đến số hiệu của hợp đồng và số hiệu của chứng từ vận tải có liên quan. Ngày đóng dấu bưu điện tại địa điểm gửi đi được xem là ngày phát đơn khiếu nại.

Trước hết phụ thuộc vào tính chất hành hóa cũng như tương quan của các bên mua bán. Nếu người mua có ưu thế trong quan hệ với người bán, thì thời hạn phát đơn khiếu nại càng dài. 

3. Những trường hợp khiếu nại người chuyên chở

Để biết được trường hợp nào khiếu nại người chuyên chở hàng hóa bằng đường biển thì phải căn cứ vào hợp đồng chuyên chở (hợp đồng thuê tàu chuyến - charter party, vận đơn - bill of lading), điều ước quốc tế, luật quốc gia áp dụng cho hợp đồng và tập quán hàng hải. Trong các văn bản đó quy định nghĩa vụ của người chuyên chở. Nếu người chuyên chở vi phạm nghĩa vụ của mình tức là quyền lợi của người thuê chở bị vi phạm, và người thuê chở có quyền khiếu nại. Có thể tiến hành khiếu nại người chuyên chở trong các trường hợp sau:

- Khi người chuyên chở đưa tàu đến cảng bốc hàng không đúng thời gian quy định: người thuê chở có quyền khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại phát sinh (tiền lưu kho lưu bãi hàng hóa, tiền phạt giao hàng chậm cho người mua theo hợp đồng mua bán).

- Khi người chuyên chở đưa hàng đến cảng dỡ hàng chậm. Thông thường mỗi tuyến đường chuyên chở tàu phải chạy trong một thời gian nhất định. Nếu tàu đến cảng dỡ hàng chậm so với khoảng thời gian đó thì người nhận hàng có quyền khiếu nại người chuyên chở. Vấn đề này được quy định cụ thể trong Điều 5 Công ước Hamburg 1978.

- Khi người chuyên chở giao hàng thiếu số lượng, trọng lượng. Nếu người chuyên chở giao hàng ít hơn số lượng ghi trong vận đơn, hoặc trọng lượng các bao kiện thiếu hụt mà có dấu hiệu không nguyên đai kẹp chì thì người nhận hàng hoàn toàn có quyền khiếu nại đòi bồi thường.

- Khi hàng bị hư hỏng, giảm sút phẩm chất mà nguyên nhân gây ra thuộc lỗi của người chuyên chở, ví dụ, do việc chất xếp hàng không đảm bảo về mặt thương mại, do không chăm sóc, bảo quản hàng hóa trong hành trình.

- Các trường hợp khác như hàng bị đổ vỡ, hư hỏng, bị ướt, bẩn

Cần lưu ý rằng trong quá trình khiếu nại người chuyên chở hàng hóa bằng đường biển hai bên đương sự bị chi phối bởi nguyên tắc suy đoán trách nhiệm. Nội dung của nguyên tắc suy đoán trách nhiệm bao gồm hai giai đoạn:

- Ở cảng hàng sau khi xếp hàng lên tàu, nếu thuyền trưởng cấp vận đơn hoàn hảo thì người chuyên chở chịu trách nhiệm về trạng thái bên ngoài của hàng hóa cho đến khi dỡ hàng xong ở cảng dỡ hàng. Nếu thuyền trưởng có ghi bảo lưu trong vận đơn thì người chuyên chở được hưởng suy đoán không chịu trách nhiệm nhiệm về hư hỏng hàng hóa sau này do những nguyên nhân như đã ghi trong điều khoản bảo lưu gây nên.

- Ở cảng khi nhận hàng, nếu người nhận hàng không có thông báo gì cho người chuyên chở về mất mát hư hỏng hàng hóa thì người chuyên chỗ hưởng suy đoán là giao hàng đúng như vận đơn. Sau này người nhận hàng muốn quy trách nhiệm cho người chuyên chở thì phải chứng minh lỗi của người chuyên chở. Nếu người nhận hàng có thông báo kịp thời cho người chuyên chở về tổn thất hư hỏng hàng hóa thì người chuyên chở bị suy đoán là phải chịu trách nhiệm, muốn thoát trách nhiệm người chuyên chở phải chứng minh là mình không có lỗi.

4. Hồ sơ khiếu nại người chuyên chở

Hồ sơ khiếu nại người chuyên chở gồm đơn khiếu nại và các chứng từ kèm theo làm bằng chứng. Đơn khiếu nại phải được làm bằng văn bản. Nội dung đơn khiếu nại bao gồm: tên, địa chỉ của bên bị khiếu nại và bên khiếu nại, số hợp đồng (nếu thuê tàu chuyến), số vận đơn, số lượng hàng hóa bị khiếu nại, khiếu nại vấn đề gì (mất mát, hay tổn thất do đổ vỡ, hư hỏng) và lý lẽ, yêu sách đòi bồi thường bao nhiêu.

Chứng từ kèm theo đơn khiếu nại bao gồm:

- Hợp đồng chuyên chở chuyến, hoặc trích sao những điều khoản có liên quan của hợp đồng đó.

- Vận đơn đường biển. Vận đơn xác nhận hợp đồng chuyên chở, xác nhận số lượng hàng, tên tàu, tên người chuyên chở, ngày tàu rời cảng bốc hàng...

- Biên bản kết toán (report on receipt of cargo). Biên bản kết toán được lập ra giữa người nhận hàng (ở nước ta là cảng) và thuyền trưởng sau khi đã dỡ hàng xong toàn bộ. Biên bản này xác nhận số lượng hàng thực tế mà thuyền trưởng đã giao cho người nhận ở cảng dỡ.

- Giấy chứng nhận hàng thiếu (certificate of short - landed cargo) thường do công ty đại lý tàu biển cấp cho người nhận hàng.

- Biên bản hàng đổ vỡ, hư hỏng (cargo outturn report). Biên bản này được lập giữa người nhận (hoặc cảng) với thuyền trưởng sau khi dỡ xong hàng khi thấy hàng bị đổ vỡ, hư hỏng, ướt bẩn. Trong biên bản xác nhận bao nhiêu kiện, bao bì đổ vỡ hư hỏng và xác định tổn thất thực tế là bao nhiêu. Nếu biên bản hàng đổ vỡ hư hỏng chỉ ghi số lượng bao kiện thì sau đó người nhận hàng phải mời công ty giám định đến làm biên bản giám định xác nhận cụ thể mức độ tổn thất thực tế của số bao kiện đổ vỡ hư hỏng.

- Biên bản giám định sắp xếp hàng trong hầm tàu: được lập khi mở hầm hàng phát hiện hàng được chất xếp lung tung, có nhiều kiện đã đổ vỡ, hư hỏng, hàng mất mùi, mốc bẩn v.v... Biên bản này do người nhận hàng (cảng) và thuyền trưởng lập đối tịch hoặc do giám định viên được người nhận hàng mời đến lập.

- Thư dự kháng (letter of reservation) để chứng minh rằng người nhận hàng đã có thông báo có tổn thất không rõ rệt cho người chuyên chở.

- Biên bản giám định tổn thất theo thư dự kháng xác định mức tổn thất thực tế của hàng hóa là bao nhiêu.

Tùy theo từng trường hợp khiếu nại mà cần nhiều hay ít chứng từ khiếu nại. Chẳng hạn, khiếu nại người chuyên chờ về thiếu số lượng thì cần vận đơn đường biển, biên bản kết toán và giấy chứng nhận hàng thiếu.

Khi nhận hàng từ tàu tại cảng dỡ hàng, nếu thấy hàng bị mất mát, đổ vỡ hư hỏng thì người nhận hàng phải làm biên bản đối tịch và thư dự kháng. Làm biên bản đối tịch và thư dự kháng có nghĩa là bước đầu người nhận hàng đã ràng buộc trách nhiệm của người chuyên chở đối với mất mát, đổ vỡ hư hỏng hàng hóa.

Biên bản đối tịch là biên bản kết toán, biên bản hàng đổ vỡ hư hỏng, biên bản giám định hầm tàu.

Thư dự kháng là một thông báo về tổn thất hàng hóa không rõ rệt do người nhận hàng ký gửi cho người chuyên chở. Thư dự kháng thường phải làm ngay sau khi dỡ hàng xong ở cảng đến. Theo công ước Brucxen 1924 thì phải làm thư dự kháng trong vòng 3 ngày kể từ ngày dỡ hàng xong (Điều 3). Theo Điều 19 Công ước Hamburg 1978 thời hạn làm thư dự kháng là 15 ngày kể từ ngày hàng đã được giao cho người nhận hàng.

Trên đây là tất cả thông tin về Khiếu nại người chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển mà Công ty Luật ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo