Hiện nay bạn có thể khai báo căn cước công dân online tại nhà giúp giảm bớt thời gian chờ đợi, di chuyển khi đến Cơ quan công an để làm thẻ căn cước công dân gắn chip. Đặc biệt trong bối cách dịch Covid 19 kéo dài, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng cao, việc khai báo làm căn cước công dân tại nhà sẽ hạn chế phần nào được rủi ro lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong bài viết dưới đây Luật ACC rất hân hạnh được hướng dẫn các bạn cách khai báo làm căn cước công dân online trên điện thoại và máy tính cực kỳ đơn giản và nhanh chóng.
1. Các cách khai báo làm căn cước công dân online
Lưu ý: Bạn cần kiểm tra lại để biết Cơ quan công an tại khu vực của bạn đã cho phép thực hiện thủ tục đăng ký làm căn cước công dân online hay chưa nhé.
1.1. Khai báo căn cước công dân online qua Zalo
Nếu Cơ quan công an tại khu vực của bạn đã có tài khoản Zalo và cho phép người dân đăng ký thì hãy thực hiện các bước sau:
Bước 1. Cập nhật ứng dụng Zalo lên phiên bản mới nhất trên điện thoại của bạn.
Bước 2: Bạn truy cập ứng dụng Zalo > Chọn thanh tìm kiếm (trên cùng màn hình) > Nhập tên trang Công an của khu vực bạn (nơi bạn làm căn cước công dân)
Bước 3: Sau khi truy cập vào trang Công an quận/huyện > Bạn nhấn vào biểu tượng Quan tâm >
Bước 4. Chọn ô Thủ tục (dưới cùng bên trái) > Chọn Cấp căn cước công dân > Điền đầy đủ thông tin vào tờ khai điện tử
Bước 5: Chọn ngày nộp hồ sơ trực tiếp > Nhập mã xác nhận
1.2. Khai báo căn cước công dân online qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Bước 1: Đầu tiên bạn hãy truy cập vào trang web của Cổng dịch vụ công quản lý cư trú của nhà nước “Cổng dịch vụ công quản lý cư trú”
Sau đó, bạn hãy chọn vào mục Căn cước công dân (phía dưới bên phải) để bạn có thể bắt đầu đăng ký làm Căn cước công dân online.
Bước 2: Hãy đăng nhập vào tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia của bạn để đăng nhập vào cổng thông tin này và rồi ở màn hình xác nhận đăng nhập tiếp theo thì bạn sẽ nhận được mã xác nhận.
(Lưu ý: Nếu chưa có có tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia bạn có thể đăng ký ngay bằng số điện thoại của mình – yêu cầu số điện thoại đăng ký phải là số điện thoại chính chủ của bạn đã được đăng ký)
Bước 3: Chọn Thủ tục hành chính. Để đăng ký làm căn cước công dân thì bạn hãy chọn vào mục Cấp thẻ Căn cước công dân và chọn lý do thực hiện, ở mục này tùy theo tình trạng hiện tại của bạn mà bạn có thể chọn cho phù hợp. Sau khi hoàn tất bấm Tiếp tục.
Bước 4: Chọn Cấp thực hiện > Cấp tỉnh là phù hợp nhất với nhiều người. Tại mục Cơ quan thực hiện thì bạn hãy chọn cơ quan công an nơi tỉnh bạn ở hoặc các cơ quan khác nếu bạn chọn mục khác rồi ấn vào Tiếp tục sau khi chọn xong.
Bước 5: Tiếp đến là thông tin ở Phiếu yêu cầu, hãy kiểm tra thật kĩ các thông tin được lấy từ dữ liệu công dân Quốc gia.
Sau khi chắc chắn rẳng các thông tin của bạn là chính xác > chọn ô Tôi xin cam đoan những thông tin kê trên tờ khai là đúng sự thật > Chọn Tiếp tục
Bước 6: Chọn ngày Đăng ký thu nhận thông tin căn cước công dân (Đây là ngày bạn trực tiếp đến cơ quan công an để nộp hồ sơ, hoàn thiện thủ tục đăng ký làm căn cước công dân gắn chip) > Chọn Tiếp tục.
Bước 7: Đọc và xác nhận thông tin một lần nữa sau đó bạn sẽ được cấp một mã hồ sơ, hãy đọc kĩ và bấm vào Tiếp tục.
Bước 8: In ra hoặc lưu về giấy hẹn hiện trên màn hình để khi đến cơ quan công an làm căn cước công dân vào đúng ngày đăng ký thì bạn sẽ trình ra để được cơ quan công an hỗ trợ làm căn cước công dân một cách nhanh nhất.
2. Cấp đổi, cấp lại căn cước công dân online
2.1. Trường hợp đang sử dụng Chứng minh nhân dân
Căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 về chứng minh nhân dân
- Các trường hợp phải làm thủ tục đổi chứng minh nhân dân bao gồm:
“a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
- b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
- c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.”
- Trường hợp phải làm thủ tục cấp lại: mất Chứng minh nhân dân
2.2. Trường hợp đang sử dụng Căn cước công dân mã vạch hoặc Căn cước công dân gắn chip
Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định như sau:
“1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2.Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.”
Như vậy người dân được cấp đổi thẻ căn cước công dân vào năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi (trừ trường hợp người dân đã được cấp, đổi, cấp lại trong vòng 2 năm trước tuổi quy định)
Bên cạnh đó Điều 23 quy định các trường đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
“a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.”
Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
“a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.”
Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân online
Thực hiện tương tự như việc khai báo làm căn cước công dân online mà Luật ACC đã hướng dẫn phía trên.
3. Giải đáp những câu hỏi thường gặp về căn cước công dân gắn chip
Câu hỏi 1: Lệ phí để cấp mới, cấp đổi căn cước công dân gắn chip
Trả lời: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó mức thu lệ phí cấp Căn cước công dân từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022 Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Câu 2: Có được trang điểm khi đi làm căn cước công dân không ?
Trả lời: Hiện nay không có quy định nào cấm người dân trang điểm khi đi làm căn cước công dân. Tuy nhiên, trên thực tế khi đi làm căn cước công dân người dân nên mặc áo sơ mi sáng màu (tại một số điểm làm căn cước công dân ở địa phương được trang bị sẵn áo trắng dài tay, có cổ áo cho người dân khi chụp ảnh làm căn cước công dân), trang điểm nhạt hoặc không trang điểm… để dễ dàng cho việc đối chiếu, nhận diện khi thực hiện các thủ tục liên quan đến Căn cước công dân gắn chíp sau này.
Câu 3: Làm căn cước công dân đã lâu nhưng vẫn chưa nhận được thẻ
Trả lời: Thời gian vừa qua, do số lượng người làm Căn cước công dân quá lớn dẫn đến thời gian trả thẻ bị ảnh hưởng. Từ ngày 01/01/2021 – 01/07/2021, cả nước có hơn 50 triệu hồ sơ đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh/thành phố nên việc trả thẻ cũng bị chậm trễ.
Luật ACC đã có bài viết hướng dẫn bạn đọc 04 cách tra cứu/phản hồi về tiến độ làm căn cước công dân nhanh chóng nhất. Quý bạn đọc vui lòng tham khảo bài viết “Hướng dẫn cách kiểm tra căn cước công dân làm xong chưa”
Câu 4: Các loại giấy tờ tuỳ thân có cùng hiệu lực
Trả lời: Hiện nay đang tồn tại 4 loại giấy tờ tùy thân của công dân cùng hiệu lực sử dụng, bao gồm: chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch, Căn cước công dân gắn chíp (mẫu ban hành mới nhất được triển khai và áp dụng trên phạm vi toàn quốc)
Câu 5: Thẻ căn cước công dân gắn chip sai thông tin
Trả lời: Căn cước công dân gắn chip có liên quan mật thiết đến mọi giấy tờ quan trọng của người dân như: Hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, thông tin khai thuế, thẻ bảo hiểm y tế,... Nếu một trong những thông tin cá nhân trên căn cước công dân của bạn bị sai, bạn cần liên hệ để được sửa đổi ngay.
Theo khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 có nêu rõ, khi có bất kì thông tin sai sót nào trên thẻ căn cước công dân người dân cần thực hiện thủ tục đổi thẻ căn cước công dân (Luật ACC đã hướng dẫn ở trên)
Câu 6: Làm căn cước công dân gắn chip có ảnh hưởng gì đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không? Nếu có thì thực hiện việc điều chỉnh như thế nào?
Trả lời: Việc điều chỉnh thông tin số chứng minh nhân dân được thực hiện với CMND 9 số, cụ thể:
Bước 1. Lập hồ sơ gồm mẫu tờ khai TK1-TS và bảng kê thông tin (mẫu D01-TS) và những giấy tờ khác tùy thuộc vào từng trường hợp theo quy định tại Quyết định 222/QĐ-BHXH ngày 25/02/2021.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Bước 3. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định pháp luật.
Bước 4. Nhận kết quả giải quyết gồm sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra: CMND 12 số, căn cước công dân có mã vạch khi chuyển sang căn cước công dân gắn chíp không làm thay đổi số. Trên thực tế, số trên CCCD gắn chip với số trên CCCD mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ.
Tương tự, sau khi được cấp CCCD gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số CCCD trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.
Câu 7: Tính bảo mật trong thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử
Trả lời: Theo Bộ Công An “Chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.
Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.”
Câu 8: Có thể làm căn cước công dân ở nơi tạm trú được không?
Trả lời: Về nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân như sau:
Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA “Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân”
Điều 13 Thông tư 59/2021/TT-BCA “ Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện, cấp tỉnh bố trí nơi thu nhận và trực tiếp thu nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương mình.”
Như vậy, công dân có thể yêu cầu cấp căn cước công dân tại nơi thường trú hoặc tạm trú.
4. Câu hỏi thường gặp
Đang làm thủ tục ly hôn điền tờ khai làm CCCD online thế nào?
Theo quy định, có 3 tình trạng hôn nhân: Chưa kết hôn, đã kết hôn hoặc đã ly hôn.
Đối với trường hợp đang làm thủ tục ly hôn thì ngay tại thời điểm kê khai, nếu như Bản án ly hôn hay Quyết định công nhận thuận tình ly hôn chưa có hiệu lực thì vẫn được xác định là đã kết hôn.
Theo tôn giáo khác với giấy khai sinh thì điền tờ khai làm CCCD online thế nào?
Tôn giáo của công dân được xác định theo Giấy khai sinh hoặc nếu có thay đổi thì xác định theo giấy tờ chứng nhận dân tộc, tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp, công dân điền tôn giáo khác với giấy khai sinh nếu thì phải có giấy tờ chứng minh theo quy định.
Ví dụ: một số công dân theo Phật giáo thắc mắc vì sao khi đăng ký tờ khai ghi mục này là Phật giáo nhưng không được chấp nhận.
Theo phía Hội đồng Trị sự của Giáo Hội đã có Công văn 52/HĐTS-VP1 hướng dẫn về vấn đề này, nếu như mục này ghi khác với nội dung Giấy khai sinh, thì cần phải có Giấy chứng nhận Quy y Tam Bảo hoặc Giấy chứng nhận Phật tử…
Tương tự như đối với các tôn giáo khác cũng vậy.
Có được nhờ người khác điền hộ tờ khai làm CCCD online không?
Người đến làm thủ tục không biết chữ hoặc không thể tự kê khai được thì có thể nhờ người khác kê khai hộ theo lời khai của mình. Người kê khai hộ phải ghi “Người viết hộ”, kê khai trung thực, ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về việc kê khai hộ đó.
Điền thông tin vào tờ khai Căn cước công dân (mẫu CC01) như thế nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Thông tư 66/2015/TT-BCA (được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 6, khoản 3 Điều 1 Thông tư 41/2019/TT-BCA và bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 41/2019/TT-BCA)
Trên đây là hướng dẫn của Công ty Luật ACC các cách khai báo căn cước công dân online 2022 nhanh và đơn giản nhất. Hãy để lại câu hỏi của bạn và chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc về căn cước công dân hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý nào khác.
Công ty Luật ACC tự hào là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, thủ tục giấy tờ cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp trên Toàn quốc với hệ thống văn phòng tại các thành phố lớn và đội ngũ cộng tác viên trên tất cả các tỉnh thành: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng và Đồng Nai. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tư vấn: 1900.3330
Zalo: 084.696.7979
Fanpage: ACC Group - Đồng Hành Pháp Lý Cùng Bạn
Mail: [email protected]
Trân trọng !
Nội dung bài viết:
Bình luận