Theo thống kê, lĩnh vực đường thủy nội địa của nước ta được đánh giá có tỷ trọng vận chuyển hàng hóa xếp trong tốp đầu của thế giới, với việc đảm nhiệm tới ¾ lưu lượng vận tải trong nước. Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa ngày càng phát triển mạnh mẽ, vậy để tham gia vào lĩnh vực này, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần phải thực hiện những thủ tục và quy định ra sao?
Người kinh doanh vận tải là người vận tải giao kết hợp đồng vận tải hàng hóa với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hóa mà có thu cước phí vận tải.
Hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa được hiểu là bất cứ tài sản nào, kể cả công-ten-nơ, ván sàn, tấm nâng hàng, vật liệu chèn lót hàng hóa hay công cụ vận chuyển, đóng gói tương tự khác mà không do tổ chức, cá nhân vận tải cung cấp.
Bao, kiện chứa hàng hóa phải đúng quy cách và tiêu chuẩn; đủ độ bền; có ký hiệu, mã hiệu, trọng lượng, kích thước rõ ràng; bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải, xếp, dỡ.
1. Thủ tục kinh doanh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa
Người kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa nội địa thực hiện hoạt động vận tải hàng hóa thông qua hợp đồng vận tải hàng hóa. Trong đó, hợp đồng vận tải hàng hóa là sự thỏa thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, trong đó xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Hợp đồng vận tải được lập thành văn bản hoặc theo các hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.
Ngoài ra còn bao gồm giấy gửi hàng hóa và giấy vận chuyển.
- Giấy gửi hàng hóa là bộ phận của hợp đồng vận tải do người thuê vận tải lập và gửi cho người kinh doanh vận tải trước khi giao hàng hóa.
- Giấy gửi hàng hóa có thể lập cho cả khối lượng hàng hóa thuê vận tải hoặc theo từng chuyến do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.
- Giấy gửi hàng hóa phải ghi rõ loại hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, trọng lượng hàng hóa; nơi giao hàng hóa, nơi nhận hàng hóa; tên và địa chỉ của người gửi hàng; tên và địa chỉ của người nhận hàng; những yêu cầu khi xếp, dỡ, vận tải hàng hóa.
- Giấy vận chuyển là chứng từ giao nhận hàng hóa giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.
- Giấy vận chuyển do người kinh doanh vận tải lập sau khi hàng hóa đã xếp lên phương tiện và phải có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải Ủy quyền.
- Giấy vận chuyển phải ghi rõ loại hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, trọng lượng hàng hóa; nơi giao hàng hóa, nơi nhận hàng hóa; tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải thỏa thuận ghi vào giấy vận chuyển; xác nhận của người kinh doanh vận tải về tình trạng hàng hóa nhận vận tải.
2. Quy định về vận tải hàng hóa đường thủy nội địa
Chủ phương tiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba.
Trong quá trình kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, người kinh doanh phải lưu ý về các quyền và nghĩa vụ của mình như sau:
Nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa
- Lập giấy vận chuyển theo mẫu sau khi hàng hóa đã xếp xong xuống phương tiện.
- Vận tải hàng hóa đến điểm đến và bảo đảm thời gian vận tải theo hợp đồng đã ký với người thuê vận tải.
- Các nghĩa vụ khác: Cung cấp phương tiện đúng loại, đúng địa điểm; bảo quản hàng hóa trong quá trình vận tải và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; Thông báo cho người thuê vận tải biết thời gian phương tiện đến cảng, bến và thời gian phương tiện đã làm xong thủ tục vào cảng, bến. Thời điểm thông báo do các bên thỏa thuận trong hợp đồng; Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện; Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng toàn bộ hoặc một phần hàng hóa xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ một số trường hợp được miễn bồi thường theo quy định.
Quyền của người kinh doanh vận tải hàng hóa
- Yêu cầu người thuê vận tải hàng hóa mở bao, kiện để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại hàng hóa.
- Từ chối vận tải những bao, kiện chứa hàng hóa không đủ điều kiện theo quy định và các loại hàng hóa bị cấm vận chuyển.
- Yêu cầu trả tiền lưu hàng hóa trên phương tiện do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng gây ra.
- Các quyền khác theo quy định: Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của các thông tin đó; Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng; Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng; Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết; Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng
Thời gian vận tải một chuyến tính từ khi hàng hóa được xếp xong xuống phương tiện, người thuê vận tải hoàn chỉnh đầy đủ hóa đơn và các giấy tờ khác có liên quan đến hàng hóa và giao cho người kinh doanh vận tải, người kinh doanh vận tải lập giấy vận chuyển có xác nhận của người thuê vận tải đến khi phương tiện đến nơi trả hàng hóa, người kinh doanh vận tải đã hoàn tất các thủ tục vào cảng, bến và người thuê vận tải đã nhận được thông báo của người kinh doanh vận tải phương tiện đến cảng, bến.
Đặc biệt, đối với vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng, người kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa phải xin phê duyệt phương án vận tải riêng.
3. Thủ tục phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Chi Cục Đường thủy nội địa khu vực (đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng thủy nội địa và hành trình trên tuyến đường thủy liên tỉnh), Sở Giao thông vận tải (đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng thủy nội địa và hành trình trên tuyến đường thủy nội địa nội tỉnh), Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục Hàng hải (đối với phương tiện thủy nội địa rời bến cảng biển).
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa theo mẫu;
- Phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ;
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng theo mẫu và gửi cho tổ chức, cá nhân để thực hiện.
Bước 3: Trả kết quả
- Trường hợp đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền thực hiện phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
- Trường hợp không phê duyệt phương án phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
- Tổ chức, cá nhân không phải nộp phí, lệ phí đối với việc phê duyệt phương án vận tải.
Nội dung bài viết:
Bình luận