Khu bay là một bộ phận vô cùng quan trọng đối với cảng hàng không, sân bay. Để thực hiện kinh doanh dịch vụ khai thác đối với phần sân bay này, các đơn vị kinh doanh phải đáp ứng các thủ tục, tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe nhằm đảm bảo việc khai thác và sử dụng an toàn, hiệu quả.
Khu bay là phần sân bay dùng cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và lăn, trong đó bao gồm cả khu cất hạ cánh và các sân đỗ tàu bay.
Để kinh doanh dịch vụ khai khác khu bay, tổ chức, cá nhân cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận về việc được phép khai thác khu bay.
Thủ tục được pháp luật quy định như sau:
1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận khai thác khu bay
Bước 1: Tổ chức được giao quản lý, khai thác khu bay gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay theo mẫu;
- Tài liệu khai thác sân bay.
Bước 2: Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định tài liệu khai thác sân bay, bao gồm các nội dung sau:
- Các yếu tố bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, tiêu chuẩn dịch vụ;
- Việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của sân bay theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của ICAO;
- Danh mục không đáp ứng (nếu có);
- Kiểm chứng các điều kiện thực tế của sân bay đối với tài liệu khai thác.
Bước 3: Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp cho người đề nghị.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận khai thác khu bay, tổ chức thực hiện hoạt động việc khai thác, tuy nhiên, trong thực tiễn đi vào hoạt động, đơn vị khai thác cần lưu ý một số điều kiện sau đây:
2. Các điều kiện cần đáp ứng khi kinh doanh dịch vụ khai thác khu bay
Hệ thống quản lý an toàn sân bay:
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm về điều phối chung, bảo đảm an toàn, liên tục, đồng bộ đối với hoạt động khai thác sân bay; bảo đảm đầy đủ số lượng nhân lực đáp ứng về trình độ kỹ thuật để bảo đảm hoạt động khai thác bình thường của sân bay; thực hiện công tác quản lý chướng ngại vật hàng không tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay theo quy định.
Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải thiết lập và triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn sân bay, bao gồm các nội dung chính sau đây:
-
- Mục tiêu và chính sách an toàn khai thác sân bay;
- Phạm vi áp dụng của hệ thống quản lý an toàn; cơ cấu tổ chức của hệ thống quản lý an toàn tại sân bay;
- Biện pháp bảo đảm an toàn; quản lý nguy cơ rủi ro an toàn; hệ thống báo cáo về công tác an toàn;
- Công tác huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại về an toàn.
- Hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ theo hệ thống quản lý an toàn sân bay đã được phê duyệt.
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay ban hành quy tắc, tổ chức phổ biến và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hàng không tại sân bay; phát hiện các vụ việc vi phạm và chuyển giao cho Cảng vụ hàng không xử lý theo quy định.
3. Hệ thống nhân sự bảo đảm khai thác của người khai thác cảng hàng không, sân bay
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải đảm bảo hệ thống nhân sự đầy đủ để đáp ứng các điều kiện khai thác thực tế và thực hiện được các quy định về an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ.
- Hệ thống nhân sự chủ chốt của người khai thác cảng hàng không, sân bay bao gồm: giám đốc cảng hàng không, sân bay; vị trí phụ trách khai thác cảng hàng không, sân bay; vị trí phụ trách an toàn hàng không; vị trí phụ trách an ninh hàng không.
- Danh sách nhân sự chủ chốt phải được nêu rõ trong tài liệu khai thác sân bay.
- Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách khai thác sân bay phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tốt nghiệp Đại học;
- Có ít nhất 05 (năm) năm công tác liên tục đối với cảng hàng không quốc tế và 03 (ba) năm công tác liên tục đối với cảng hàng không, sân bay nội địa trong các lĩnh vực quản lý hoạt động bay, quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc an toàn hàng không;
- Được đào tạo, huấn luyện về thiết kế và khai thác sân bay, quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất phục vụ tàu bay.
- Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách an toàn hàng không phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tốt nghiệp Đại học;
- Có ít nhất 05 (năm) năm công tác liên tục đối với cảng hàng không quốc tế và 03 (ba) năm công tác liên tục đối với cảng hàng không, sân bay nội địa trong các lĩnh vực quản lý hoạt động bay, quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc an toàn hàng không;
- Được đào tạo, huấn luyện về thiết kế và khai thác sân bay, hệ thống quản lý an toàn hàng không.
- Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách an ninh hàng không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về an ninh hàng không.
4. Bảo đảm hoạt động khai thác tại khu bay
- Kiểm soát và giảm thiểu tác hại của chim, động vật hoang dã, vật nuôi
- Kiểm soát các thiết bị chiếu sáng ảnh hưởng đến hoạt động bay
- Quản lý chướng ngại vật hàng không: thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn của ICAO.
- Thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện
- Việc bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay thực hiện theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay, phòng, chống dịch bệnh lây lan qua đường hàng không, tuân theo các chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Việc xây dựng các công trình quảng cáo phải tuân thủ quy hoạch được phê duyệt, quy định của pháp luật về quảng cáo; quy định của pháp luật về xây dựng công trình tại cảng hàng không, sân bay; quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo.
Nội dung bài viết:
Bình luận