Khi nhắc tới hợp đồng xác định thời hạn, có thể hiểu ngay đó chính là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vấn đề này được pháp luật quy định như thế nào, khác gì so với trước kia? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Hợp đồng xác định thời hạn (Cập nhật 2023)
1. Trước kia có những loại hợp đồng lao động nào?
Tại Bộ luật lao động 2012, có 03 loại hợp đồng lao động gồm:
- Hợp đồng không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- Hợp đồng xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Hiện nay có những loại hợp đồng lao động nào?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 02 loại sau đây:
(1) Hợp đồng không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
(2) Hợp đồng xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
3. Hết thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn giải quyết như thế nào?
Khi hết thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn, một là sẽ chấm dứt không làm việc nữa, thanh lý hợp đồng lao động; hai là người lao động vẫn tiếp tục làm việc. Khi người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
- Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ các trường hợp sau:
+ Hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước
+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ cao tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 BLLĐ 2019.
+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019.
+ Trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
4. Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần?
Từ quy định trên có thể thấy, hợp đồng lao động xác định thời hạn thông thường chỉ được ký tối đa 02 lần.
Tuy nhiên căn cứ điểm c khoản 2 Điều này, trong các trường hợp sau đây các bên có thể ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn:
- Người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;
- Sử dụng người lao động cao tuổi;
- Sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
5. Có thể “lách luật” về thời hạn hợp đồng xác định thời hạn không?
Trước đây, một số doanh nghiệp đã “lách luật” bằng cách ký phụ lục hợp đồng lao động để thay đổi thời hạn hợp đồng lao động. Tuy nhiên, với quy định mới tại khoản 2 Điều 22 BLLĐ năm 2019, phụ lục hợp đồng lao động được quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
6. Cố tình ký hợp đồng xác định thời hạn quá số lần quy định xử phạt thế nào?
Nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP với lỗi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt như sau:
- Phạt từ 02 - 05 triệu đồng: Vi phạm từ 01 - 10 người lao động;
- Phạt từ 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm từ 11 - 50 người lao động;
- Phạt từ 10 - 15 triệu đồng: Vi phạm từ 51 - 100 người lao động;
- Phạt từ 15 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 101 - 300 người lao động;
- Phạt từ 20 - 25 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc phải giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động theo quy định.
Trên đây là những nội dung giải đáp về Hợp đồng xác định thời hạn, đặc biệt là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Nếu cần giúp đỡ gì, hãy liên hệ với ACC để được hỗ trợ!
Nội dung bài viết:
Bình luận