Các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp

Giải thể là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị giải thể khi công ty kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Hay do công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Vậy Các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp là gì? Hãy cùng ACC tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp
Các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp

1. Giải thể doanh nghiệp là gì? Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật thì giải thể doanh nghiệp được hiểu là thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh của công ty. Điều 207 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

2. Về các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp

Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau đây:

– Cất giấu, tẩu tán tài sản: Đây là những hành động nhằm mục đích tạo ra các giao dịch giả để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp được phép giải thể là doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ chưa hoàn thành theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, có một số doanh nghiệp, cho tới thời điểm thực hiện giải thể doanh nghiệp mới nhận thấy sự khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Do vậy, để tránh việc doanh nghiệp trốn tránh các khoản nợ hoặc nhằm các mục đích bất chính khác, pháp luật cấm doanh nghiệp cất giấu, tẩu tán tài sản kể từ thời điểm quyết định giải thể doanh nghiệp.

– Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ: Quyền đòi nợ là quyền yêu cầu trả nợ. Về cơ bản, quyền đòi nợ là tài sản, đối tượng của quyền đòi nợ là khoản tiền sẽ được thanh toán vào một thời điểm nhất định. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp đã hoàn thành hết các nghĩa vụ và đang có một số đối tác còn nợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xóa hoặc giảm nợ để chấm dứt hợp đồng với đối tác nhằm hoàn tất việc giải thể thì sẽ vi phạm pháp luật. Hành vi này khiến tài sản doanh nghiệp bị suy giảm, đồng thời làm mất đi sự công bằng giữa các chủ nợ.

– Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp: Cần lưu ý rằng, khác với nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm không có tài sản thế chấp để hỗ trợ, nên độ rủi ro đối với người cho vay cao hơn so với nợ có bảo đảm. Phòng trường hợp doanh nghiệp ra quyết định giải thể doanh nghiệp mà không trả được nợ cho tổ chức, cá nhân cho vay, thì phía cho vay có thể khởi kiện để thu nợ.

– Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp: Ký kết hợp đồng là quá trình thương lượng để đạt được sự thỏa thuận giữa các bên, từ đó xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên với nhau. Khi doanh nghiệp đưa ra quyết định giải thể, doanh nghiệp không được phép cam kết, thỏa thuận nhằm phát sinh quyền và nghĩa vụ với bên nào khác. Đây còn là quy định pháp luật nhằm bảo vệ cho các doanh nghiệp khác, tránh vướng phải những rắc rối, phiền hà khi ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp chuẩn bị giải thể doanh nghiệp.

– Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản: Việc này sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp đã quyết định giải thể và tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, việc này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho tổ chức, cá nhân khác.

– Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực: Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp từ khi đưa ra quyết định giải thể doanh nghiệp không được phép ký kết bất cứ hợp đồng nào mới, ngoại trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp. Do vậy, tại thời điểm này, trước khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải hoàn thành nốt những nghĩa vụ trong những hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết trước đó đã có hiệu lực, đồng thời hoàn thành thực hiện các nghĩa vụ mới ký kết trong hợp đồng để giải thể doanh nghiệp.

– Huy động vốn dưới mọi hình thức: Huy động vốn là việc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động để tăng vốn cho công ty, củng cố sức mạnh tài chính duy trì sự hoạt động ổn định, như: nhận thêm vốn góp từ thành viên công ty, chào bán cổ phần... Một khi doanh nghiệp đã đưa ra quyết định giải thể chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp mình, vậy thì doanh nghiệp không còn lý do gì để huy động vốn vì hoạt động của doanh nghiệp mình. Pháp luật quy định cấm doanh nghiệp huy động vốn để tránh việc các chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu, Giám đốc, Chủ tịch... huy động vốn nhằm chuộc lợi bất chính cho mục đích cá nhân.

Việc quy định các hành vi bị cấm nêu trên là nhằm ngăn chặn phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ dẫn đến làm giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời, hạn chế việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản, trốn tránh các nghĩa vụ với các đối tác trong quá trình hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

3. Về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đối với việc giải thể doanh nghiệp

Khoản 2, Khoản 3 Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về trách nhiệm cá nhân đối với tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người nêu trên phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trên đây là Các hoạt động bị cấm sau khi giải thể doanh nghiệp mà ACC muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Hi vọng bài viết sẽ hỗ rợ và giúp ích cho quý bạn đọc về vấn đề này!

 

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo