Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, một tài sản có thể làm tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Vì thế, trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bên cạnh quyền và nghĩa vụ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, còn có trường hợp liên quan đến một hoặc nhiều chủ thể khác. Khi đó sẽ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Cùng ACC tìm hiểu quyền lợi của người thứ ba khi phát sinh hiệu lực đối kháng trong trường hợp sử dụng biện pháp bảo đảm.
Hiệu lực đối kháng với người thứ ba
1. Khái niệm hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Khái niệm hiệu lực đối kháng với người thứ ba lần đầu tiên được đề cập tại Điều 297 BLDS 2015:
“1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Tham khảo Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 - Luật ACC
Tuy nhiên, khi so sánh với BLDS 2005 thì bản chất của quy định này chính là đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, được quy định tại Điều 323: “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký”. Như vậy, trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thì khái niệm Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được hiểu là Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.
Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủ, “nắm giữ tài sản bảo đảm quy định tại khoản này là việc bên nhận bảo đảm trực tiếp quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm hoặc là việc người khác quản lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận bảo đảm vẫn kiểm soát, chi phối được tài sản này”. Tức là, hiệu lực đối kháng với người thứ ba là phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên với bên thứ 3 chiếm giữ tài sản khi xác lập giao dịch đảm bảo, quyền và nghĩa vụ các bên trong giao dịch không chỉ bao gồm hai bên trong giao dịch.
2. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Điều 297 BLDS 2015 quy định: “Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm”. Theo đó, có hai phương thức (hay thời điểm) làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba gồm:
(1) Đăng ký biện pháp bảo đảm và
(2) Nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
BLDS 2015 đã bổ sung thêm phương thức (2) so với BLDS 2005 trước đó chỉ bao gồm phương thức (1). Lưu ý, biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Ví dụ, A (bên bảo đảm) cầm cố laptop thuộc sở hữu của A cho B (bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B. Đây không thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nên thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp này là kể từ thời điểm bên B (bên nhận bảo đảm) nắm giữ chiếc laptop (tài sản bảo đảm) của A.
Tham khảo Cầm cố tài sản là gì? (Cập nhật 2022) - Luật ACC
3. Quyền và lợi ích của bên nhận đảm bảo khi phát sinh nghĩa vụ đối kháng với người thứ ba
Theo khoản 2 Điều 297 BLDS 2015, khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm có các quyền sau:
3.1. Bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm
Bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm khi tài sản bảo đảm đang được bên bảo đảm hoặc bên thứ 3 cầm giữ, nắm giữ tài sản bảo đảm.
Ví dụ: A đã thế chấp Ngân hàng B là 1 chiếc ô tô để đảm bảo khoản vay. Và 2 bên thống nhất về việc đăng ký giao dịch bảo đảm cho tài sản bảo đảm của A. Tới thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà hiện tại bên A không sử dụng trực tiếp mà đưa cho C thuê xe ôtô đó thì Ngân hàng B có quyền yêu cầu C giao chiếc xe đó lại cho Ngân hàng B.
3.2. Bên nhận bảo đảm được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của BLDS 2015 và luật khác có liên quan
Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm tại Điều 308 BLDS:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và có đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và có đăng ký giao dịch bảo đảm. Giá trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ. Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi giao dịch với B được xác lập hiệu lực đối kháng trước.
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và có đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và không đăng ký giao dịch bảo đảm. Giá trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ .Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi giao dịch A là giao dịch có hiệu lực đối kháng với người thứ 3
c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và không đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và cũng không đăng ký giao dịch bảo đảm. Giá trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp này không có phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi B xác lập biện pháp bảo đảm trước.
Tham khảo Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân ...
4. Trường hợp phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba
BLDS hiện hành quy định 9 biện pháp bảo đảm nhưng chỉ có 4 biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba đó là: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Bảo lưu quyền sở hữu; Cầm giữ tài sản.
Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Trường hợp biện pháp bảo đảm không phải đăng ký thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm được giao cho người khác quản lý thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh từ thời điểm:
- Bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm;
- Người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược;
- Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược..
5. Câu hỏi liên quan
Khi xử lý tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì căn cứ vào yếu tố nào để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm?
Cơ sở pháp lý: Điều 308 BLDS 2015
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Nhưng thứ tự ưu tiên nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau và Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền theo khoản 2 điều 308 BLDS.
Có thể thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán nếu các cùng nhận bảo đảm?
Thứ tự ưu tiên có thể thay đổi nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau và Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền theo khoản 2 điều 308 BLDS.
Như vậy, để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng phải đáp ứng đủ ba điều kiện: biện pháp bảo đảm đã được xác lập; đối tượng của biện pháp bảo đảm là tài sản; biện pháp bảo đảm đã được đăng ký hoặc bên nhân bảo đảm đã nắm giữ; chiếm giữ tài sản bảo đảm. Hiện nay, việc áp dụng chính xác, toàn diện các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khi phát sinh hiệu lực đối kháng phù hợp với pháp luật của các tổ chức, cá nhân là nhu cầu thiết yếu, giúp các giao dịch hạn chế những rủi ro pháp lý có thể phát sinh.
Nội dung bài viết:
Bình luận