Hiệp định EVFTA là gì? Ý nghĩa, nội dung cơ bản của Hiệp định

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta chắc hẳn không còn xa lạ gì với các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA là gì và vai trò, ý nghĩa của hiệp định này vẫn còn xa lạ. Đây là hiệp địnhđã tác động mạnh mẽ với nền kinh tế của những nước tham gia, trong đó, Việt Nam đón nhận những lợi ích cũng như những thách thức mà Hiệp định EVFTA mang lại.

European Union And Vietnamese Flags Are Seen At The Signing Ceremony Of Eu Vietnam Free Trade Agreement At The Government Office In Hanoi

Hiệp định EVFTA

1. Hiệp định EVFTA là gì?

Hiệp định EVFTA – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là European-Vietnam Free Trade Agreement, viết tắt là EVFTA. Hiệp định EVFTA hay còn được gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, là thỏa thuận được ký kết giữa 28 nước thành viên liên minh châu Âu và Việt Nam.

Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Hiệp định thương mại tự do (FTA) này có thể thúc đẩy nền kinh tế bùng nổ của Việt Nam lên tới 15% GDP, giúp tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng hơn một phần ba. Đối với EU, thỏa thuận này là bước đệm quan trọng cho một thỏa thuận thương mại lớn hơn với các quốc gia ASEAN.

Tham khảo Lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô theo quy định hiện hành

2. Nội dung Hiệp định EVFTA 

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế, chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.

Đối với thương mại dịch vụ và đầu tư

Với hiệp định EVFTA, Việt Nam và các nước EU cam kết tạo ra một môi trường mở, thuận lợi cho hoạt động của hai bên.

Một số lĩnh vực chính hưởng lợi từ hiệp định liên quan đến các dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải.

Đối với thương mại hàng hóa

- Hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định EVFTA được ký kết tương ứng với khoảng 48.5% dòng thuế. Sau hơn 10 năm, mức thuế xóa bỏ khoảng 98.3%. Đối với 1.7% còn lại, chúng ta sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu dài hơn 10 năm và áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

- Ở chiều ngược lại, EU sẽ xóa bỏ 86.5% số dòng thuế áp dụng với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Sau 10 năm, tiến tới xóa bỏ 99,2% dòng thuế, tương ứng với khoảng 99.7% kim nhạc xuất khẩu nước ta. Đối với phần còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với thương mại điện tử

Để đẩy mạnh sự phát triển của thương mại điện tử, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với các giao dịch điện tử thông qua việc đối thoại về các vấn đề quản lý.

Đối với sở hữu trí tuệ

Các cam kết về sở hữu bản quyền, phát minh, sáng chế, dược phẩm và chỉ dẫn địa lý,…

3. Quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA 

Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Tháng 08/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU mới có hiệu lực.

4. Ý nghĩa của Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU. Hợp tác kinh tế-thương mại song phương đã chuyển từ chỗ cơ bản là Việt Nam nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo và chuyển đổi nền kinh tế sang quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các cam kết của một hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới”.

Là hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững, EVFTA sẽ mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó góp phần làm sâu sắc và tạo đan xen lợi ích lâu dài giữa hai bên.

Theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Như vậy, EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích kinh tế rất cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.

5. Câu hỏi thường gặp

Các quy định của Hiệp định EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may như thế nào? 

Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.

Đối với lĩnh vực mua sắm của chính phủ, Hiệp định EVFTA và CPTPP khác nhau như thế nào?

Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, Hiệp định EVFTA và CPTPP khác nhau chủ yếu về diện cam kết. Trong Hiệp định CPTPP, ta chỉ cam kết mở cửa đối với mua sắm của 21 Bộ, ngành trung ương và không cam kết mở cửa đối với mua sắm của các cơ quan cấp địa phương và các tập đoàn, tổng công ty. Tuy vậy, trong Hiệp định EVFTA, ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương. 

Hiệp định EVIPA cần Quốc hội của tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Vậy nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực trước thì sẽ tạo ra những hệ lụy gì đối với việc thực thi hay không?

Sau khi tách ra, Hiệp định EVFTA và EVIPA là hai hiệp định độc lập với nhau. Về nội dung liên quan đến đầu tư, Hiệp định EVFTA chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong khi Hiệp định EVIPA bao gồm bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Do vậy, trong trường hợp hai Hiệp định này có thời điểm hiệu lực khác nhau thì cũng không ảnh hưởng đến việc thực thi các Hiệp định. 

 

Có thể nói, việc ký kết Hiệp định EVFTA là một trong những khoảnh khắc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và EU. Dấu mốc mới chứa đựng những cơ hội hợp tác to lớn song cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung. Cùng với Hiệp định EVFTA chính thức đi vào triển khai, doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường EU cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo