Hạn chế quyền con người theo Hiến pháp 2013 và pháp luật quốc tế

Hạn chế quyền con người là một quy định tiến bộ của Hiến pháp Việt Nam 2013 và pháp luật thế giới. Theo đó, quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật ACC sẽ cung cấp thông tin về Hạn chế quyền con người theo Hiến pháp 2013 và pháp luật quốc tế. Mời các bạn tham khảo.

Quyen La Gi Cac Quyen Co Ban Cua Cong Dan Theo Hien Phap
Hạn chế quyền con người theo Hiến pháp 2013 và pháp luật quốc tế

1. Quyền con người là gì?

Có thể nói rằng ghi nhận rõ ràng, cụ thể quyền con người và có những biện pháp bảo đảm quyền con người là một trong những thành tựu quan trọng của hoạt động lập hiến ở nước ta. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đưa lên Chương 2 của Hiến pháp sau Chương về hệ thống chính trị. Ngoài các quy định về quyền con người, Hiến pháp cũng có những quy định để bảo đảm thực hiện quyền con người. Có thể khái quát nội dung Hiến pháp về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong các điểm cơ bản sau:

Hiến pháp ghi nhận các quyền con người đồng thời quy định các bảo đảm cũng như trách nhiệm của Nhà nước để các quyền đó được thực hiện. Đó là quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

2. Quyền con người trong Hiến pháp 2013

Cùng với việc quy định quyền con người, Hiến pháp cũng quy định những bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Hiến pháp quy định về trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người; Điều 3 đã khẳng định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đi cùng với các quy định về quyền con người, bao giờ cũng có quy định về trách nhiệm của Nhà nước hoặc bảo hộ của pháp luật nhằm thực hiện các quyền đó trên thực tế.

Hiến pháp quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Việc Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân được tổ chức theo cấp xét xử, không quy định Tòa án đặc biệt; quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội; quy định nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân như xét xử công khai, độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử, hai cấp xét xử, tranh tụng trong xét xử… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng.

Đồng thời, Hiến pháp quy định chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ sở Hiến định quan trọng cho việc cụ thể hóa trong luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm để Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 về quyền con người đã có bước phát triển vượt bậc trong tư duy cũng như thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

3. Hạn chế quyền con người theo Hiến pháp 2013

Hiến pháp năm 2013 đã lồng ghép cả hai cách thức về giới hạn quyền là: (1) nguyên tắc chung về giới hạn quyền con người, quyền công dân; (2) quy định một số giới hạn đối với một số quyền cụ thể. Cụ thể, Hiến pháp quy định nguyên tắc chung: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Ngoài ra, Hiến pháp giới hạn đối với một số ít quyền cụ thể (như quy định tại các điều 30, 32, 54, 103) phù hợp với đặc điểm của các quyền này. Xem xét các quy định giới hạn về một số các quyền cụ thể cho thấy, các giới hạn cụ thể được đưa ra phù hợp với nguyên tắc chung đươc ghi nhận tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp. Về cơ bản, các quy định về giới hạn quyền trong Hiến pháp năm 2013 phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Nhiều nội dung cần phải làm rõ để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và minh bạch trong việc áp dụng.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã xác lập nguyên tắc chung về giới hạn quyền khi quy định điều kiện của việc giới hạn là: (i) theo quy định của luật, và (ii) trong các trường hợp cần thiết. 

Như vậy, hạn chế (giới hạn) quyền con người trong trường trường hợp cần thiết có cơ sở Hiến định và luật định và cần tiếp tục xây dựng cơ chế đồng bộ nhằm cụ thể hóa vấn đề này trước hết là các nguyên tắc hạn chế quyền con người sau đó là các quy định cụ thể.

Từ thực tiễn pháp luật, cao nhất là Hiến pháp cũng như khoa học pháp lý cho thấy, ở Việt Nam đang chấp nhận quan điểm tính tương đối của quyền con người. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người cũng có thể  bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Xét về bản chất hạn chế quyền con người là giải quyết sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của người khác và của xã hội. Việc hạn chế quyền con người có thể gây ra hệ quả: (i) xâm phạm đến quyền con người nếu sự hạn chế này nếu phạm vi  của nó quá rộng và thủ tục thiếu chặt chẽ và tùy tiện; (ii) quyền lợi của xã hội, quyền lợi của các nhân khác bị xâm phạm nếu quyền con người không bị hạn chế. Chính vì vậy, việc hạn chế quyền con người phải được thực hiện bằng cơ chế đồng bộ, rõ ràng, vận hành trôi chảy. Việc xây dựng, vận hành cơ chế đó phải dựa trên nền tảng những quan điểm mang tính chất nền tảng, chỉ đạo gọi là các  nguyên tắc vận hành của cơ chế hạn chế quyền con người. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948,  đã quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Cơ chế hạn chế quyền con người chính là cách thức, phương thức mà nhà nước căn cứ vào quy định của Hiến pháp của Luật thực hiện việc hạn chế quyền con người trong các trường hợp nhất định. cơ chế giới hạn quyền con người là hệ thống những phương tiện pháp lý (nguyên tắc, quy định, chế định, hành vi, quan hệ, các thiết chế pháp lý khác…) hay các phương thức được Luật liên bang xác định để thiết lập khuôn khổ, phạm vi hạn chế việc sử dụng quyền con người trong các trường hợp thật cần thiết theo luật định vì mục tiêu bảo vệ quyền, tự do và phẩm giá của con người[1]. Nói đến cơ chế hạn chế quyền con người là nói đến các bộ phận cấu thành của nó gồm: hệ thống các cơ quan thực hiện đặc biệt là tổ chức, thẩm quyền (quyền và nghĩa vụ) của các cơ quan này; hệ thống các nguyên tắc, các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc hạn chế quyền con người; thủ tục, cách thức thực hiện việc hạn chế quyền con người trong những điều kiện và trường hợp Hiến pháp và luật quy định.

4. Pháp luật quốc tế về hạn chế quyền con người

Giới hạn quyền con người đã được quy định trong nhiều điều ước quốc tế về quyền con người. Mặc dù phần lớn các quyền đều có thể giới hạn tuy nhiên theo luật nhân quyền quốc tế vẫn có những quyền tuyệt đối mà các quốc gia không thể đặt ra giới hạn. Do vậy, xác định rõ đâu là quyền tuyệt đối là rất quan trọng để tránh các quyền đều có thể bị giới hạn như nhau. 

Giới hạn quyền con người, quyền công dân là việc Hiến pháp hay văn bản luật của quốc gia có điều khoản hạn chế quyền cho phép nhà nước áp đặt điều kiện đối với việc hưởng thụ hay thực hiện quyền và tự do cá nhân nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp lý của nhà nước, xã hội và của cá nhân khác. Rõ ràng rằng giới hạn quyền cũng là cách thức bảo vệ quyền. 

Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) năm 1966 có quy định tương tự khi dành một điều khoản riêng đề cập giới hạn quyền như là nguyên tắc giới hạn chung áp dụng cho tất cả các quyền trong văn kiện (Điều 29 UDHR, Điều 4 ICESCR). Theo đó, cả hai văn kiện đều đặt ra các điều kiện giới hạn quyền sau: (1) Giới hạn quyền phải được quy định bởi luật (determined by law); (2) những giới hạn đặt ra không trái với bản chất của các quyền (compatible with the nature of these rights); (3) mục đích giới hạn quyền là nhằm công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung; (4) cần thiết trong một xã hội dân chủ (in a democratic society). 

Khác với các văn kiện trên, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966 không có điều khoản riêng về giới hạn quyền, ICCPR khi quy định về từng quyền sẽ có đoạn xác định về điều kiện giới hạn quyền, theo đó, ICCPR gọi những quyền này là quyền tương đối (non absolute rights) bên cạnh những quyền tuyệt đối (absolute rights) sẽ không bị giới hạn hay bị đình chỉ trong bất cứ trường hợp nào (Điều 4 ICCPR.). Cần lưu ý rằng, nếu như giới hạn quyền được áp dụng cả trong những tình huống thông thường, thì đình chỉ quyền (derogration of rights) chỉ được áp dụng trong tình huống đặc biệt là khi có tình trạng khẩn cấp mà đe dọa đến sự sống còn của quốc gia với các yêu cầu, điều kiện được pháp luật quốc tế quy định như đã trình bày ở trên. 

Hầu hết Hiến pháp các quốc gia đều có quy định về nguyên tắc giới hạn quyền bằng một điều khoản cụ thể, trong khi đó, một số Hiến pháp còn quy định thêm những điều kiện giới hạn áp dụng riêng cho một số quyền. Như Hiến pháp của Công hòa Nam Phi năm 1996 – bản Hiến pháp tiến độ nhất trên thế giới với những tuyên ngôn nhân quyền mạnh mẽ, tại Chương II mục 36 đưa ra nguyên tắc giới hạn quyền phải “hợp lý và chính đáng trong một xã hội dân chủ và cởi mở” và phải xem xét một số yếu tố đi cùng (Các yếu tố đi kèm phải tính đến khi giới hạn quyền như: bản chất của quyền; tầm quan trọng của việc giới hạn; bản chất và mức độ của sự giới hạn; mối quan hệ giữa giới hạn và mục đích của nó; các biện pháp ít hạn chế hơn nhưng cũng đạt mục tiêu). Chương 2 cũng thừa nhận sự cần thiết đình chỉ quyền trong tình trạng khẩn cấp, nhưng nó cũng liệt kê một số quyền không bị tạm đình chỉ. Hiến pháp Nga năm 1993 tại Khoản 3 Điều 55 ghi nhận nguyên tắc giới hạn quyền, theo đó quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn bởi pháp luật liên bang trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. Ngoài ra, Hiến pháp Nga còn có những điều khoản ghi nhận việc giới hạn dành cho một số quyền cụ thể như khoản 2 Điều 23 khi quy định rằng việc hạn chế quyền bí mật thư tín, điện thoại và hình thức trao đổi thông tin khác chỉ được phép khi có quyết định của Tòa án. Nhưng Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1982 và Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 lại không có quy định rõ ràng về nguyên tắc giới hạn quyền hay việc tạm đình chỉ quyền.

Trên đây là tất cả thông tin về Hạn chế quyền con người theo Hiến pháp 2013 và pháp luật quốc tế mà Công ty Luật ACC cung cấp tới các bạn đọc giả. Nếu các bạn đọc giả còn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào liên quan đến bài viết hoặc những vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với Công ty Luật ACC để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư và các tác giả. Chúng tôi  luôn sẵn lòng giải đáp thắc mắc của các bạn đọc. Trân trọng!

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo