Bạn đang có mong muốn góp vốn vào hợp tác xã nhưng lại không hiểu rõ về quy định pháp luật về góp vốn vào hợp tác xã. Mời bạn theo dõi bài viết Góp vốn vào HTX theo quy định của Luật HTX 2012 để biết thêm thông tin.
Góp vốn vào HTX theo quy định của Luật HTX 2012
1. Hợp tác xã là gì ? Góp vốn vào hợp tác xã là thế nào ?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật HTX 2012 thì hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của hợp tác xã.
Vốn góp tối thiểu là số vốn mà cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên.
Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Tại sao pháp luật lại quy định về việc góp vốn trong hợp tác xã?
Góp vốn nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã.
Việc góp đủ vốn vào hợp tác xã giúp các thành viên, hợp tác xã thành viên bình đẳng với nhau trong tổ chức, giúp họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một thành viên, hợp tác xã thành viên. Hơn hết, việc góp vốn giúp hợp tác xã có được tài sản để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, quản lý, điều hành.
3. Quy định về góp vốn điều lệ và giấy chứng nhận vốn góp
Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.
Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.
Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.
Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đối với hợp tác xã thành viên thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký của hợp tác xã thành viên; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên;
- Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;
Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
4. Các trường hợp trả lại, thừa kế vốn góp
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này.
Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.
Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.
5. Tại sao lại phải quy định số vốn góp tối đa cho thành viên, HTX thành viên?
Mỗi thành viên của một HTX chỉ được góp tối đa 20% trên tổng vốn điều lệ của HTX; một HTX thành viên chỉ được góp tối đa 30% trên tổng vốn điều lệ của của một liên liên hiệp HTX bởi vì:
- Một là, HTX, Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể, do các thành viên tự nguyện góp vốn, góp sức để đáp ứng các nhu cầu chung của thành viên, nếu một thành viên góp nhiều vốn, khi thành viên đó chấm dứt tư cách thành viên, rút vốn ra sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX. Về mặt này là tạo điều kiện cho HTX, Liên hiệp HTX.
- Hai là, thành viên có nhiều tiền có thể cho HTX, Liên hiệp HTX vay theo thỏa thuận để tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên khi cần có thể rút số vốn đó ra. Nếu góp vốn điều lệ chỉ khi nào chấm dứt là thành viên mới được lấy số vốn đó về. Về mặt này là tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên.
- Ba là, mặc dù HTX, Liên hiệp HTX là tổ chức đối nhân (mỗi người một phiếu bầu, không phụ thuộc vào số lượng vốn góp) nhưng trên thực tế, những thành viên góp nhiều vốn thường chi phối các thành viên khác. Do vậy hạn chế tỷ lệ vốn góp vào HTX, Liên hiệp HTX để đảm bảo tính bình đẳng trong việc ra quyết định của các thành viên, không bị các thành viên góp vốn nhiều chi phối.
Trên đây là nội dung bài viết về Góp vốn vào HTX theo quy định của Luật HTX 2012. Hy vọng từ thông tin bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật trong việc góp vốn vào hợp tác xã. Nếu còn bất cứ vấn đề gì thắc mắc hoặc yêu cầu dịch vụ vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và thực hiện!
Nội dung bài viết:
Bình luận