Hiện nay, quyền khai thác khoáng sản ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của một doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng nguồn tài sản này vào việc thế chấp, bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng. Trong bài viết này ACC sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều doanh nghiệp về việc Quyền khai thác khoáng sản có được thế chấp không?
Quyền khai thác khoáng sản có được thế chấp không?
1. Khai thác khoáng sản là gì?
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 định nghĩa về hoạt động khai thác khoáng sản như sau:
Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
2. Quyền khai thác khoáng sản có được thế chấp không?
Đối với quyền khai thác khoáng sản, Khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 quy định, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các quyền sau đây: Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác; Tiến hành khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, còn có các quyền được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện; Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật.
Quyền đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Từ quy định trên có thể thấy Luật khoáng sản năm 2010 có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản nhưng không có quy định về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản mà chỉ quy định chung “quyền khác theo quy định của pháp luật” (điểm i khoản 1 Điều 55).
Như vậy, theo quy định trên, không có quy định cụ thể quyền thăm dò khai thác khoáng sản có được thế chấp vay vốn hay không do đó việc công ty có được thế chấp quyền thăm dò khai thác khoáng sản hay không sẽ do thỏa thuận giữa công ty và tổ chức tín dụng. Nếu tổ chức tín dụng đồng ý thì công ty có thể thế chấp quyền thăm dò khai thác khoáng sản.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thế chấp quyền khai thác khoáng sản
Việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền KTKS gặp khó khăn, vướng mắc do chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Một số trường hợp xử lý tài sản bảo đảm đã được ngân hàng hoặc TCTD tổ chức đấu giá quyền KTKS, tuy nhiên, pháp luật về khoáng sản chưa quy định việc tổ chức đấu giá quyền KTKS do ngân hàng hoặc TCTD thực hiện. Mặt khác, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép KTKS không có cơ sở pháp lý để căn cứ vào kết quả đấu giá quyền KTKS do ngân hàng hoặc TCTD tổ chức đấu giá để xem xét, cấp phép KTKS cho tổ chức, cá nhân khác.
Để tháo gỡ nhưng khó khăn, vướng mắc nêu trên của các ngân hàng và TCTD, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phối hợp chỉ đạo một số nội dung sau:
Ngân hàng nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn cho hệ thống các ngân hàng, TCTD thực hiện một số nội dung liên quan đến thế chấp quyền KTKS, cụ thể:
Xem xét thận trọng đối với trường hợp tiếp tục chấp nhận thế chấp quyền KTKS (theo Giấy phép KTKS): Trong quá trình tiếp nhận thế chấp quyền KTKS, đề nghị ngân hàng hoặc TCTD gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền đã cấp loại Giấy phép KTKS để hỗ trợ cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý, việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tổ chức, cá nhân KTKS theo Giấy phép KTKS. Đồng thời, đề nghị lưu ý giá trị của tài sản mà tổ chức, cá nhân thế chấp liên quan đến quyền KTKS, gồm: chi phí đã thăm dò khoáng sản; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng cơ bản mỏ (bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật như: nhà văn phòng, nhà xưởng, đường giao thông, cầu cống trong nội bộ mỏ,..); tiền cấp quyền KTKS mà tổ chức, cá nhân đó đã nộp cho Nhà nước tại thời điểm thế chấp. Trong khi đó, trữ lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác (tại thời điểm thế chấp) trong diện tích khu vực KTKS đã cấp thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân KTKS.
Trường hợp đã nhận thế chấp quyền KTKS mà tổ chức, cá nhân KTKS vẫn đang hoạt động khai thác khoáng sản: Đề nghị ngân hàng, TCTD đã nhận thế chấp có văn bản, kèm theo bản sao hồ sơ thế chấp đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép KTKS đó để hỗ trợ cung cấp thông tin quá trình hoạt động của tổ chức, cá nhân KTKS như đã nêu trên; cung cấp thông tin về tình hình chấp hành pháp luật về khoáng sản để kịp thời xử lý tình huống phát sinh, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Trường hợp đã nhận thế chấp quyền KTKS mà tổ chức, cá nhân KTKS đã phá sản, giải thể hoặc không có khả năng trả nợ vay: Trường hợp tổ chức, cá nhân KTKS đã thế chấp quyền KTKS (kèm theo Giấy phép KTKS) nhưng không có khả năng trả nợ vay hoặc đã phá sản, giải thể thì việc xem xét, cấp lại Giấy phép KTKS cho tổ chức, cá nhân khác chỉ thực hiện khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Vì vậy, đề nghị ngân hàng, TCTD có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép KTKS để hỗ trợ xem xét việc tổ chức đấu giá quyền KTKS tại khu vực đã cấp phép, đã thế chấp quyền KTKS để lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cấp lại Giấy phép KTKS theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Trong trường hợp này, chủ trì tổ chức đấu giá quyền KTKS là cơ quan có thẩm quyền cấp phép KTKS, đề nghị ngân hàng hoặc TCTD phối hợp trong quá trình đấu giá quyền KTKS để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản được khai thác
Sau khi nhận được văn bản của Ngân hàng hoặc TCTD, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý, việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tổ chức, cá nhân KTKS theo Giấy phép KTKS đã cấp; cung cấp thông tin thực hiện thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền KTKS mà tổ chức, cá nhân đó đã nộp cho Nhà nước tại thời điểm thế chấp để hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ, khó khăn cho các Ngân hàng hoặc TCTD như đã nêu trên.
Chủ trì tổ chức đấu giá quyền KTKS tại khu vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã cấp phép, đã thế chấp quyền KTKS để lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cấp lại Giấy phép KTKS theo quy định của pháp luật về khoáng sản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân KTKS đã phá sản, giải thể hoặc không có khả năng trả nợ vay theo đề nghị của ngân hàng hoặc TCTD nhận thế chấp quyền KTKS.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ 06 tháng có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức thế chấp, nhận thế chấp và tổ chức đấu giá quyền KTKS liên quan đến thế chấp quyền KTKS để tổng hợp, phối hợp thực hiện trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Trường hợp tòa án đã ban hành quyết định xử lý tài sản bảo đảm khi thế chấp vay vốn là quyền KTKS cho việc thi hành án, cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản sẽ phối hợp giải quyết theo thẩm quyền khi có văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án theo quy định.
Trên đây là toàn bộ nội dung về Quyền khai thác khoáng sản có được thế chấp không? mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý bạn đọc. Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất, chúng tôi có các dịch vụ hỗ trợ mà bạn cần. ACC đồng hành pháp lý cùng bạn.
Nội dung bài viết:
Bình luận