Hiện nay, vấn đề tham gia vào các tổ chức quốc tế và ký kết các điều ước quốc tế là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới. Vậy, điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
1. Một số định nghĩa cơ bản
1.1 Khái niệm điều ước quốc tế
Vấn đề pháp điển luật điều ước quốc tế được thảo luận khá sớm, song chỉ trong khuôn khổ Liên hợp quốc tới năm 1969 mới soạn thảo và thông qua được Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế và mãi đến năm 1980 Công ước này mới có hiệu lực. Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế đã pháp điển hóa và phát triển hàng loạt các quy phạm vốn là tập quán quốc tế trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Điều 1 của Công ước quy định rõ: “Điều ước là từ dùng để chỉ một thoả thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.
Mặc dù đã được định nghĩa như vậy, nhưng cách hiểu và giải thích về nó cũng như áp dụng trên thực tế hầu như chưa có sự thống nhất trong các quốc gia thành viên, kể cả các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước. Cách hiểu của Việt Nam về khái niệm điều ước quốc tế cũng không hoàn toàn nhất quán. Theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết được hiểu là “thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết”. Việc thực hiện các điều ước quốc tế theo Pháp lệnh này phải thực hiện thông qua quá trình chuyển đổi nó thành quy định pháp luật trong nước. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 có định nghĩa: "Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”. Luật kế thừa và phát triển các quy định về thực hiện điều ước quốc tế trước đây và còn cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để thực thi nó, không cần sự chuyển đổi nào.
1.2 Khái niệm nội luật hóa
Nội luật hóa là chuyển hóa quy định trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc thực hiện đối với tổ chức, cá nhân ở một quốc gia. Việc nội luật hóa được tiến hành sau khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia chính thức xác nhận quy định trong điều ước quốc tế ràng buộc đối với quốc gia đó.
2. Chủ thể và hình thức của điều ước quốc tế
Chủ thể của điều ước quốc tế phải là các chủ thể của Luật quốc tế, bao gồm: Quốc gia, tổ chức quốc tế và các chủ thể khác của Luật quốc tế.
Hình thức: Điều ước quốc tế tồn tại chủ yếu dưới hình thức văn bản. Trước đây, trong quan hệ quốc tế có sự xuất hiện của một số điều ước quân tử (bất thành văn), tuy nhiên các điều ước loại này hiện nay hầu như không còn tồn tại trong quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế.
Tên gọi của điều ước quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, phụ thuộc vào phạm vi và nội dung của điều ước, mà điều ước quốc tế có thể có một số tên gọi khác nhau (hình thức) như: Hiệp ước, công ước, định ước, nghị định thư, hiệp định…
Kết cấu của điều ước quốc tế bao gồm các phần: Lời nói đầu, nội dung chính, phần cuối cùng, phụ lục.
Ngôn ngữ của điều ước quốc tế: Thông thường, điều ước quốc tế song phương thường được soạn thảo bằng ngôn ngữ của cả hai bên (trừ khi có thỏa thuận khác). Riêng đối với các điều ước quốc tế đa phương phổ cập thường được soạn thảo bằng các ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên hợp quốc đó là: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập.
3. Thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ có thể chế pháp luật và thực tiễn thi hành các ĐƯQT tương đối phức tạp về nhiều khía cạnh, từ thẩm quyền, thủ tục đến việc phải dung hoà các quyền lợi khác nhau.
Các ĐƯQT của Hoa Kỳ đều được ký bởi Tổng thống và đại diện của Tổng thống. Như vậy, bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào mà Hoa Kỳ sẽ gánh vác từ việc ký một ĐƯQT đều xuất phát từ một hành động đơn phương của nhánh hành pháp. Thẩm quyền hành pháp đơn phương như vậy dường như đi ngược lại với quy trình xây dựng các điều ước đã được quy định cụ thể tại Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ, quy trình này yêu cầu phải có sự tham vấn và tán thành của hai phần ba Thượng viện. Tuy nhiên, mức độ của xung đột hiến pháp này phụ thuộc vào phạm vi của nghĩa vụ xuất phát từ việc ký ĐƯQT.
4. Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
- Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2005.
- Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thực hiện bằng hình thức trao đổi công hàm tại Hà Nội ngày 29 tháng 01 năm 2016, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 5 năm 2016.
Trên đây là một số thông tin về nội dung điều ước quốc tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu các bạn có thắc mắc liên quan đến các vấn đề trên, hãy liên hệ với ACC để được hỗ trợ tư vấn trực tiếp.
Nội dung bài viết:
Bình luận