Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
Cũng giống như cá nhân, để tham gia vào các quan hệ pháp luật trong các lĩnh vực cả đời sống xã hội như dân sự, hành chính, thương mại,…pháp nhân phải có năng lực chủ thể, cụ thể là năng lực pháp luật dân sự. Nó là thuộc tính pháp lý gắn liền với mỗi pháp nhân, là điều kiện để pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật.
Chính vì vậy, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là một vấn đề quan trọng cần tìm hiểu

1. Thế nào là năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân?
Căn cứ vào Điều 86, Bộ luật Dân sự 2015
-
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
-
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
-
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
Theo Khoản 1 Điều 86 Bộ luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được hiểu là: “Khả năng pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự”.
Năng lực pháp luật dân sự thể hiện năng lực chủ thể của pháp nhân, là khả năng của pháp nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự. Quyền và nghĩa vụ này tồn tại dưới dạng “khả năng”, thế nên nếu muốn hiện thực hóa những quyền và nghĩa vụ đang ở dưới dạng khả năng thành hiện thực thì pháp nhân phải tiến hành thực hiện hành vi trên thực tế.
Năng lực chủ thể của pháp nhân phải phù hợp với mục đích hoạt động và lĩnh vực hoạt động của pháp nhân đó. Do đó, mỗi pháp nhân có năng lực chủ thể khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và lĩnh vực hoạt động.
2. Đặc điểm năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
Thứ nhất, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được Nhà nước ghi nhận trong các văn bản pháp luật mà nội dung của nó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; vào hình thái kinh tế – xã hội tại thời điểm lịch sử nhất định.
Thứ hai, mọi pháp nhân đều bình đẳng về quan hệ pháp luật dân sự, đều có năng lực pháp luật dân sự. Mọi pháp nhân đều có khả năng hưởng quyền và gánh chịu nghĩa vụ.
Thứ ba, năng lực pháp luật của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định cụ thể chi tiết trong Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, Nhà nước tạo điều kiện để đảm bảo năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được thực hiện qua các chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội.
3. Thời điểm phát sinh
Năng lực pháp luật của cá nhân có từ khi người đó sinh ra, thời điểm phát sinh năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân cũng gắn với việc pháp nhân được “khai sinh”, tuy nhiên không giống nhau Có thể là thời điểm được cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; Đối với trường hợp phải đăng ký hoạt động, thì pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự từ thời điểm được ghi vào sổ đăng ký, chẳng hạn như đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp, các pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) có năng lực pháp luật dân sự kể từ khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Thời điểm chấm dứt
Năng lực pháp luật của pháp nhân gắn liền với sự tồn tại của nó, nên thời điểm chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là thời điểm pháp nhân chấm dứt hoạt động, cụ thể tại Điều 96 Bộ luật dân sự 2015 chấm dứt tồn tại pháp nhân được quy định như sau:
Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:
a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;
b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có thể thấy năng lực pháp luật của pháp nhân là yếu tố cấu thành năng lực chủ thể cho pháp nhân, là cơ sở tham gia vào các quan hệ pháp luật trong xã hôi, tạo điều kiện cho pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
5. Dịch vụ tư vấn Luật ACC
Trên đây là thông tin quy định của pháp luật về Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân Công ty Luật ACC gửi đến ban tham khảo. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý khách có thắc mắc cần được giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua trang web: https://accgroup.vn
Nội dung bài viết:
Bình luận