Điều 569 bộ luật dân sự 2015
Ngoài những loại hợp đồng như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ thì hợp đồng ủy quyền là một trong những loại hợp đồng dân sự cơ bản, được sử dụng rất nhiều trong thực tế. Hợp đồng ủy quyền nằm trong nhóm hợp đồng có đối tượng là công việc.
Tuy nhiên, nếu trường hợp một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì sẽ xử lý như thế nào? Pháp luật có quy định rất chặt chẽ về trường hợp này tại Điều 569 Bộ luật dân sự 2015. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của ACC để được giải đáp một cách cụ thể và chi tiết nhất.
1. Khái niệm hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng ủy quyền mang đặc điểm là một hợp đồng đền bù hoặc không. Thông thường, hợp đồng ủy quyền không có đền bù diễn ra giữ các chủ thể là cá nhân với nhau, hoạt động ủy quyền chỉ mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết. Ngược lại, nếu bên được ủy quyền nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù.
2. Bên ủy quyền trong hợp đồng
Trường hợp uỷ quyền có thù lao, bên uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được uỷ quyền tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý.
Bên uỷ quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên uỷ quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng uỷ quyền đã bị chấm dứt
3. Bên được ủy quyền trong hợp đồng
Trường hợp uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên uỷ quyền biết một thời gian hợp lý; nếu uỷ quyền có thù lao thì bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên uỷ quyền, nếu có.
Theo đó, bên được ủy quyền hay bên ủy quyền đều có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào.
Trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho bên kia trước một khoảng thời gian hợp lý. Còn trường hợp có thù lao thì không những phải báo trước một khoảng thời gian hợp lý mà bên ủy quyền còn phải trả thù lao cho bên ủy quyền ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại (trong trường hợp bên ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng) và nếu bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thì cũng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền.
Điều 569 BLDS 2015 còn quy định nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người thứ ba của người ủy quyền khi họ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quy định này nhằm tránh gây thiệt hại cho người thứ ba do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền gây nên. Nếu vi phạm nghĩa vụ này thì cam kết giữa người được ủy quyền và người thứ ba vẫn có hiệu lực đối với người ủy quyền. Còn nếu bên ủy quyền đã thông báo hoặc trường hợp người thứ ba biết hoặc buộc phải biết rằng, hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt mà vẫn ký kết với người được ủy quyền thì hợp đồng đó không có hiệu lực với người ủy quyền.
Trong một số trường hợp, các bên ủy quyền phải đến tổ chức đã công chứng hợp đồng ủy quyền trước đó để làm thủ tục hủy hợp đồng ủy quyền.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015 gửi đến quý bạn đọc để tham khảo. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được trao đổi cụ thể.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo, tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp.
Nội dung bài viết:
Bình luận