Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Để điều tra vụ án hình sự một cách toàn diện thì thu thập chứng cứ từ vật chứng là chưa đủ mà còn phải thu thập từ một nguồn rất quan trọng là lời khai. Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về thủ tục lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can; đối chất. Để tìm hiểu quy định đó, hãy theo dõi bài viết dưới đây của ACC.

1. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Quy định này xuất phát từ xuất phát từ đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức còn chưa đầy đủ và yêu cầu đảm bảo tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự.

Hoi-cung-bi-can-1

2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì:

- Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

- Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

Việc hỏi cung bị can trong trường hợp này được tiến hành theo thủ tục hỏi cung bị can được quy định tại Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể là:

- Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

- Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.

- Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

- Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể:

- Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.

- Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.

- Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

- Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

- Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể về người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi gồm những ai. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì có quy định như sau: Người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các Điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự và được xác định theo thứ tự sau đây:

- Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;

- Người giám hộ

- Người do Tòa án chỉ định.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì đối chất được Điều tra viên áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn.

3. Thời gian lấy lời khai và hỏi cung người dưới 18 tuổi.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

- Phạm tội có tổ chức;

- Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;

- Ngăn chặn người khác phạm tội;

- Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;

- Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết giới thiệu về Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nội dụng bài viết giới thiệu về thủ tục lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất và các vấn đề pháp lý có liên quan. Nếu trong quá trình tìm hiểu, quý bạn đọc còn có vấn đề thắc mắc cần được giải đáp hay có quan tâm đến các dịch vụ tư vấn do ACC cung cấp, vui lòng truy cập địa chỉ trang web sau đây: https://accgroup.vn/ để được tư vấn giải đáp thắc mắc một cách chi tiết nhất.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (1129 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo