Thẩm quyền của Tòa án nhân dân bao gồm thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo vụ việc và thẩm quyền theo cấp. Pháp luật đã đặt ra những quy định hết sức cụ thể về từng loại thẩm quyền nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo thẩm quyền hay đùn đẩy trách nhiệm. Sau đây, công ty Luật ACC xin mời quý bạn đọc cùng nghiên cứu về Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để hiểu rõ hơn về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân.
Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
1. Quy định pháp luật
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;
c) Tòa án nơi người yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;
d) Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài;
đ) Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
e) Tòa án nơi người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
g) Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;
h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
i) Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;
k) Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;
l) Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;
m) Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;
n) Tòa án nơi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự;
o) Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại;
p) Tòa án nơi có tài sản có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận tài sản đó có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam;
q) Tòa án nơi người mang thai hộ cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ;
r) Tòa án nơi cư trú, làm việc của một trong những người có tài sản chung có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án;
s) Tòa án nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án;
t) Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
u) Tòa án nơi có trụ sở của doanh nghiệp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên;
v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;
x) Tòa án nơi xảy ra cuộc đình công có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
y) Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 421 của Bộ luật này.
3. Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.
2. Bình luận Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Do tổ chức và hoạt động hệ thống Tòa án Việt Nam, sau khi xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án các cấp, đã xác định được vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh, còn cần thiết phải xác định vụ việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào trong cấp Tòa án đó. Ví dụ, khi một tranh chấp dân sự, căn cứ vào thẩm quyền của Tòa án các cấp, được xác định là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện, thì còn phải xác định Tòa án huyện nào, huyện A hay huyện B hay huyện C có thẩm quyền giải quyết vụ án. Đây là loại thẩm quyền dân sự theo lãnh thổ, được xác định trên cơ sở Tòa án có điều kiện thuận lợi nhất cho đương sự tham gia vào việc giải quyết vụ việc.
Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo lãnh thổ của Tòa án là quyền của một Tòa án cụ thể trong hệ thống Tòa án được thực hiện thủ tục giải quyết một vụ việc dân sự trong phạm vi lãnh thổ theo quy định của pháp luật.
Thực chất, đây là sự phân định thẩm quyền giải quyết sơ thẩm giữa các Tòa án cùng cấp. Việc phân định thẩm quyền theo lãnh thổ xuất phát tự việc tổ chức hệ thống Tòa án ở nước ta là theo địa giới hành chính, nhằm tránh được sự chồng chéo về thẩm quyền sở thẩm của các Tòa án cùng cấp. Hơn nữa, việc phân định thẩm quyền theo lãnh thổ nhằm xác định Tòa án có điều kiện tốt nhất giải quyết vụ việc, vì vậy, việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ sẽ đảm bảo việc giải quyết vụ việc được nhanh chóng, đúng đắn, thuận tiện cho các đương sự khi tham gia tố tụng cũng như việc thi hành án.
Mục đích của loại thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo lãnh thổ là xác định Tòa án cụ thể có thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm với điều kiện nhất định. Đó là các điều kiện dựa trên dấu hiệu về lãnh thổ, liên quan đến nơi cư trú của đương sự, nơi có tài sản tranh chấp và nơi đặt trụ sở Tòa án….
Tóm lại, thẩm quyền theo lãnh thổ là việc xác định cụ thể Tòa án nào có quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo trình tự sơ thẩm. Về nguyên tắc, Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở hoặc nơi làm việc của bị đơn là Tòa án có thẩm quyền giải quyết, trừ trường hợp tài sản tranh chấp là bất động sản thì do Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Nhằm phát huy tối đa quyền tự định đoạt của đương sự.
Như vậy, Công ty Luật ACC – Đồng hành pháp lý cùng bạn đã cung cấp những kiến thức cơ bản cho quý bạn đọc về Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức hữu ích, giải đáp được những thắc mắc của độc giả liên quan đến vấn đề này.
Nội dung bài viết:
Bình luận