Nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, Bộ luật Dân sự quy định về biện pháp bảo đảm nói chung và biện pháp đặt cọc nói riêng có ý nghĩa tác động rất lớn đến các bên trong giao dịch dân sự. Điều này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.
Đặt cọc là kết quả của sự thỏa thuận của các bên mà không xuất phát từ hành vi pháp lý đơn phương nên chủ thể của đặt cọc bao giờ cũng phải có hai bên: bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Tùy vào sự thỏa thuận của các bên mà mỗi bên có thể là bên nhận cọc hay bên nhận đặt cọc
1. Đối tượng của đặt cọc
Trong quan hệ đặt cọc, hành vi của các bên chủ thể sẽ tác động vào một tài sản cụ thể nào đó. Những tài sản này chính là đối tượng của biện pháp đặt cọc. Theoo quy định của pháp luật thì đối tượng của đặt cọc là “một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”, tức là những vật có giá trị hoặc các vật thông thường khác mà một bên giao trực tiếp cho bên kia. Tuy nhiên để trở thành đối tượng của biện pháp đặt cọc, các tài sản theo quy định phải đáp ứng điều kiện luật định.
Tiền là đối tượng của đặt cọc phải là Đồng Việt Nam. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các giao dịch giữa các cá nhân về vay ngoại tệ có lãi là vô hiệu”. Theo đó, các hợp đồng nói chung cũng như hợp đồng đặt cọc nói riêng có đối tượng là ngoại tệ đều bị vô hiệu nhưng thực tiễn xét xử lại không ít các bản án của Tòa án lại tuyên bố hợp đồng không vô hiệu.
Tài sản đặt cọc là kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác.
Có thể nhận thấy tài sản đặt cọc chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp gồm: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc các tài sản có giá trị khác mà không bao gồm các quyền tài sản, bất động sản như trong các biện pháp bảo đảm khác. Và các tài sản là đối tượng của biện pháp đặt cọc phải thuộc sở hữu của bên đặt cọc hoặc có thể thuộc sở hữu của người khác nhưng phải được chủ sở hữu đồng ý. Các tài sản này cũng phải là những tài sản được lưu thông dân sự và tính được giá trị. Các vật cấm lưu thông dân sự hoặc hạn chế lưu thông thì không thể là đối tượng của đặt cọc.
2. Chủ thể của đặt cọc
Chủ thể của một quan hệ pháp luật nói chung là những người tham gia quan hệ pháp luật đó. Chủ thể của bất kì quan hệ pháp luật nào cũng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật: “người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự... Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Như vậy, nếu các bên muốn tham gia vào giao dịch đặt cọc cũng phải đáp ứng hai điều kiện trên.
Như đã phân tích ở trên, tùy vào sự thỏa thuận của các bên mà mỗi bên có thể là bên nhận cọc hay bên nhận đặt cọc.Thông thường thì bên nào nắm giữ phần tài sản có thể trở thành bên nhận đặt cọc.
3. Mục đích của đặt cọc
Tùy vào sự thỏa thuận của các bên và căn cứ vào thời điểm đặt cọc với thời điểm giao kết của hợp đồng được bảo đảm bằng biện pháp đặt cọc để xác định mục đích của việc đặt cọc. Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó.
Khác với các biện pháp bảo đảm khác, thời điểm phát sinh thỏa thuận đặt cọc không những là cùng hoặc sau khi ký kết hợp đồng chính thực được thiết lập, tức là khi các chủ thể đã có quan hệ nghĩa vụ, mà còn có thể phát sinh ngay cả khi giữa các chủ thể chưa có quan hệ nghĩa vụ.
Mục đích của đặt cọc do các bên chủ thể thỏa thuận. Việc chỉ ra mục đích của đặt cọc có ý nghĩa quan trọng để xác định hiệu lực của đặt cọc.
Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh trước khi các bên thiết lập nghĩa vụ mà các bên không thỏa thuận về mục đích của đặt cọc thì biện pháp đặt cọc đó sẽ đảm bảo giao kết hợp đồng. Khi thỏa thuận đặt cọc có hiệu lực pháp lý nó sẽ ràng buộc các bên trong quan hệ buộc phải giao kết hợp đồng. Nếu các bên vi phạm thỏa thuận này thì sẽ phải chịu chế tài. Trường hợp này, thỏa thuận đặt cọc mặc nhiên chấm dứt hiệu lực pháp luật khi hợp đồng đã được giao kết bởi mục đích của biện pháp đặt cọc đã đạt được.
Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh sau khi hợp đồng đã được giao kết thì mục đích của đặt cọc là nhằm thực hiện hợp đồng.
Đối với trường hợp các bên chủ thể thỏa thuận mục đích của đặt cọc là vừa nhằm giao kết hợp đồng, vừa nhằm thực hiện hợp đồng thì hiệu lực của thỏa thuận đặt cọc kéo dài từ khi các bên giao kết thỏa thuận đặt cọc đến khi giao kết hợp đồng và hoàn thành việc thực hiện hợp đồng. Trong quá trình này tài sản đặt cọc có thể được đem ra xử lý bất cứ lúc nào khi có hành vi vi phạm xảy ra.
4. Hình thức của đặt cọc
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản. Như vậy, pháp luật quy định thỏa thuận đặt cọc phải được lập thành văn bản, nếu hai bên chủ thể chỉ thỏa thuận miệng thì thỏa thuận đó sẽ không có giá trị pháp lý. Khi đó, đối tượng của thỏa thuận sẽ không có chức năng bảo đảm và sẽ trở thành một phần nghĩa vụ được thực hiện trước.
Thỏa thuận đặt cọc có thể được thể hiện bằng một văn bản riêng nhưng cũng có thể được thể hiện bằng một điều khoản trong hợp đồng chính thức. Đối với đặt cọc nhằm giao kết hợp đồng thì việc đặt cọc phải được thể hiện bằng văn bản riêng vì tại thời điểm giao kết thỏa thuận đặt cọc thì hợp đồng chưa được hình thành. Pháp luật cũng không quy định thỏa thuận đặt cọc có phải bắt buộc được công chứng, chứng thực hay không, tùy vào sự thỏa thuận của các bên.
5. Xử lý tài sản đặt cọc
Thông thường có hai phương thức xử lý tài sản đặt cọc nói riêng và tài sản bảo đảm nói chung là do các bên thỏa thuận hoặc bán đấu giá. Theo đó nếu các bên có thỏa thuận thì tài sản đặt cọc được xử lý theo thỏa thuận; nếu các bên không có thỏa thuận hoặc có nhưng trái pháp luật thì tài sản đặt cọc xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 gửi đến quý bạn đọc để tham khảo. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được trao đổi cụ thể.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo, tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp.
Nội dung bài viết:
Bình luận