Khi thực hiện một nghĩa vụ nhất định, các bên thường có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ kèm theo như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ,… Tài sản bảo đảm có thể được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khác nhau. Do đó, số tiền có được sau khi xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán theo thứ tự cho các bên cùng nhận tài sản bảo đảm. Vậy, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm được quy định như thế nào? Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ giải quyết câu hỏi trên. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của ACC khi phân tích quy định của Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 để biết thêm chi tiết.
1. Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cách xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Có ba trường hợp cụ thể như sau:
1.1.Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng.
Vậy, khi nào thì biện pháp bảo đảm được xem là phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba? Theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự 2015 thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Khái niệm “hiệu lực đối kháng với người thứ ba” có thể hiểu một cách đơn giản là khi xác lập giao dịch bảo đảm hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong trong giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh đối với các chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch (bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm) mà trong những trường hợp luật định còn phát sinh hiệu lực và có giá trị pháp lý đối với cả người thứ ba không phải là chủ thể trong giao dịch bảo đảm. Thời điểm phát sinh hiệu lực kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
Các trường hợp đăng kí biện pháp bảo đảm và thời điểm có hiệu lực của đăng kí biện pháp bảo đảm được quy định cụ thể tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng kí biện pháp bảo đảm.
Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký bao gồm:
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
- Thế chấp tàu biển.
Còn lại các biện pháp bảo đảm được đăng kí khi có yêu cầu đối với các biện pháp: Thế chấp tài sản là động sản khác; thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
Đối với trường hợp có quy định biện pháp bảo đảm phải đăng ký mà biện pháp bảo đảm đó chưa đăng ký cũng như chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán khi các biện pháp bảo đảm khác có đăng kí.
1.2. Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp có tồn tại cả biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước.
Trong trường hợp này, biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được ưu tiên thanh toán trước còn những biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ không được hưởng quyền ưu tiên thanh toán.
Đây là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi thông qua thủ tục đăng ký hoặc thực tế đang cầm giữ, chiếm giữ tài sản là cách rõ ràng nhất để bên thứ ba có thể dễ dàng nhận biết được quyền lợi của bên nhận bảo đảm trên tài sản đó.
1.3. Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Điểm c khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đối với trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm. Cụ thể, căn cứ theo thời điểm xác lập biện pháp bảo đảm, biện pháp bảo đảm nào được xác lập trước thì được ưu tiên thanh toán trước.
2. Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 thì thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
Pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đối với giao dịch dân sự. Do đó, nếu các bên có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán và đạt được thỏa thuận đó khi xử lý tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ thì thứ tự theo các bên thỏa thuận được áp dụng.
Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm. Điều khoản này giúp các chủ thể có thể nắm rõ được quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh toán, tránh việc nhầm lẫn làm phát sinh tranh chấp không mong muốn. Bên cạnh đó, việc xác định rõ ràng thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ còn giúp các chủ thể đảm bảo được quyền lợi của chính mình một cách tốt nhất có thể.
Nếu quý khách hàng vẫn còn thắc mắc liên quan đến xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm cũng như các vấn đề có liên quan, hãy liên hệ ngay với ACC.
Công ty luật ACC chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian sớm nhất có thể.
Gọi trực tiếp cho chúng tôi theo hotline 1900.3330 để được tư vấn chi tiết.
Nội dung bài viết:
Bình luận