Quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Để phù hợp với thực tiễn và trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hướng dẫn, Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ hướng dẫn qua bài viết dưới đây: Quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Quy Dinh Ve Sao Chup Ho So Vu An Dan Su 2

Quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

1. Quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Điều 268. Thẩm quyền xét xử của Tòa án

1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:

a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;

b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

2. Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Để phù hợp với thực tiễn và trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hướng dẫn, Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án, tuy nhiên một số quy định tại Điều 268 BLTTHS còn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó việc hiểu và áp dụng trên thực tiễn xét xử còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, một trong những vấn đề đó là quy định về yếu tố “ở nước ngoài” tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.

Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS 2015 có quy định: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”.

Vậy hiểu thế nào là yếu tố “ở nước ngoài” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.

Trước đây, theo hướng dẫn tại mục 23 phần II Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quốc tịch của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, cụ thể: trường hợp vụ án có bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự là người nước ngoài thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về quốc tịch như sau: “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quôc tịch Việt Nam”; khoản 1 Điều 3 Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định:"...Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam…"

Tuy nhiên, các quy định trên hướng dẫn về tình tiết “là người nước ngoài”, và không phải là hướng dẫn về tình tiết “ở nước ngoài” do đó không phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015. “Ở nước ngoài” ở đây cần được hiểu là nơi chốn, chỗ ở… (chỉ nơi cư trú). Mặc dù hiện nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này, tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có hướng dẫn về yếu tố “ở nước ngoài”.

Mặc dù, khái niệm “đương sự ở nước ngoài” trong tố tụng dân sự và “bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài” trong tố tụng hình sự là 02 khái niệm có tính chất khác nhau, nhưng nhiều quy định của Nghị quyết này lại phù hợp với tinh thần quy định của điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS năm 2015. Do vậy có thể tham khảo những hướng dẫn trên, tuy nhiên Tòa án Nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử.

3. Bàn về thẩm quyền xét xử của Tòa án theo quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự

Tại Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án theo loại tội mà không khống chế thẩm quyền về quyết định hình phạt. Vì vậy, cần chú ý các trường hợp sau:

- Bị cáo phạm nhiều tội và các tội phạm đó đều thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện hoặc Toà án quân sự khu vực, thì Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Toà án quân sự xét xử tất cả các tội phạm đó và quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt chung có thể là phạt tù trên 15 năm; tù chung thân hoặc tử hình.

- Bị cáo đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đó phạm trước khi có bản án này hoặc phạm tội mới và các tội phạm đó đều thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện hoặc Toà án quân sự khu vực, thì Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Toà án quân sự xét xử tất cả các tội phạm đó và tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt chung có thể là phạt tù trên 15 năm; tù chung thân hoặc tử hình.

Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Tòa án nhân dân cấp tỉnh để Tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”[1] là chưa thật chính xác.

Trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự còn quy định thẩm quyền xét xử về đối tượng người phạm tội như sau: Toà án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc là người có chức vụ từ Trung đoàn trưởng hoặc tương đương trở xuống; Toà án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Thượng tá trở lên hoặc là người có chức vụ từ Sư đoàn phó hoặc tương đương trở lên.

Hiện nay, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 chỉ quy định thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực và Tòa án quân sự cấp quân khu là “sơ thẩm những vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự lại không quy định thẩm quyền về cấp bậc, chức vụ của người phạm tội của Tòa án quân sự cấp quân khu và khu vực như Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự. Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định một điểm mới về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự là xét xử các vụ án hình sự xảy ra trong khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, sử dụng. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn thẩm quyền xét xử về người phạm tội theo cấp bậc, chức vụ trong quân đội và vụ án xảy ra trong khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, sử dụng.

Trên đây là các nội dung giải đáp của chúng tôi về Quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như các bạn cần Công ty Luật ACC hướng dẫn các vấn đề pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo