Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 gồm 9 Phần, 36 Chương, 510 Điều, có hiệu lực thi hành từ kể ngày 01 tháng 7 năm 2016. Mời bạn tham khảo bài viết sau để biết thêm về: Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Phối hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

1. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực khi nào?

Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 gồm 9 Phần, 36 Chương, 510 Điều, có hiệu lực thi hành từ kể ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ luật Tố tụng hình sự với 510 điều chia làm 9 phần, 36 chương; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Theo đó BLTTHS số 19/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày BLTTHS năm 2015 có hiệu lực; Bộ luật TTHS 2015 cũng đã bãi bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật luật sư số 65/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 20/2012/QH13.
BLTTHS năm 2015 có nhiều quy định mới (số điều luật tăng thêm 154 điều, bổ sung 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều) với một số vấn đề chính sau đây:- Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp; tăng quyền, trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.- Mở rộng diện người tham gia tố tụng; bổ sung diện người tham gia tố tụng, một số cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.- Bổ sung quyền của những người tham gia tố tụng theo hướng mở rộng hơn diện người tham gia tố tụng- Điều chỉnh khái niệm chứng cứ, nguồn, thu thập chứng cứ; xử lý chặt chẽ hơn về vật chứng.

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng quy định về rút ngắn thời hạn tạm giam, việc gia hạn tạm giam cùng nhiều bổ sung về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự...

Theo Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII (NQ 110/2015), kể từ ngày 01/7/2016 thì BLTTHS năm 2015 có hiệu lực:

1. Đối với những vụ án do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (sau đây gọi là BLTTHS năm 2003) nhưng đến ngày 01/7/2016 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết tiếp tục được áp dụng theo quy định của BLTTHS năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của BLTTHS năm 2015.

2. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nhưng đến ngày 01/7/2016 chưa kết thúc thì thời hạn giải quyết được tính theo thời hạn của BLTTHS năm 2015.

3. Đối với những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của BLTTHS năm 2003 nhưng đến ngày 01/7/2016 không được tạm giam theo quy định của BLTTHS năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện Kiểm sát, Tòa án quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của BLTTHS năm 2015.

4. Đối với những vụ án hình sự do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 01/7/2016 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo quy định của BLTTHS năm 2015.

5. Đối với những vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng đến ngày 01/7/2016 chưa kết thúc điều tra, chưa quyết định việc truy tố hoặc chưa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được tính theo thời hạn của BLTTHS năm 2015.

Đối với những bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01/7/2016 và thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 456 của BLTTHS năm 2015 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới xét xử thì áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2015 để giải quyết.

6. Đối với những vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm theo quy định tại BLTTHS năm 2003 mà có kháng cáo, kháng nghị trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới xét xử phúc thẩm thì áp dụng BLTTHS năm 2015 để giải quyết.

Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại BLTTHS năm 2003 mà có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01/7/2016 nhưng chưa giải quyết hoặc kể từ ngày 01/7/2016 mới có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng BLTTHS năm 2015 để giải quyết.

7. Đối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa tiếp tục sử dụng cho đến khi kết thúc việc bào chữa.

8. Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án và các chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền.

2. Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Điều 26. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

3. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

  • Khái niệm

Hiện nay, trong khoa học pháp lý ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau về “tranh tụng” như: Theo từ điển luật học tranh tụng là hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập đưa ra những chứng cứ để bảo vệ quan điểm và lợi ích của phía đối lập”. Có quan điểm khác cho rằng “tranh tụng là một quá trình xác tranh tụng được hiểu là các hoạt động được thực hiện bởi các bên buộc tội và bên gỡ tội tham gia tố tụng có quyền bình đẳng với nhịnh sự thật khách quan về vụ án đồng thời cũng chính là phương tiện để đạt được mục đích, các nhiệm vụ đặt ra của Luật tố tụng hình sự”. Qua những quan điểm trên có thể hiểu tranh tụng là hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bởi bên buộc tội và bên gỡ tội tham gia tố tụng để bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của phía đối lập, dựa trên cơ sở đó giúp Toà án giải quyết khách quan, toàn diện, đầy đủ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

  • Đặc điểm

Mô hình tố tụng hình sự tranh tụng có những đặc điểm cơ bản sau:

+ Có sự phân định rành mạch quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của Tố tụng hình sự. Toà án giữ vai trò trung lập, làm trọng tài điều khiển sự tranh tụng giữa các bên.

+ Vai trò của của Luật sư bào chữa được tham gia từ rất sớm trong Tố tụng hình sự.

+ Luật sư bào chữa có vai trò rất lớn trong việc chứng minh và thuyết phục Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định xét xử.

+ Nguyên tắc phân quyền quy định Toà án là bộ phận độc lập tách rời khỏi hành pháp và tư pháp.

+ Tố tụng tranh tụng mang tính chất công khai và mở ra cơ hội cho các bên buộc tội và gỡ tội.

4. Nội dung của nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam

    Thứ nhất, khi tiến hành giải quyết vụ án phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ và đưa ra các yêu cầu để làm rõ sự thật một cách khách quan. Do bản chất của tranh tụng là sự lập luận, tranh luận giữa các bên buộc tội và bên gỡ tội dựa trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được sẽ làm cơ sở cho việc ra phán quyết của Tòa án. Vì vậy, một bên có quyền biết về chứng cứ, lập luận của phía bên kia đồng thời đưa ra những chứng cứ, lập luận để phản bác lại. Điều kiện quan trọng nhất để tranh tụng có hiệu quả đòi hỏi chủ thể buộc tội, chủ thể bên gỡ tội gồm người bị buộc tội và người bào chữa phải bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng của mình, đây cũng là một nguyên tắc được xác định trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Sự bình đẳng giữa các chủ thể đại diện cho bên buộc tội và bên gỡ tội thể hiện trong việc họ được thực hiện các quyền cơ bản của mình. Theo quy định tại điều 26 bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người gỡ tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”. Tính bình đẳng được thể hiện trong việc các chủ thể có quyền ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ cũng như đưa ra yêu cầu đối với phía bên kia. Tòa án thực hiện chức năng xét xử giữ vai trò là trọng tài bảo đảm cho tranh tụng được bình đẳng. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, bên gỡ tội có quyền, nhưng họ không buộc phải chứng minh mình vô tội.

    Thứ hai, đảm bảo các điều kiện tiến hành hoạt động tranh tụng trong xét xử phải đầy đủ, hợp pháp, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các thành phần tham dự phiên toà trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật bên cạnh đó Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho quá trình tranh tụng diễn ra dân chủ và công bằng nhất. Theo quy định tại điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”. Để bảo đảm cho nguyên tắc tranh tụng và tính công khai chứng cứ diễn ra đúng quy luật thì các bên tranh tụng phải có mặt đầy đủ tại phiên tòa. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Thứ ba, các chứng cứ, điều, khoản áp dụng để giải quyết vụ án hình sự phải được đưa ra xem xét, công khai, minh bạch và làm rõ tại phiên toà. Theo quy định tại điều 26 bộ luật tố tụng hình sự “Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa”, như vậy trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự thì hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ đóng một vi trò hết sức quan trọng. Nó là cơ sở để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định khách quan của Hội đồng xét xử và để đưa ra nhận định khách quan thì mọi chứng cứ cần được công khai tại phiên tòa. Thông qua việc công khai chứng cứ, bên buộc tội và bên gỡ tội sẽ góp phần làm rõ thêm bản chất của vụ án qua đó, Tòa án sẽ làm rõ được các yêu cầu đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án và áp dụng đúng, phù hợp các điều, khoản được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự để xác định tội phạm, đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.

Thứ tư, kết quả tranh tụng là cơ sở và căn cứ để Tòa án đưa ra bản án, quyết định của mình, theo quy định tại điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Tại phiên tòa xét xử, bên buộc tội và bên gỡ tội thực hiện chức năng tranh tụng của mình như: Xét hỏi để làm rõ những tình tiết trong vụ án, tranh luận để đưa ra  quan điểm về vụ án và đối đáp thể hiện sự phản đối hoặc đồng ý với quan điểm của phía bên kia. Qua đó, bên buộc tội và gỡ tội đều có điều kiện áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của  các chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm tra các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền tố tụng có trong hồ sơ vụ án nhằm hạn chế các những vi phạm tố tụng, hoặc những sơ xuất, sai lầm không đáng có trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Cuối cùng Tòa án với vai trò là cơ quan xét xử sẽ là trọng tài kiểm tra đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện các chứng cứ, các tình tiết của vụ án hình sự, thông qua quan điểm tranh luận, đối đáp của các bên để đưa ra những nhận định khách quan, làm rõ bản chất vụ án, đưa ra phán quyết nghiêm minh, công bằng, tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.

Với những nội dung cơ bản trên của nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, Bộ luật tố tụng hình sự lần đầu tiên đã khẳng định tranh tụng là một phương thức quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của quá trình xét xử một vụ án hình sự, thể hiện tính dân chủ, công bằng, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chưa chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình tranh tụng những nguyên tắc tranh tụng đã có những tác động tích cực đến toàn bộ quá trình xét xử vụ án.

Trên đây là một số thông tin về Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 - Công ty Luật ACC, mời bạn đọc thêm tham khảo và nếu có thêm những thắc mắc về bài viết này hay những vấn đề pháp lý khác về dịch vụ luật sư, tư vấn nhà đất, thành lập doanh nghiệp… hãy liên hệ với ACC theo thông tin bên dưới để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả từ đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm từ chúng tôi. ACC đồng hành pháp lý cùng bạn.

Nội dung bài viết:

    Đánh giá bài viết: (767 lượt)

    Để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Email không được để trống

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    Bài viết liên quan

    Phản hồi (0)

    Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo