Bài viết dưới đây đề cập đến Điều 2 Hiến pháp năm 2013. Hãy cùng ACC theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Điều 2 Hiến pháp 2013
Ngay Lời nói đầu Hiến pháp 2013 thể hiện: "...Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã thể hiện rõ trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: "1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" đã thể nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của nhân dân trong Hiến pháp là nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời thể hiện đất nước Việt Nam là do chính nhân dân làm chủ, nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng và bảo đất nước. Lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 từ Nhân dân được viết hoa, đây không phải đơn thuần là cách thể hiện từ ngữ mà là diễn đạt ý nghĩa của một chủ thể quan trọng của đất nước theo tư tưởng của Bác hồ. Người viết:
“Nước ta là nước dân chủ,
Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân,
Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của dân,
Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra,
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên,
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Chính vì lẽ đó mà từ Nhân dân được viết hoa là thể hiện đầy đủ và sâu sắc tư tưởng của Bác hồ về vai trò của Nhân dân.
Nhà nước pháp quyền?
Ở nước ta hiện nay, quyền lực chính trị - quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Hiến Pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Để đảm bảo thực thi quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay, cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân. Hiến pháp xác định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Trước hết, cần phải xác định rõ ràng rằng: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực Chính trị - quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, được tổ chức tập trung thành Nhà nước và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Quyền lực chính trị là do Nhà nước nắm giữ, nhưng quyền lực ấy là của nhân dân giao cho. Chính nhân dân là người tổ chức ra nhà nước và trao quyền lực cho Nhà nước. Nhà nước là công cụ của nhân dân, thay mặt nhân dân để thực thi quyền lực chính trị mà nhân dân giao cho. Muốn quản lý và điều hành tốt xã hội, Nhà nước phải thông qua nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động của Nhà nước. Chính nhân dân là người quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời, là người tổ chức và thực thi quyền lực chính trị - quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng và là người sáng tạo ra lịch sử, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần nuôi sống xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng của mọi thời đại, nhân dân giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị của chế độ chính trị xã hội.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và các đạo luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Hiến pháp quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Theo đó, Nhà nước pháp quyền là công cụ quyền lực của nhân dân, do nhân dân tổ chức ra, thay mặt nhân dân, thực thi quyền lực chính trị được nhân dân giao cho. Điều quan trọng, cốt yếu trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là phải đảm bảo tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật, lấy pháp luật làm tiêu chí chung để kiểm soát, điều hành và quản lý xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. “Khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện mô hình tổ chức của Nhà nước, phân công, phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cần nhận thức rõ ràng rằng: Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia và thuộc về nhân dân. Tính thống nhất quyền lực tập trung cao nhất là ở Quốc hội. Quốc hội được xác định là “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được nhân dân giao cho nắm giữ toàn bộ quyền lực trong bộ máy nhà nước. Trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực chính trị ấy, Quốc hội thực hiện việc phân công, giao quyền cho các cơ quan nhà nước khác và “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội” của các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước cùng phối hợp với nhau để thực thi quyền lực mà nhân dân giao cho, đồng thời, chịu trách nhiệm và báo cáo với nhân dân trong quá trình thực thi quyền lực của mình. Chính sự phân công và phối hợp chặt chẽ đó đã tạo nên sự thống nhất, thông suốt, đồng bộ và hiệu quả trong việc thực thi quyền lực nhà nước.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn xác định mục tiêu cao cả nhất là vì con người, mọi hoạt động của Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu phục vụ con người - chủ thể sáng tạo xã hội. Để đảm bảo thực thi đúng, đủ quyền lực mà nhân dân giao, trong quản lý và điều hành xã hội, nhà nước thực hiện mở rộng dân chủ hóa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với kỷ luật, kỷ cương và tăng cường pháp chế, đảm bảo cho nhân dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Từng bước tạo điều kiện cho nhân dân nắm bắt và làm chủ xã hội, trước hết là kinh tế, đến chính trị và thực sự trở thành chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.
Nhà nước pháp quyền phải đấu tranh, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của nhân dân, giải quyết hài hòa, kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, quyết định tính định hướng chính trị của Nhà nước. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là vấn đề cốt lõi quyết định sự tồn vong của Nhà nước - của chế độ chính trị xã hội ta. Do đó, cần phải không ngừng đổi mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Trên đây ACC đã đề cập đến Điều 2 Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình tìm hiểu nếu có vấn đề thắc mắc xin vui lòng liên hệ website của Công ty Luật ACC để được giải đáp.
Nội dung bài viết:
Bình luận