Hiện nay, tội phạm chủ thể có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do đó việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm sớm nhất để hạn chế thiệt hại xảy ra là điều cần thiết. Tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn hết sức quan trọng được áp dụng ban đầu đối với người bị nghi thực hiện hành vi phạm tội. Vậy, quy định pháp luật tố tụng hình sự về tạm giữ như thế nào? Thời hạn tạm giữ hình sự là bao lâu? Để giải quyết vấn đề này, Luật ACC xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết: “Quy định pháp luật Tố tụng hình sự về Thời hạn tạm giữ (Mới nhất 2022)”.
1. Tạm giữ là gì?
Khi một người có hành vi vi phạm pháp luật đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và đã bị cơ quan điều tra khởi tố, nếu trong quá trình giải quyết vụ án xét thấy họ có dấu hiệu, ý định bỏ trốn hoặc nhằm mục đích ngăn chặn việc họ tiếp tục có hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử, pháp luật tố tụng cho phép các cơ quan có thẩm quyền được phép bắt và tạm giữ những đối tượng trên để giải quyết vụ án.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về việc tạm giữ, hiện nay, có một số quan điểm về vấn đề tạm giữ như sau:
Thứ nhất, tạm giữ là một trong những biện pháp biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội tự thú, đầu thú, phạm tội quả tang hoặc đối với người bị bắt theo lệnh truy nã.
Thứ hai, tạm giữ là một trong những biện pháp biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội tự thú, đầu thú, phạm tội quả tang hoặc đối với người bị bắt theo lệnh truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc người bị bắt trốn tránh việc điều tra, xác minh và để quyết định việc khởi tố bị can, tạm giam hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Thứ ba, tạm giữ là một trong những biện pháp biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự thể hiện việc chủ thể có thẩm quyền quyết định tước tự do một khoảng thời gian ngắn đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc người có lệnh truy nã nhằm ngăn chặn người bị bắt trốn tránh việc điều tra, xác minh và để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.
Như vậy, những quan điểm trên đã nêu được khá nhiều khía cạnh khác nhau của biện pháp ngăn chặn tạm giữ. Nhìn chung, chúng vẫn có sự thống nhất khi đề cập đến bản chất của biện pháp trên.
Tóm lại, có thể hiểu tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Thời hạn tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
Căn cứ theo Điều 118, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giữ như sau:
1) Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2) Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3) Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4) Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Theo quy định trên thì thời hạn tạm giữ là không quá 03 ngày, trường hợp cần thiết thì có thể gia hạn 02 lần và mỗi lần không quá 03 ngày. Như vậy, đối với tạm giữ thì Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tính thời hạn bằng Ngày.
3. Cách tính thời hạn tạm giữ
Cách tính thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định tại Điều 134, như sau:
“Điều 134. Tính thời hạn
- Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
…
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.”
Trong điều luật không có quy định cụ thể 1 ngày gồm bao nhiêu giờ, mà chỉ quy định khi tính thời hạn theo Ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Đối với tạm giữ do thời hạn được tính theo Ngày nên sẽ hết vào 24 giờ ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định mà không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu là bao nhiêu giờ; do đó có thể hiểu rằng trong quyết định tạm giữ việc ghi giờ kết thúc là không cần thiết vì thời hạn sẽ luôn hết vào lúc 24 giờ của ngày cuối cùng của thời hạn.
Các quy định trên của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là: “Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ”; như vậy quyết định tạm giữ chỉ cần ghi rõ ngày hết hạn mà không cần ghi giờ và ngày hết hạn.
Do quy định còn mang tính tùy nghi nên thực tế có hai quan điểm áp dụng khác nhau khi tính thời hạn tạm giữ trong trường hợp Cơ quan điều tra ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp: Quan điểm thứ nhất, thời hạn tạm giữ được tính từ khi nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tức là khi ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với người bị bắt, thời hạn tạm giữ phải tính cả thời gian giữ người trong trường hợp khẩn cấp trước khi ra Quyết định tạm giữ. Quan điểm thứ hai, thời hạn tạm giữ được tính từ khi có Quyết định tạm giữ (không tính thời gian giữ người trong trường hợp khẩn cấp vào thời hạn tạm giữ).
Khoản 4 Điều 118 BLTTHS năm 2015 quy định “Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”. Do có quan điểm về tính thời hạn tạm giữ khác nhau như trên nên dẫn đến việc tính thời hạn tạm giam cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn A do phát hiện A có hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy, biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp kết thúc vào lúc 15 giờ ngày 08/3/2018. Đến 03 giờ ngày 09/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X ra Quyết định tạm giữ và Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.Ngày 10/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện X ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với A, thời hạn tạm giam là 03 tháng.
Nếu theo quan điểm thứ nhất, trên Quyết định tạm giữ phải ghi: Thời hạn tạm giữ là 03 ngày được tính từ 15 giờ ngày 08/3/2018 đến 15 giờ ngày 11/3/2018. Trên Lệnh tạm giam phải ghi: Thời hạn tạm giam là 2 tháng 28 ngày kể từ ngày 10/3/2018 đến ngày 05/6/2018 (đã trừ đi 02 ngày tạm giữ).
Nếu theo quan điểm thứ hai, trên Quyết định tạm giữ phải ghi: Thời hạn tạm giữ là 03 ngày được tính từ 03 giờ ngày 09/3/2018 đến 03 giờ ngày 12/3/2018. Trên Lệnh tạm giam phải ghi: Thời hạn tạm giam là 2 tháng 29 ngày kể từ ngày 10/3/2018 đến ngày 06/6/2018 (đã trừ đi 01 ngày tạm giữ).
Tuy nhiên với quan điểm thứ nhất là điều mà nhiều bạn đọc hướng đến bởi giữ người trong trường hợp khẩn cấp là một biện pháp ngăn chặn của BLTTHS cũng làm hạn chế quyền con người, quyền công dân tương tự như biện pháp ngăn chặn tạm giữ,trên cơ sở vận dụng quy định Điều 118 BLTTHS năm 2015 cần tính cả thời hạn giữ người trong trường hợp khẩn cấp vào trong thời hạn tạm giữ để đảm bảo tốt hơn nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.
4. Dịch vụ tư vấn Luật ACC
Trên đây là giải đáp của Luật ACC về những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến chủ đề “Quy định pháp luật Tố tụng hình sự về Thời hạn tạm giữ (Mới nhất 2022)”. Công ty Luật ACC – Đồng hành pháp lý cùng bạn, lắng nghe, nắm bắt thông tin khách hàng cung cấp để tiến hành tư vấn chuyên sâu và đầy đủ những vướng mắc, vấn đề khách hàng đang gặp phải liên quan đến tranh tụng.
Bình luận