Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự thì pháp luật cũng đặt ra một số những yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân thủ theo – đó là các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Chỉ những giao dịch dân sự hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và được pháp luật bảo hộ. Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS). Đó là:
1. Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
Thuật ngữ “người” ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: Cá nhân, pháp nhân.
- Cá nhân
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự đồng thời phải tự chịu trách nhiệm trong giao dịch dân sự đó. Cho nên, giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 24 BLDS 2015.
– Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
- Pháp nhân
Pháp nhân tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo uỷ quyền). Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh người được đại diện. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân. Tuy nhiên pháp nhân chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.
2. Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (mục đích thực tế). Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các bên đã cam kết, thỏa thuận trong giao dịch. Những điều khoản này xác định quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh từ giao dịch. Mục đích và nội dung của giao dịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Con người xác lập, thực hiện giao dịch dân sự luôn nhằm đạt được mục đích nhất định. Muốn đạt được mục đích đó họ phải cam kết, thỏa thuận về nội dung và ngược lại những cam kết, thỏa thuận về nội dung của họ là để đạt được mục đích của giao dịch.
Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự đó.
3. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Không có tự do ý chí và bày tỏ ý chí không thể có tự nguyện, nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện. Sự tự nguyện của một bên (hành vi pháp lý đơn phương) hoặc sự tự nguyện của các bên trong một quan hệ dân sự (hợp đồng) là một trong các nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 3 BLDS: Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật.
Vì vậy, giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện không làm phát sinh hậu quả pháp lý. BLDS quy định một số trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
4. Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật
Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Thông qua phương tiện này bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch dân sự đã xác lập. Hình thức của giao dịch dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Nó là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Người xác lập giao dịch dân sự có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ theo (yêu cầu phải lập thành văn bản, phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký, xin phép). Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó (Điều 119 BLDS).
- Hình thức miệng (bằng lời nói)
- Hình thức văn bản
- Hình thức giao dịch bằng hành vi
Trên đây là toàn bộ nội dung giới thiệu của chúng tôi về quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 gửi đến quý bạn đọc để tham khảo. Trong quá trình tìm hiểu nếu như quý bạn đọc có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được trao đổi cụ thể.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo, tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp.
Nội dung bài viết:
Bình luận