Một trong những hoạt động trung gian thương mại được nhiều chủ thể lựa chọn làm hoạt động kinh doanh của mình là hoạt động đại lý ủy quyền. Vậy đại lý ủy quyền là gì? ACC xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu về hoạt động trung gian thương mại này qua những thông tin tham khảo sau.
1. Đại lý ủy quyền là gì?
Đại lý ủy quyền là hoạt động trung gian thương mại, trong đó một bên (gọi là bên đại lý) nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo ủy quyền của bên kia (gọi là bên giao đại lý) để hưởng thù lao.
2. Đặc điểm của đại lý ủy quyền là gì?
Đại lý ủy quyền có các đặc điểm:
- Đại lý ủy quyền là quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý, trong đó bên giao đại lý và bên đại lý phải là thương nhân theo quy định của Luật thương mại.
- Quyền sở hữu hàng hóa hoặc tiền thu được từ việc cung ứng dịch vụ thuộc quyền sở hữu của bên giao đại lý. Bên đại lý không có quyền sở hữu đối với hàng hóa và tiền thu được từ việc cung ứng dịch vụ khi đại lý ủy quyền.
- Bên đại lý bằng danh nghĩa của chính mình thực hiện việc mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thay cho bên giao đại lý.
- Quyền lợi mà bên đại lý nhận được trong quan hệ đại lý ủy quyền là tiền thù lao mà bên giao đại lý trả theo thỏa thuận.
3. Các hình thức đại lý ủy quyền
Hiện nay, có các hình thức đại lý ủy quyền phổ biến sau:
- Đại lý bao tiêu: bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền: bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định tại một khu vực địa lý nhất định.
- Tổng đại lý: bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
Ngoài các hình thức đại lý ủy quyền trên, bên đại lý và bên giao đại lý có thể tự mình thỏa thuận hình thức đại lý ủy quyền của mình.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý
Theo quy định tại Điều 172, Điều 173 Luật Thương mại 2005 bên giao đại lý có các quyền và nghĩa vụ như sau:
Về quyền:
- ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
- ấn định giá giao đại lý;
- Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
Về nghĩa vụ:
- Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
- Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
- Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
- Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
- Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Các quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với bên đại lý.
5. Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý
Theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Luật Thương mại 2005 bên đại lý có các quyền và nghĩa vụ như sau:
Về quyền:
- Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý
- Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
- Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
- Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;
- Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Về nghĩa vụ:
- Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
- Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
- Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
- Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
- Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
- Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
Các quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với bên đại lý.
6. Một số câu hỏi thường gặp
6.1. Bên đại lý có thể là cá nhân không?
Theo quy định của Luật Thương mại 2005 thì bên đại lý phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Như vậy bên đại lý có thể là cá nhân nếu cá nhân đó hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
6.2. Thời hạn đại lý ủy quyền là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 177 Luật Thương mại 2005, các bên có quyền thỏa thuận thời hạn đại lý, nếu không thoả thuận thì thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
6.3. Bên đại lý có thể giao kết hợp đồng đại lý với nhiều bên giao đại lý không?
Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng với một bên giao đại lý theo quy định trên. Nếu không thuốc trường hợp được nêu ở trên thì bên đại lý có quyền giao kết hợp đồng đại lý với nhiều bên đại lý.
Trên đây là toàn bộ các thông tin tham khảo mà ACC muốn gửi đến quý bạn đọc về đại lý ủy quyền là gì? Nếu trong quá trình tìm hiểu và thành lập đại lý ủy quyền, bạn đọc còn vướng mắc gì hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư thương mại của chúng tôi hỗ trợ tư vấn và làm thủ tục, hãy liên hệ ngay đến ACC qua hotline 1900 3330 này nhé!
Nội dung bài viết:
Bình luận