Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa mác lênin

Dựa trên cơ sở tư tưởng của C. Mác – Ph. Ăngghen về vấn đề dân tộc, dựa vào sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Nga, phân tích hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc, V.I. Lênin đã khái quát lại thành “Cương lĩnh dân tộc” của Đảng Cộng sản. ACC mời bạn cùng tìm hiểu thêm về cương lĩnh này trong bài viết Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa mác lênin

Cương Lĩnh Dân Tộc Của Chủ Nghĩa Mác Lênin

Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa mác lênin

1. Định nghĩa dân tộc

Dân tộc là sản phẩm của một quá trình lâu dài của xã hội loài người. Trước khi xuất hiện, loài người trải qua những hình thức cộng đồng từ thấp đến cao: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc.

Cho đến nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có hai nghĩa được dùng phổ biến nhất:

Một là, dân tộc chỉ một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù, xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc. Với nghĩa này, dân tộc là một bộ phận của quốc gia – quốc gia nhiều dân tộc.

Hai là, dân tộc chỉ cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thỗ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống, văn hóa và truyền thống đấu tranh chung suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước. Với nghĩa này, dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó – quốc gia dân tộc.

2. Nội dung Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa mác lênin

Nội dung “Cương lĩnh dân tộc” thể hiện trên 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, các dân tộc hoàn toàn bình đẳng

– Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là: Các dân tộc lớn hay nhỏ (kể cả Bộ tộc và chủng tộc) không phân biệt trình độ cao hay thấp đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và đi áp bức bóc lột dân tộc khác.

– Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ như nhau; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc do lịch sử để lại.

– Trên phạm vi giữa các quốc gia – dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gắn với cuộc đấu tranh xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, chống sự áp bức bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.

– Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc.

Thứ hai, các dân tộc được quyền tự quyết

– Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình: quyền tự quyết định chế độ chính trị – xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình; quyền tự do độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân tộc; quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi để có sức mạnh chống nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, giữ vững độc lập chủ quyền và có thêm những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quốc gia – dân tộc.

– Khi giải quyết quyền tự quyết của các dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân ủng hộ các phong trào đấu tranh tiến bộ phù hợp với lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Kiên quyết đấu tranh chống những âm mưu thủ đoạn của các thế lực đế quốc, lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Thứ ba, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại

– Đây là tư tưởng cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của Lênin: Nó phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp. Nó đảm bảo cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.

– Nó quy định mục tiêu hướng tới; quy định đường lối, phương pháp xem xét, cách giải quyết quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc, đồng thời, nó là yếu tố sức mạnh bảo đảm cho giai cấp công nhân và các đân tộc bị áp bức chiến thắng kẻ thù của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

– Đây là cơ sở vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động trong các dân tộc để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì vậy, nội dung liên hiệp công nhân các dân tộc đóng vai trò liên kết cả 3 nội dung của cương lĩnh thành một chỉnh thể.

3. Sự vận dụng cương lĩnh dân tộc của Lê nin ở Việt Nam hiện nay

Trên quan điểm của chủ nghĩa  Mác-Lênin, đặc biệt là vận dụng Cương lĩnh dân tộc của Lênin đồng thời xuất phát từ thực tiễn lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi thành lập đã xem vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc có tầm quan trọng hàng đầu.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia độc lập, một quốc gia đa sắc tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 80% trong tổng số dân cả nước. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chủ yếu sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là địa bàn quan trọng, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hơn nữa trình độ phát triển về văn hóa xã hội giữa các dân tộc có sự chênh lệch nhau rất lớn và đời sống kinh tế từng vùng cũng khác nhau rất xa, từ đó dẫn đến đời sống văn hóa, xã hội, chính trị … có sự cách biệt. Tuy vậy, người Việt Nam vẫn sớm đoàn kết lại, hợp thành sức mạnh để chống đỡ, khắc phục thiên nhiên và chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập quốc gia, chủ quyền dân tộc. Đây là đặc điểm bao trùm, nổi bật của dân tộc Việt Nam.

Tính đan xen giữa các tộc người khác nhau đã tạo nên nét văn hóa đa dạng, phong phú trong lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam ta. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, một số dân tộc thiểu số có cả chữ viết riêng, nhưng đều lấy tiếng Việt làm phương tiện ngôn ngữ giao tiếp thống nhất chung.

Do những đặc điểm trên, nên các dân tộc Việt Nam có sự hợp tác, gắn bó nhau trong một cộng đồng dân tộc, trong một Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Song từ xưa đến nay, vấn đề dân tộc luôn là vấn đề rộng lớn, phức tạp và lâu dài, cần phải xem xét nó như là vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn, toàn diện gắn liền với mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn xem vấn đề dân tộc là vấn đề quan trọng có tính chiến lược, là yếu tố phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác mọi tiềm năng của các thành phần dân tộc trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay trên tinh thần “đại đoàn kết dân tộc”.

Từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta, qua các thời kỳ cách mạng và ngày nay xây dựng đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước xác định: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là ra sức tăng cường khối đoàn kết không gì lay chuyển nổi giữa các dân tộc trong cả nước, phát huy tinh thần cách mạng và năng lực sáng tạo của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, đưa miền núi phát triển toàn diện làm cho tất cả các dân tộc tiến bộ, cùng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng làm chủ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, VI đã đặt ra vấn đề đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 22/NQTW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị và Quyết định 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng đề ra những chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Các chương trình 135, chương trình Xóa đói giảm nghèo, các chương trình điện, đường, trường, trạm để phát triển giao thông giữa các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thuận lợi hơn, đưa điện lưới quốc gia về tận các vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho con em và đồng bào dân tộc được khám chữa bệnh và đến trường…Hơn nữa còn đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ dân trí, phát triển văn hóa, tư tưởng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc. Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc. Thực hiện dân chủ hoá xã hội giữa các vùng dân tộc. Tránh mọi biểu hiện chủ quan duy ý chí, áp đặt một cách quan liêu mệnh lệnh làm mất khả năng sáng tạo của quần chúng các dân tộc.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nêu lên chính sách dân tộc thời kỳ 1996-2000... “ Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng Luật Dân tộc. Từ nay đến năm 2000 bằng nhiều biện pháp tích cực và vững chắc, thực hiện cho được 3 mục tiêu chủ yếu: xóa được đói, giảm được nghèo, ổn định và cải thiện được đời sống, sức khỏe của đồng bào dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới; xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch và vững mạnh”

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta còn có chính sách đối ngoại về vấn đề dân tộc. Với nội dung tư tưởng là: Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, cả song phương, đa phương, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và cùng có lợi. Đặc biệt, Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực trên tinh thần láng giềng thân thiện, cởi mở. Tham gia tích cực vào tổ chức ASEAN, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào nội bộï của nhau trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo