Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại phổ biến của đời sống xã hội và bởi vậy cần phải nắm kỹ vấn đề này khi áp dụng trong các lĩnh vực thương mại
Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
1. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
Theo Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 thì bên cung ứng dịch vụ có một số nghĩa vụ sau:
- Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ tương ứng với quyền của bên sử dụng dịch vụ được quy định tại khoản 1 Điều 516 Bộ luật dân sự năm 2015. Nói một cách khác, nghĩa vụ thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa thuận khác là cách thức thỏa mãn quyền của bên sử dụng dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ. Các yêu cầu về chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm thực hiện công việc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ tương đồng với nội dung quyền của bên sử dụng dịch vụ.
- Bảo quản và giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc: Nghĩa vụ bảo quản tài liệu, phương tiện được bên thuê dịch vụ giao cho bên cung ứng dịch vụ trong suốt quá trình thực hiện công việc. Nghĩa vụ bảo quản sẽ phải đảm bảo ở hai góc độ là bảo đảm và quản lý:
+ Bảo đảm về mặt chất lượng, số lượng như tình trạng khi bên sử dụng dịch vụ giao cho mình;
+ Và quản lý, sử dụng các thông tin, phương tiện này đúng mục đích như các bên đã thỏa thuận.
Việc bảo quản cho phép các tài sản hao mòn theo quy luật tự nhiên về vận động của thế giới vật chất.
- Nghĩa vụ giao lại thông tin, tài liệu, phương tiện sau khi hoàn thành công việc. Nghĩa vụ giao lại thông tin, tài liệu và phương tiện thực hiện công việc cần đảm bảo hai yếu tố:
+ Một là đảm bảo chất lượng, số lượng thông tin, tài liệu, phương tiện tương đương như khi bên sử dụng dịch vụ bàn giao cho bên cung ứng dịch vụ (trừ các hao mòn tự nhiên);
+ Hai là thời gian bàn giao là khi công việc đã hoàn thành. Thời gian hoàn thành được xác định trong hợp đồng dịch vụ và có thể là mốc thời gian cụ thể hoặc theo một sự kiện pháp lý.
- Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không đảm bảo chất lượng để hoàn thành công việc. Nghĩa vụ này được thực hiện với các điều kiện cụ thể sau:
+ Về chất lượng thông tin, tài liệu không đầy đủ: Điều này đồng nghĩa các thông tin, tài liệu này chưa đảm bảo thực hiện được công việc theo kết quả dự kiến ban đầu của các chủ thể và phương tiện không đảm bảo chất lượng dẫn đến công việc không thực hiện hoặc nếu có thực hiện thì cũng không đem lại kết quả như đã thỏa thuận.
+ Thời gian thông báo phải là ngay lập tức: Điều này đồng nghĩa bên cung ứng dịch vụ phải thông báo tới cho bên sử dụng dịch vụ với các khía cạnh sau:
Sau khi tiếp nhận, phân tích các thông tin, tài liệu và bằng chuyên môn của mình, bên cung ứng dịch vụ nhận thấy không thể thực hiện trên cơ sở thông tin, tài liệu, phương tiện đã cung cấp thì sẽ tiến hành thông báo cho bên thuê dịch vụ.
Đảm bảo thông báo trước thời điểm phải bắt đầu thực hiện dịch vụ. Các bên chủ thể có thể thỏa thuận thời điểm thực hiện dịch vụ theo mốc thời gian hoặc theo sự kiện nhất định (thường là đã hoàn thành tập hợp thông tin, tài liệu, phương tiện thực hiện công việc đầy đủ) để bắt đầu thực hiện công việc. Như vậy, xác định thời gian thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không đảm bảo chất lượng được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên hoặc theo tính chất của thông tin, tài liệu trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
2. Bên cung ứng dịch vụ có thể tiết lộ thông tin của bên sử dụng dịch vụ không? Nếu tiết lộ thì sao?
Theo quy định tại Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 thì "bên cung ứng dịch vụ phải giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Như vậy, bên cung ứng dịch vụ phải giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, đặc biệt các dịch vụ có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người sử dụng dịch vụ như: dịch vụ y tế (thường liên quan đến xét nghiệm, chữa trị các loại bệnh như HIV, AIDS, giang mai, lậu...), dịch vụ pháp luật (liên quan đến những bí mật trong các vụ việc ly hôn, xác định cha, mẹ, con...), dịch vụ mát-xa, khách sạn...
Nghĩa vụ này bao gồm các nội dung:
- Không cho phép bất cứ người thứ ba nào có khả năng tiếp cận với nguồn thông tin mà bên sử dụng dịch vụ cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ.
- Bên cung ứng dịch vụ không được tiết lộ dù dưới góc độ vô tình hoặc cố ý cho người thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp người thứ ba tiếp cận được thông tin mà bên sử dụng dịch vụ chứng minh được mình hoàn toàn không có lỗi hoặc các trường hợp pháp luật quy định bên cung ứng dịch vụ phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ không thuộc trường hợp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin.
Trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại mang tính chất bất lợi dành cho bên cung ứng dịch vụ trong hai trường hợp:
+ Một là, tài liệu, phương tiện bị hư hỏng, mất mát gồm các trường hợp giảm sút giá trị hoặc mất giá trị tài sản;
+ Hai là, thông tin của bên sử dụng dịch vụ đến với người thứ ba do bên cung ứng dịch vụ “tiết lộ
Như vậy, bên cung ứng dịch vụ có lỗi trong việc bảo quản thông tin và việc tiết lộ luôn gắn liền với yếu tố lỗi (có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý) thì bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ bồi thường.
3. Bên cung ứng dịch vụ có được giao cho người khác thực hiện công việc thay không? Tại sao?
Khoản 2 Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là "không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ:.
Như vậy, bên cung ứng dịch vụ chỉ được giao cho người thứ ba thực hiện thay công việc cho mình nếu được bên sử dụng dịch vụ đồng ý. Người thứ ba phải đáp ứng các điều kiện để thay thế được bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc.
Đây là một quy định hợp lý, cần thiết vì với một số công việc dịch vụ đặc thù thì việc thực hiện phụ thuộc vào chuyên môn, kinh nghiệm, bằng cấp, tay nghề của người thực hiện. Do đó, chính những người này phải là người trực tiếp tiến hành công việc dịch vụ.
4. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc
Thông tin, tài liệu được hiểu là tổng hợp các nguồn dữ liệu chứa đựng dưới nhiều dạng khác nhau như lời nói, văn bản, dữ liệu điện tử...
Theo Điều 518 Bộ luật dân sự 2015 thì để thuận lợi trong quá trình thực hiện công việc, bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện phục vụ cho thực hiện công việc. Tương ứng với quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện thực hiện công việc là nghĩa vụ cung cấp của bên sử dụng dịch vụ được quy định tại Khoản 1 Điều 516 Bộ luật dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, thông tin, tài liệu và phương tiện mà bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu cung cấp phải phù hợp với tính chất dịch vụ, mục đích của hợp đồng.
5. Quyền thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ
Khoản 2 Điều 518 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền của bên cung ứng dịch vụ như sau:
Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
Điều kiện thực hiện dịch vụ là tổng hợp các điều kiện để thực hiện công việc và điều kiện thực. Bên cung ứng dịch vụ chỉ có quyền thay đổi điều kiện dịch vụ mà không cần chờ sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ khi thỏa mãn các điều kiện:
- Thay đổi điều kiện dịch vụ là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hoặc tiếp tục thực hiện dịch vụ: Thực hiện dịch vụ là một quá trình nên trong quá trình này sẽ có nhiều biến động mang tính khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện và khả năng hoàn thành công việc. Trong các tình huống này buộc phải có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu công việc hoàn thành và đạt được kết quả như dự liệu. Do đó; bên cung ứng dịch vụ bằng kinh nghiệm, năng lực sẵn có của mình phải đánh giá và có sự điều chỉnh điều kiện dịch vụ cho phù hợp. Đây là một yếu tố không dễ định lượng nên nó được xác định trên cơ sở kinh nghiệm, chuyên môn, trách nhiệm và năng lực thực tế của bên cung ứng đối với khách hàng.
- Việc chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ có thể dẫn đến thiệt hại cho chính chủ thể này: Thiệt hại thực tế là các thiệt hại mang tính vật chất hoặc tổn thất tinh thần của bên sử dụng dịch vụ khi công việc không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Tùy tính chất của từng loại công việc, mục đích thực hiện công việc khác nhau nên các thiệt hại cũng khác nhau.
- Bên cung ứng dịch vụ phải thông báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thay đổi điều kiện dịch vụ của mình: Hình thức của thông báo do bên cung ứng dịch vụ quyết định sao cho phù hợp với điều kiện của cả hai bên, đảm bảo tính chất nhanh, gọn và kịp thời. Nghĩa vụ thông báo ngay cũng phù hợp với tính chất của quan hệ hợp đồng - luôn là sự thống nhất ý chí của các bên, cũng như giúp bên thuê dịch vụ có thể thể hiện được ý chí của mình. Trong một số trường hợp, bên thuê dịch vụ không đồng ý với việc thay đổi điều kiện dịch vụ, chấp nhận các thiệt hại có thể gặp phải khi thực hiện theo điều kiện dịch vụ đã được thỏa thuận thì sẽ có quyền thể hiện mong muốn của mình.
6. Những câu hỏi thường gặp.
Cung ứng dịch vụ là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005 về khái niệm cung ứng dịch vụ như sau:
Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
Điều kiện để cung ứng dịch vụ tư vấn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 87/2002/NĐ-CP về điều kiện cung ứng dịch vụ tư vấn cụ thể như sau:
- Đối với tổ chức hoạt động tư vấn :
+ Là doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ hoặc tổ chức khác có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tư vấn, được thành lập và đăng ký hoạt động phù hợp với các quy định của pháp luật;
+ Có trụ sở và phương tiện làm việc;
+ Có ít nhất 02 người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
- Đối với cá nhân hoạt động tư vấn :
+ Có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thuộc lĩnh vực hành nghề tư vấn hoặc có chứng chỉ hành nghề tư vấn trong trường hợp pháp luật có quy định;
+ Có tư cách đạo đức tốt;
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư vấn.
+ Phải hoạt động trong một tổ chức tư vấn nhất định.
- Cán bộ, công chức được phép tham gia cung ứng dịch vụ tư vấn trong trường hợp sự tham gia đó không trái với Pháp lệnh cán bộ, công chức.
Nguyên tắc hoạt động tư vấn được quy định tại Điều 7 Nghị định 87/2002/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Tuân thủ pháp luật.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
- Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan và khoa học của hoạt động tư vấn.
- Giữ bí mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
Các hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng?
- Thu thập, cung cấp trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
- Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
- Trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng sai đối tượng, sai mục đích, bất hợp pháp.
- Lợi dụng hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Cản trở hoạt động thu thập và sử dụng thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.3330 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ ACC
Nội dung bài viết:
Bình luận