Một trong những thành phần quan trọng nhất của máy tính chính là bộ vi xử lý CPU. Nói một cách nôm na thì nó chính là bộ não của hệ thống máy tính, điều khiển toàn bộ hoạt động trên thiết bị. Nhưng không phải là một người am hiểu về máy tính thì bạn thường không nắm được thông tin về CPU là gì? Tốc độ CPU là gì? Nó bao gồm những thành phần nào?
CPU là gì?
1. CPU là gì?
CPU viết tắt của chữ Central Processing Unit, tạm dịch là bộ xử lý trung tâm, là các mạch điện tử trong một máy tính, thực hiện các câu lệnh của chương trình máy tính bằng cách thực hiện các phép tính số học, logic, so sánh và các hoạt động nhập/xuất dữ liệu cơ bản do mã lệnh chỉ ra.
2. Cấu tạo của CPU
- Khối điều khiển (CU - Control Unit)
Là thành phần của CPU có nhiệm vụ thông dịch các lệnh của chương trình và điều khiển hoạt động xử lý, được điều tiết chính xác bởi xung nhịp đồng hồ hệ thống. Phần này là phần cốt lõi của một bộ xử lý được cấu tạo từ các mạch logic so sánh với các linh kiện bán dẫn như transistor tạo thành.
- Khối tính toán ALU (Arithmetic Logic Unit)
Chức năng thực hiện các phép toán số học và logic sau đó trả lại kết quả cho các thanh ghi hoặc bộ nhớ.
- Các thanh ghi (Registers)
Là các bộ nhớ có dung lượng nhỏ nhưng tốc độ truy cập rất cao, nằm ngay trong CPU, dùng để lưu trữ tạm thời các toán hạng, kết quả tính toán, địa chỉ các ô nhớ hoặc thông tin điều khiển. Mỗi thanh ghi có một chức năng cụ thể. Thanh ghi quan trọng nhất là bộ đếm chương trình (PC - Program Counter) chỉ đến lệnh sẽ thi hành tiếp theo.
- Opcode
Phần bộ nhớ chứa mã máy của CPU (không bắt buộc) để có thể thực thi các lệnh trong file thực thi.
- Phần điều khiển
Thực hiện việc điều khiển các khối và điều khiển tần số xung nhịp. Mạch xung nhịp hệ thống dùng để đồng bộ các thao tác xử lý trong và ngoài CPU theo các khoảng thời gian không đổi. Khoảng thời gian chờ giữa hai xung gọi là chu kỳ xung nhịp. Tốc độ theo đó xung nhịp hệ thống tạo ra các xung tín hiệu chuẩn thời gian gọi là tốc độ xung nhịp tính bằng triệu đơn vị mỗi giây (MHz).
3. Tốc độ xử lý CPU thế nào là nhanh?
Tốc độ CPU hay còn gọi là tốc độ xung nhịp CPU được đo bằng đơn vị Gigahertz hay GHz biểu thị số chu kỳ xử lý mỗi giây mà CPU có thể thực hiện được.
Tốc độ xung nhịp cao hơn đồng nghĩa là CPU nhanh hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố khác tác động.
Tốc độ CPU còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Số nhân xử lý (2, 4, 10, 22 nhân,...), càng nhiều nhân càng mạnh.
- Công nghệ sản xuất (32nm, 22nm, 14nm,...), càng nhỏ càng tiết kiệm điện và hiệu năng cao hơn.
- Công nghệ làm tăng tốc độ xử lý của CPU (pipeline, turbo boost, siêu phân luồng,...).
- Bộ nhớ đệm dùng để lưu các lệnh/dữ liệu thường dùng hay có khả năng sẽ được dùng trong tương lai gần, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi của CPU.
- Đồ họa tích hợp
- TDP (công suất thoát nhiệt), lượng nhiệt chip xử lý tỏa ra mà hệ thống làm mát cần phải giải tỏa. TDP thường cho biết mức tiêu thụ điện của con chip, con số này càng thấp càng tốt.
4. Hướng dẫn các kiểm tra CPU máy tính, laptop
Vì sao phải kiểm tra CPU của máy tính, laptop? Đây là thắc mắc của khá nhiều người dùng. Việc kiểm tra CPU của laptop giúp bạn biết chính xác các phần cứng đang được trang bị. Khi muốn sửa chữa hoặc thay mới, việc kiểm tra CPU sẽ giúp chọn CPU mới cho máy tính đơn giản hơn rất nhiều.
Có rất nhiều cách để kiểm tra CPU cho máy tính:
- Kiểm tra với Properties.
- Sử dụng mã lệnh "Dxdiag".
- Sử dụng lệnh "Msinfo32".
- Dùng phần mềm Intel Power Gadget.
- Sử dụng Command Prompt.
- Sử dụng System Information.
4.1. Kiểm tra CPU bằng Properties
Đây là cách kiểm tra CPU đơn giản nhất cho laptop, máy tính.
Cách thực hiện:
- Bước 1:
+ Cách 1: Click chuột phải vào This PC (Windows 10) hoặc My Computer (Windows7) trên màn hình desktop -> Chọn Properties.
+ Cách 2: Nếu không thấy tùy chọn này trên màn hình, nhấn tổ hợp phím Windows + E -> Tìm This PC hoặc My Computer -> Click chuột phải -> Chọn Properties.
- Bước 2: Màn hình sẽ hiển thị các thông tin cơ bản về máy tính. Xem thông tin về CPU ở Phần System/Processor.
4.2. Cách xem cpu laptop sử dụng mã lệnh "Dxdiag"
Mã lệnh "Dxdiag" giúp bạn kiểm tra các thông tin CPU như:
- Tốc độ.
- Cấu hình bộ xử lý.
Cách thực hiện cũng rất đơn giản:
- Bước 1: Kích vào Start Menu (góc trái bên dưới màn hình) hoặc sử dụng phím tắt Windows + R.
- Bước 2: Gõ lệnh "Dxdiag" lên thanh tìm kiếm -> Nhấn Enter hoặc OK.
- Bước 3: Màn hình sẽ hiển thị hộp hội thoại DirectX Diagnostic Tool -> Thông tin về CPU laptop được hiển thị ở phần Processor (mục System Information).
4.3. Cách xem CPU của máy tính, laptop bằng lệnh "Msinfo32"
Cách này cũng tương tự như sử dụng mã lệnh "Dxdiag". Tuy nhiên, ngoài các thông số về tốc độ, cấu hình bộ xử lý, bạn có thể xem thêm số lượng các lõi CPU được cài đặt trong hệ thống.
Hướng dẫn thao tác chi tiết:
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R hoặc click chọn Menu Start.
- Bước 2: Gõ mã lệnh "Msinfo32" -> Nhấn Enter hoặc OK.
- Bước 3: Màn hình sẽ hiển thị hộp hội thoại System Information -> Kiểm tra CPU máy tính ở dòng Processor.
4.4. Kiểm tra CPU máy tính trong Settings
Đây là một trong những cách kiểm tra thông tin về CPU của laptop, máy tính đơn giản và hữu ích nhất.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Click chọn Start Menu (nằm trên thanh taskbar, góc trái bên dưới màn hình).
- Bước 2: Nhấn chọn biểu tượng Settings (Cài đặt) có hình bánh răng cưa.
- Bước 3: Chọn System -> Chọn mục About ở cột bên trái và bạn sẽ thấy thông tin CPU của máy hiển thị ở dòng Processor.
4.5. Sử dụng phần mềm Intel Power Gadget
Intel Power Gadget là phần mềm của bên thứ 3. Với phần mềm này bạn có thể biết được nhiều thông tin về CPU như:
- Tần số, tốc độ cơ bản của CPU.
- Kiểm tra tốc độ hiện tại của CPU.
- Nhiệt độ CPU.
- Mức tiêu thụ năng lượng.
Các thông tin khác:
- Intel Power Gadget hỗ trợ trên các nền tảng: Windows, MacOs, Linux.
Ngoài phần mềm Intel Power Gadget, bạn cũng có thể sử dụng một phần mềm khác là CPU-Z để kiểm tra các thông số CPU.
4.6. Sử dụng Task Manager để kiểm tra CPU cho laptop
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Ctrl + Shift + ESC để mở Task Manager.
- Bước 2: Sau khi xuất hiện hộp hội thoại -> Chọn tab Performance.
- Bước 3: Chọn mục CPU và bạn sẽ thấy các thông tin về CPU (số nhân, số luồng, tốc độ, cấu hình, ...) hiển thị ở bên tay phải.
5. Câu hỏi thường gặp
Các Hãng CPU Đang Được Sử Dụng Phổ Biến Trên Thị Trường Hiện Nay
AMD và Intel là những hãng sản xuất bộ vi xử lí lớn nhất trên thị trường CPU máy tính để bàn hiện tại. Hai hãng này đươc đánh giá là có sự cạnh tranh cức kì khốc liệt trên từng sản phẩm tạo ra sự đa dạng cho thị trường giúp cho đa số bộ phận người dùng có nhiều sự lựa chọn đánh giá và so sánh một cách kĩ càng hơn.
Nội dung bài viết:
Bình luận