Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông đã được quy định trong luật giao thông đường bộ năm 2008, nhưng không phải ai cũng nắm được hết. Hãy cùng ACC tìm hiểu cụ thể hơn thông qua bài viết dưới đây
1. Căn cứ pháp lý:
Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Thông tư 65/2012/ TT – BCA ngày 30 tháng 10 năm 2012 Quy định nhiệm vụ , quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ.
2. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông:
Theo Điều 7 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định như sau:
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
- Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
- Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
- Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Phát hiện những bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời;
+ Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
3. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định như thế nào?
Theo Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định như sau:
- Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
- Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
- Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
4. Các yêu cầu đối với Cảnh sát giao thông khi đang thực hiện nhiệm vụ xử phạt được quy định như thế nào?
Theo Điều 3 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì khi thực hiện nhiệm vụ xử phạt hành chính về giao thông đường bộ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.
- Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
- Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.
Nội dung bài viết:
Bình luận