Chủ thể của luật biển quốc tế

Chủ thể của luật biển quốc tế trước hết là những thực thể có các quan hệ quốc tế trên biển, thực hiện một cách trực tiếp các quyền và nghĩa vụ quốc tế của mình trên biển. Theo tiêu chuẩn này, chủ thể luật biển quốc tế bao gồm: (i) Các quốc gia; (ii) Các tổ chức quốc tế liên quan đến biển; (iii) Các công ty biển; (iv) Các thể nhân; (v) Loài người.

Chu The Cua Luat Bien Quoc Te

Chủ thể của luật biển quốc tế

1. Các quốc gia

Các quốc gia, chủ thể truyền thống và quan trọng nhất của luật pháp quốc tế, cũng là chủ thể của luật biển quốc tế. Biển động chạm đến tất cả các lãnh vực: thực phẩm, giao thông, năng lượng, các nguyên liệu ban đầu, ngoại thương, quốc phòng, và cả chiến lược. Do vậy, tất cả các quốc gia, ngay cả các quốc gia không có biển, đều có quyền lợi và quan tâm đến biển.

Trong luật quốc tế, các quốc gia lớn hay nhỏ, nước Mỹ hay Malta, đều là các chủ thể ngang bằng về quyền lợi và nghĩa vụ. Tuy nhiên trên biển, không phải tất cả các quốc gia đều có cùng một vị thế khách quan. Trong luật biển quốc tế, có hiện tượng phân chia các quốc gia theo vị trí tự nhiên, căn cứ vào tính đặc thù của biển, cấu tạo tự nhiên cho phép mức độ tiếp xúc với biển khác nhau và hoạt động của các chủ thể trên biển khác nhau: có quốc gia ven biển, có quốc gia không có biển và quốc gia bất lợi về mặt địa lý; quốc gia mà tàu treo cờ và quốc gia cảng; quốc gia đảo và quốc gia quần đảo. Trong khi đấu tranh đòi hỏi một sự ngang bằng pháp lý, mỗi quốc gia đều tìm cách nhấn mạnh các đặc thù chính trị, kinh tế, địa lý…của mình để đòi hỏi có được một quy chế pháp lý phù hợp với vị trí tự nhiên riêng biệt của mình.

Xét đến các quốc gia, chủ thể của luật biển quốc tế, không thể bỏ qua ảnh hưởng to lớn của các quốc gia có biển và sức nặng của quyền lợi quốc gia. Các quốc gia có cùng quyền lợi liên kết lại trong các nhóm đại diện chung trong luật biển quốc tế: nhóm các cường quốc biển bảo vệ quyền tự do trên biển và đòi hỏi quyền quá cảnh eo biển quốc tế không bị cản trở, nhóm 77 gồm các nước mới dành được độc lập và các quốc gia đang phát triển muốn thay đổi trật tự pháp lý cũ trên biển, nhóm 22 và nhóm 29 về các nguyên tắc trong phân định biển, nhóm quốc gia quần đảo, nhóm các quốc gia không có biển và bất lợi về mặt địa lý… Các quốc gia ven biển luôn có một sức nặng nhất định. Điều 28, khoản a của Hiệp ước 1948 thành lập tổ chức tư vấn liên chính phủ về Hàng hải IMCO, tiền thân của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO, quy định: “Uỷ ban an toàn hàng hải gồm 14 thành viên do Đại Hội đồng bầu ra trong số các thành viên mà Chính phủ các nước này có các mối quan tâm quan trọng đối với các vấn đề an toàn hàng hải. ít nhất tám trong số các nước đó phải là các nước có các hạm đội thương mại quan trọng nhất…”. Các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào nhưng phải thực hiện quyền đó thông qua con đường thoả thuận với quốc gia quá cảnh. Trong việc sử dụng chủ quyền toàn vẹn trên lãnh thổ của mình, các quốc gia quá cảnh có quyền định ra tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng các quyền và các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền quá cảnh vì lợi ích của quốc gia không có biển, không hề đụng chạm đến các lợi ích chính đáng của quốc gia quá cảnh.

2. Các tổ chức quốc tế liên quan đến biển

Các tổ chức quốc tế liên chính phủ do các quốc gia thoả thuận thành lập phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là các chủ thể thứ cấp và hạn chế, vì chúng do các quốc gia, chủ thể cơ bản của luật pháp quốc tế thành lập và quy định cho một số quyền hạn chế qua con đường thoả thuận. Các tổ chức này có Hiến chương và có các cơ quan điều hành riêng và có tư cách pháp nhân hoàn toàn khác với các quốc gia thành viên. Các tổ chức quốc tế về biển là chủ thể thứ cấp và hạn chế của luật biển quốc tế, điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên trong một hay nhiều lĩnh vực sử dụng biển. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 định nghĩa trong điều 1 của Phụ lục IX: thuật ngữ “các tổ chức quốc tế” được hiểu là một tổ chức liên chính phủ được các quốc gia lập nên, các quốc gia này trao cho tổ chức đó thẩm quyền về các vấn đề mà Công ước đề cập, kể cả thẩm quyền ký kết các hiệp ước về những vấn đề này.

Cho đến đầu thế kỷ XX, các tổ chức quốc tế về biển phát triển chậm, phù hợp với tốc độ phát triển kém của luật biển quốc tế. Phần lớn các tổ chức quốc tế này được thành lập đối với các hoạt động truyền thống: nghề cá hoặc hàng hải. Sự hợp tác quốc tế trong các lãnh vực khác hầu như không tồn tại, ngoại trừ vấn đề trấn áp cướp biển, nghĩa vụ của tất cả các quốc gia. Chỉ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi các quốc gia thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn tới biển cả thì các tổ chức quốc tế về biển mới phát triển và đóng góp to lớn vào sự nghiệp pháp điển hoá Luật biển quốc tế. Hàng loạt các tổ chức quốc tế về biển ra đời như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức khí tượng quốc tế (IHO)…và sự tham dự của các tổ chức quốc tế về biển trong các Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển cũng trở nên phong phú và đa dạng. Trong Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về luật biển có tới 11 thể chế đặc biệt, 19 tổ chức quốc tế liên chính phủ, 38 tổ chức quốc tế phi chính phủ tham gia. Điều 305 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã để ngỏ khả năng tham gia ký kết Công ước cho các tổ chức quốc tế như một chủ thể của luật biển quốc tế.

Trên thực tế, liên minh châu Âu là tổ chức quốc tế duy nhất ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đồng thời cũng là bản Hiệp ước khai sinh ra một loạt các tổ chức quốc tế mới: Uỷ ban ranh giới thềm lục địa, Toà án quốc tế về luật biển, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển. Điều 157 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 định nghĩa Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển là “tổ chức mà qua nó, các quốc gia thành viên tổ chức và kiểm soát các hoạt động tiến hành trong Vùng, đặc biệt là nhằm quản lý các tài nguyên của Vùng” (tức Vùng đáy biển quốc tế-di sản chung của loài người). Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên có thẩm quyền thực hiện trên phạm vi toàn cầu các hoạt động kinh tế và thương mại.

Các tổ chức quốc tế còn thể hiện rõ vai trò của mình trong việc điển chế hoá luật biển quốc tế. Từ năm 1958 đến 1982 đã có ba cuộc Hội nghị lớn của Liên hợp quốc về luật biển, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của luật biển, làm luật biển trở thành ngành luật đầu tiên được pháp điển hoá một cách tổng thể trên phạm vi toàn thế giới. Tuy cơ chế của Hội nghị còn nặng nề và chậm chạp (9 năm cho Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về luật biển), nhưng với các phương pháp thoả thuận mới, giải quyết cả gói package deal, đã tập hợp được tốt nhất ý chí thống nhất của các quốc gia để xây dựng nên một trật tự pháp lý mới trên biển. Trong khuôn khổ Liên hợp quốc hàng năm đều có cuộc họp của các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Nhiều nghị quyết đã được thông qua để thúc đẩy sự áp dụng Luật biển trên phạm vi thế giới.

3. Các công ty biển

Các công ty biển là những thể chế trực tiếp sử dụng biển. Các công ty này liên quan nhiều hơn đến luật hàng hải hơn là luật biển quốc tế. Nhưng ở góc độ là bên trực tiếp sử dụng biển và do đó có một số luật lệ riêng của mình được các thành viên thống nhất nhằm đảm bảo một trật tự trên biển trong một lĩnh vực nhất định, phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng những bên sử dụng biển, các công ty biển có thể được coi là những chủ thể cầu nối giữa một bên là luật hàng hải và một bên là luật biển. Hãng Lloyd’s, một hãng bảo hiểm của Anh nhưng lại bảo hiểm 2/3 tấn trọng tải của thương thuyền thế giới. Các quy định riêng của Lloyd’s cũng trở thành những quy chuẩn chung của luật đối với những bên sử dụng biển.

Thông qua các hoạt động của mình, các công ty kiểm soát và điều chỉnh hoạt động của các thương thuyền, các dàn khoan trên thế giới…- những đối tượng điều chỉnh của luật biển quốc tế. Các công ty biển có được coi là chủ thể hạn chế của luật biển quốc tế hay không, đó vẫn còn là một vấn đề tranh cãi, nhưng không ai phủ nhận được sự đóng góp của các công ty này trong việc hình thành các quy chuẩn của luật biển quốc tế, điều chỉnh một môi trường
hoạt động cả về tự nhiên lẫn xã hội trên biển.

4. Các thể nhân

Không có một quy định chung nào nói các thể nhân không thể là “chủ thể của luật pháp quốc tế”, và trong những bối cảnh riêng biệt, các thể nhân là các đối tượng, có thể là trực tiếp, của các quy định quốc tế. Luật biển quốc tế đặt ra cho các thể nhân một số các nghĩa vụ: cấm buôn bán nô lệ, cấm làm cướp biển, cấm phát sóng trái phép, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người chủ các đường cáp, ống dẫn đặt trên đáy biển các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia bị hỏng do lỗi của họ gây ra… Các thể nhân cũng có các quyền nhất định như các quyền tự do biển cả được thừa nhận cho tất cả các quốc gia, và thông qua các quốc gia đó, cho công dân của họ, các nhà đi biển và ngư dân… Luật biển quốc tế thông qua các công ước có mục đích khác nhau đặt ra cho những người sử dụng biển các nghĩa vụ cũng như các quyền nhất định.

5. Loài người

Loài người là một khái niệm không đơn giản cũng như không có gì rõ ràng trong luật pháp quốc tế. Trong luật biển quốc tế, công thức “di sản chung của loài người” được biết đến lần đầu tiên qua sáng kiến đề nghị của Arvid Pardo, đại sứ Malta tại Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 22 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17 tháng 8 năm 1967, coi vùng đáy biển và đáy đại dương cũng như các lòng đất của chúng nằm ngoài vùng tài phán quốc gia và các nguồn tài nguyên của vùng này là di sản chung của loài người. Khái niệm này đã được ghi nhận trong Nghị quyết 2749 (XXV) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 17 tháng12 năm 1970 “Tuyên bố về các nguyên tắc quản lý đáy biển và đại dương cũng như các lòng đất của chúng nằm ngoài ranh giới quyền tài phán quốc gia”. Khái niệm loài người này rõ ràng bao hàm tất cả các quốc gia trong phạm vi trái đất, quốc gia có biển cũng như quốc gia không có biển. Tuy nhiên, cả luật thực định, lẫn Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 đều không đưa ra định nghĩa chính xác, cũng như mô tả các đặc tính của khái niệm “loài người” như một chủ thể của luật biển quốc tế.

Như vậy trong khi các chủ thể truyền thống của luật pháp quốc tế, quốc gia và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại như là các chủ thể của luật biển quốc tế, vấn đề xác định tiếp các chủ thể khác của luật biển quốc tế vẫn để ngỏ cho những cuộc tranh luận.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Chủ thể của luật biển quốc tế mà ACC đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Hy vọng rằng với những thông tin trên, quý bạn đọc có thể áp dụng được trong cuộc sống và công việc. Mọi thông tin thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi; ACC với đội ngũ chuyên viên với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sẽ hỗ trợ quý bạn đọc một cách chuyên nghiệp và nhanh chóng nhất. Công ty Luật ACC - Đồng hành pháp lý cùng bạn.

Nội dung bài viết:

    Hãy để lại thông tin để được tư vấn

    Họ và tên không được để trống

    Số điện thoại không được để trống

    Số điện thoại không đúng định dạng

    Vấn đề cần tư vấn không được để trống

    comment-blank-solid Bình luận

    084.696.7979 19003330 Báo giá Chat Zalo